Cao Bằng tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên kỳ tích mùa xuân 1975 - Bài 15

Bài 15: Đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế (2001 - 2015)

Phát huy thành quả đạt được sau 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2000), Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế giai đoạn 2001 - 2015.

Tập trung khai thác, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Coi trọng kinh tế đối ngoại, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch và giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Kết hợp khai thác nội lực với thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài; chú trọng chất lượng tăng trưởng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giảm nghèo nhanh và bền vững; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Từ năm 2001 đến 2015, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã đạt được những thành quả quan trọng, hội nhập quốc tế được mở rộng, tăng cường. Đối với nông nghiệp, trong tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng và phát triển các trang trại nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, từng bước tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Bước đầu hình thành mối liên kết giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp như: liên kết giữa Nhà máy đường Phục Hòa với nông dân các xã trồng mía nguyên liệu. Công ty cổ phần chế biến trúc tre xuất khẩu hợp đồng với nông dân các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông trồng, thu mua cây trúc sào. Công ty cổ phần giống cây trồng tăng thu mua lạc giống ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hòa An, Thông Nông… Những mô hình đó góp phần kích thích sản xuất phát triển. Tổng sản lượng lương thực có hạt mỗi năm đểu tăng, năm 2011 đạt 240.000 tấn, năm 2013 đạt 257.476 tấn, năm 2015, đạt 262.600 tấn; bình quân lương thực đạt 488 kg/người. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có chất lượng như: Vùng sản xuất thuốc lá, vùng sản xuất mía, vùng trồng trúc sào, vùng nguyên liệu sắn. Chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản lượng tăng trên 7%/năm, chiếm trên 32% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, độ che phủ rừng đạt 51%. Toàn tỉnh có 177/199 xã, phường, thị trấn; thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015 tổng vốn thực hiện trên 517 tỷ đồng. Đến tháng 12/2015 có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Minh Tâm (Nguyên Bình) và Trường Hà (Hà Quảng).

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 1.404 cơ sở năm 2006 tăng lên 1.675 cơ sở năm 2010 với tổng số vốn đầu tư thực hiện 3.078 tỷ đồng, đạt trên 22% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 484,435 tỷ đồng; năm 2014, đạt 1.993,6 tỷ đồng. Điện lực Cao Bằng đưa điện lưới quốc gia đến trung tâm 17 xã, nâng tổng số xã có điện lưới quốc gia lên 167 xã, phường, thị trấn. Sản xuất công nghiệp được phát triển theo hướng chuyển từ khai thác tiêu thụ nguyên liệu thô sang chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khuyến khích phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2005 vốn đầu tư thực hiện đạt 1.003 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2000. Giai đoạn 2006 - 2010, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 14.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Thực hiện hiệu quả cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để phát triển giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản của nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến năm 2015, nhiều tuyến giao thông quan trọng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: đường nối quốc lộ 4a với quốc lộ 3a, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh 206, 212, các tuyến đường ra các cửa khẩu, đường nông thôn.

Hệ thống thương mại và dịch vụ được mở rộng, mạng lưới chợ được quan tâm đầu tư. Các đại lý bán buôn, bán lẻ được hình thành rộng khắp ở thị trấn, thị tứ nên việc giao thương hàng hóa thuận lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều tăng. Năm 2011 đạt 4.757 tỷ đồng, năm 2015 đạt 4.355,9 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Năm 2005, thu ngân sách của tỉnh đạt 213 tỷ 964 triệu đồng, tăng 8% so với năm 2004. Năm 2010 đạt 601,053 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên 1.405,345 tỷ đồng. Tổng thu giai đoạn 2011 - 2015 vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh 847,261 tỷ đồng.

Công tác giáo dục - đào tạo được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục phát triển; việc kiên cố hóa trường học, lớp học được tăng cường đầu tư. Mạng lưới trường, lớp được phủ khắp các xã trong toàn tỉnh, giáo dục mầm non phát triển khắp các xã, phường, thị trấn. Năm học 2014 tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng là 35,58%, tăng 10,58% so với năm 2010; có 6 học sinh giỏi quốc gia, 205 học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12. Kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2015 - 2016 đạt 90,3%. Năm 2015, toàn tỉnh có 70 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 13 trường so với năm 2014.

Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở năm 2001 - 2015 tiếp tục được mở rộng và củng cố, bổ sung trang thiết bị. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn; công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hằng năm giảm 1,6%; đã hoàn thành việc loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng, đến năm 2015, tỷ lệ bảo hiểm y tế là 96,2%. Vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.

Trên lĩnh vực văn hóa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trở thành phong trào rộng lớn trong xã hội, số gia đình, làng xóm, tổ dân phố, cơ quan đăng ký và đạt danh hiệu văn hóa hằng năm đều tăng. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa dân tộc đạt được kết quả tích cực. Năm 2015 có 97/215 di tích đã được xếp hạng, trong đó: 2 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục, thể thao được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, thành lập 2 trung tâm văn hóa và thể thao cấp huyện, đã quy hoạch 730 công trình luyện tập và thi đấu thể thao. Hạ tầng cơ sở các khu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư.

Công tác đối ngoại đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng và các huyện biên giới tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc phân giới, cắm mốc; tăng cường hoạt động đối ngoại, mở rộng hợp tác kinh tế, ngoại giao nhân dân, quảng bá văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách đến tham quan. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của việc hoàn thành phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Chủ động tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng biên giới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhờ đó, hoạt động xuất, nhập khẩu có sự chuyển biến tích cực, giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 1.900,24 triệu USD, trong đó, xuất khẩu 828,53 triệu USD; nhập khẩu 1.071,71 triệu USD. Tổng thu thuế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu giai đoạn 2011 - 2015 là 834,412 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu bước đầu có hiệu quả góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

15 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế - xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế giai đoạn 2001 - 2015, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ du lịch; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững, đảm bảo chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan hệ đối ngoại được tăng cường và mở rộng, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Bài cuối: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới, xây dựng đất nước, quê hương phồn vinh, thịnh vượng (2016 - 2030)

Lê Chí Thanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cao-bang-tu-hao-gop-phan-xung-dang-cung-ca-nuoc-lam-nen-ky-tich-mua-xuan-1975-bai-15-3176719.html