Cao Bằng thúc đẩy phát triển du lịch
Mấy năm qua, các phương tiện thông tin đề cập khá nhiều đến tiềm năng, thế mạnh du lịch huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Du khách đến đây đều có cảm giác yêu thích và đánh giá lạc quan về vùng đất Tây Nam Cao Bằng, nơi đầu nguồn vòng cung sông Gâm hoang sơ, hùng vĩ, giàu trầm tích địa lý, bề dày truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa đa dạng nối liền cao nguyên đá Hà Giang và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, 2 địa danh được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, 2 kỳ tích độc đáo hiếm có, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Cấu trúc thiên nhiên tạo cho Bảo Lạc nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Núi Phja Dạ uy nghi hùng vĩ cao gần 2.000m, khối núi đá vôi khổng lồ nhô lên như một tòa tháp trên dãy núi đất đồ sộ tỏa rộng bốn hướng, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã mô tả: “Em ơi Việt Bắc đẹp giàu/Núi rừng trùng điệp muôn màu cỏ hoa/Trên Phja Dạ mây mù bông chướng/Dưới đất kia sắt, thép, bạc, vàng”... Chỉ cần khám phá Phja Dạ cũng mở ra bao điều kỳ thú.
Vòng cung sông Gâm, dòng sông xanh như dải lụa mềm soi bóng núi rừng, nơi có những loài cá đặc sản nổi tiếng “ngũ quý hạ thủy” (anh vũ, trầm xanh, chiên, lăng, bống) “Mác cai vàng trĩu sông Gâm/Cá chiên nướng nẹp cây rừng mời nhau” thì quả là thi vị tuyệt vời. Dòng sông chảy xuyên suốt Bảo Lạc, Bảo Lâm sang Tuyên Quang hợp lưu với sông Lô, sông Hồng. Hai bên Việt Nam - Trung Quốc từng có dự tính mở tuyến du lịch mạo hiểm qua khe Hổ Nhảy (mốc 589 xã Cô Ba) xuôi dòng sông Gâm đầy lãng mạn và hiện thực, mang theo những sự tích huyền thoại đán Mẻ Nàng (đá Nàng tiên), gò lẳm chắp (gò phượng hoàng đậu), rằng thôm lốm (hồ đất sụt) nay trở thành ao sen tự nhiên nằm trên núi cao thắm màu hoa đỏ... Những trầm tích sinh động của thời khai thiên lập địa hình thành nên vỏ trái đất và cả kỳ tích của thời hiện đại do con người lao động tạo nên như: Ruộng bậc thang, đèo Mẻ Pja, đèo Khau Cốc Chà... được mạng xã hội gọi là con đèo đẹp nhất Việt Nam.
Là địa bàn sinh sống của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... hình thành một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc văn hóa với hơn một trăm di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Một nguồn vốn phong phú, quý hiếm cho du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, lịch sử, con người.
Đất nước đổi mới và hội nhập với sự lan tỏa của công nghệ thông tin, những tiềm năng đó có cơ hội phát sáng. Du khách đến với Bảo Lạc bằng nhiều hướng từ Cao Bằng theo Quốc lộ 4a qua Hà Quảng, Quốc lộ 34 qua Nguyên Bình đến Quốc lộ 4C từ Hà Giang sang, đường liên tỉnh từ Vườn Quốc gia hồ Ba Bể (Bắc Kạn) đều thuận tiện. Những cung đường lộng gió đèo Mẻ Pja, Cốc Chà, Nà Tềnh...; những bản làng đậm nét hoang sơ Lũng Pán, Khuổi Khon, khe Hổ Nhảy trở nên quen thuộc trên các mạng truyền thông. Thị trấn Bảo Lạc lặng lẽ, khiêm nhường bên dòng sông Gâm bỗng trở nên sôi động với hai chục nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay mới mọc lên, riêng tuần lễ văn hóa tháng 9/2022, huyện Bảo Lạc đón 6.000 du khách, đây là con số khá ấn tượng đối với một thị trấn bé nhỏ nơi miền biên viễn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển du lịch bắt đầu phát huy tác dụng thiết thực, huyện huy động nguồn lực xây dưng hạ tầng cơ sở, nâng cấp các tuyến đường, hỗ trợ điều kiện cho các cơ sở lưu trú, kết hợp với tăng cuờng thông tin quảng bá... được tiến hành đồng thời bằng những việc làm cụ thể, tạo môi trường thuận lợi và khả năng thu hút rộng rãi sự quan tâm của đông đảo du khách đến với vùng đất này. Đấy là những bước khởi đầu mạnh dạn nắm bắt vận hội, thúc đẩy thời cơ tiến tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng du lịch trở thành nền kinh tế trọng tâm. Tuy nhiên, du lịch là ngành đặc thù không thể làm trong một sớm, một chiều mà cần có bước đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trong mối tương quan với khu vực và xu thế xã hội.
