Cao Bằng tăng cường tuyên truyền phòng chống buôn bán người
Với đặc thù tại khu vực biên giới, tình trạng lao động sang làm thuê diễn ra khá phổ biến chính là nguy cơ tiềm ẩn của nạn mua bán người.
Hiện nay, tội phạm mua bán người tại các địa phương có đường biên giới giáp ranh vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trong gần 4 năm qua, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.000 vụ mua bán người, với hơn 1.200 đối tượng, lừa bán trên 2.300 nạn nhân. Các đối tượng thường lợi dụng những vùng biên giới, nhất là nơi khó khăn kinh tế, thiếu việc làm, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phòng chống buôn bán người tại các địa bàn giáp biên luôn được quan tâm.
Xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng có 15 km đường biên giới. Hiện xã có 560 hộ dân thì có 7 người đi làm xa lâu ngày, 40 người lấy chồng “chui” bên kia biên giới. Chị Nông Thị Yên ở xã Lý Quốc cho biết: “Năm ngoái cũng có một vụ đưa người bị bộ đội biên phòng phát hiện, nên họ bỏ lại trẻ con chạy. Con gái em học lớp 1 em cũng thấy lo, hàng ngày ở với bà nhưng vẫn phải dặn con thấy người lạ là không được theo”.
Tại những địa phương có đường biên giới dài, phức tạp, nếu công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ buôn bán người thực hiện tốt sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng buôn bán người qua biên giới. Ông Hoàng Đức Cương, Chủ tịch UBND xã Lý Quốc cho biết, hiện xã có khoảng 30 người nghiện hút là nguyên nhân dẫn đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương phức tạp.
“Xã thường xuyên phối hợp với bộ đội ở đồn biên phòng hàng tháng, quý tuyên truyền phòng chống buôn bán người và ma túy qua biên giới. Hội Phụ nữ thường xuyên có kế hoạch tuyên truyền nên mấy năm gần đây không có người của xã bị lừa bán qua biên giới. Những năm gần đây, ở xã chưa xảy ra vụ lừa người đưa bán sang biên giới”, ông Cương nói.
Trong lĩnh vực di cư lao động đã có Luật về Người Việt Nam đi làm ở nước ngoài và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, với đặc thù tại khu vực biên giới giáp ranh, tình trạng lao động sang làm thuê, diễn ra khá phổ biến, đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến việc mua bán người.
Thượng tá Hoàng Văn Tùng, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Việc công dân ở các huyện trong nội địa lén lút sang làm thuê, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền xử lý. Tuy nhiên, do đường biên giới dài phức tạp nên vẫn có tình trạng người lao động lén lút sang làm thuê ở nước ngoài”.
Mới đây, lực lượng Công an đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc đẻ “thuê” với giá từ 400 đến 500 triệu đồng. Xuất hiện một số đường dây lừa đưa phụ nữ từ Campuchia, Lào, qua Việt Nam làm nơi trung chuyển rồi lừa bán sang nước thứ ba. Thực tiễn này cho thấy tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi phức tạp, mang tính chất xuyên quốc gia với những đường dây khép kín.
Thượng tá Đào Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: Hơn 95% vụ việc buôn bán người liên quan đến đồng bào dân tộc khu vực biên giới.
“Để phòng chống buôn bán người, chúng tôi có Ban chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, gồm nhiều ngành như: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Phụ nữ tỉnh … và lực lượng Công an là một trong những đơn vị cùng tham gia tuyên truyền”.
Thời gian qua, công tác phòng, chống mua bán người ở một số địa phương, ban, ngành, đoàn thể chưa thực sự quan tâm, chú trọng, chưa tạo được phong trào rộng khắp thu hút đông đảo người dân, nhất là phụ nữ tham gia. Việc tổ chức còn mang tính hình thức, thiếu kế hoạch, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Nếu không thực sự coi công tác tuyên truyền về buôn bán người là việc làm thường xuyên, liên tục thì khó có thể đấu tranh hiệu quả với tình trạng buôn bán người qua biên giới./.