Nhớ lại thời kỳ trước năm 2015, lãnh đạo tỉnh và huyện Bảo Lạc có các cuộc trao đổi, tọa đàm với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về mở tuyến du thuyền qua khe Hổ Nhảy (lúc bấy giờ nhiều du khách Trung Quốc tự động đi xuồng thể thao sang đây, họ phàn nàn rằng khi ngược trở lại không có đường về) nên tỉnh ta quyết định đầu tư mở đường ô tô vào mốc 589 khe Hổ Nhảy, đường đã khai thông nhưng đến nay đề án vẫn nằm im.
Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Lã Hoài Nam cho biết: Huyện đang rà soát lại và tiếp tục đề xuất để thực hiện nhằm tạo bước đột phá cho mục tiêu tăng cường liên kết vùng bền vững. Một tuyến du lịch trên sông Gâm nối liền hai nước, viễn cảnh rất sáng sủa, tiềm năng và nhu cầu đã có, chỉ cần thêm một tiếng nói đồng thuận. Sự liên kết còn mở ra các hướng Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Phja Oắc, rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng)... đường đi rất gần.
Đường huyện Bảo Lạc đã được cải thiện, các xã đều thông đường ô tô. Đường đèo Cốc Chà đang đầu tư, mở rộng, nâng cấp, không những thuận tiện cho xe đi lại mà còn tạo thành điểm checkin đẹp cho du khách dừng chân. Như đã nói tuyến đường này có nhiều địa danh huyền thoại (đán Mẻ Nàng, đèo Mẻ Pja, gò Lẳm Chắp, ao sen Thôm Lốm, ruộng bậc thang Khánh Xuân, Di tích lịch sử đồn Đồng Mu - nơi liệt sĩ Xuân Trường hy sinh trong trận đánh đồn Đồng Mu ngày 5/2/1945.
Du lịch phát triển thì các dịch vụ khác sẽ có điều kiện phát triển theo, việc hỗ trợ nguồn lực là cần thiết nhưng tính lâu bền phải là việc định hướng đi đôi với quy hoạch phân vùng phát triển du lịch, kết hợp với hướng dẫn đào tạo du lịch, khuyến khích xã hội hóa đầu tư. Với khả năng nguồn lực có hạn, huyện chưa xây dựng được các công trình lớn cho một điểm du lịch tập trung, chủ yếu là khai thác tính đa dạng về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện đầu tư 5 tỷ đồng chỉnh trang làng văn hóa Lô Lô xóm Khuổi Khon trở thành điểm tham quan độc đáo. Nhưng để nhân rộng các mô hình thì vai trò của cộng đồng và nguồn lực xã hội hóa mới là nền tảng cơ bản mang tính bền vững.
Nhờ sự tham gia rộng rãi và ý thức tự giác của cộng đồng mà huyện vẫn giữ được nét đẹp cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa vùng, miền, văn hóa các dân tộc với hàng trăm cổ vật và di sản văn hóa phi vật thể hiếm có như: Trống đồng, cồng, chiêng, lượn cọi, lượn slương... Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Bảo Lạc Nông Văn Thắng cho biết: Cả huyện có 17 chi hội bảo tồn dân ca, trong đó, hát Then - đàn tính, lượn cọi, lượn slương, lượn Nàng ới... đã hồi phục và thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ, đây là nguồn lực đáng quý góp phần xây dựng nền du lịch phát triển ổn định lâu dài.
Giai đoạn 2022 - 2025, với xu thế mở cửa liên kết và hội nhập, tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư trên 100 dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 16 dự án về du lịch, huyện Bảo Lạc cũng nằm trong các dự án đó. Hy vọng sẽ giúp cho vùng đất sông Gâm - Phja Dạ có thêm nguồn lực mới để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch.
TK
(Theo baocaobang.vn)
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/cao-bang-thuc-day-phat-trien-du-lich/203452.htm