Cao Bằng xuất hiện thêm các ổ dịch tả lợn châu Phi
Theo báo cáo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng), bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại nhiều địa phương và có chiều hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan mạnh. Tính riêng từ ngày 1 - 15/8, cả tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều ổ dịch với 1.613 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 62 tấn.
Như vậy, tại tỉnh Cao Bằng, sau nhiều nỗ lực dập dịch, khống chế dịch bệnh nhưng do nhiều nguyên dân, dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2022, toàn tỉnh đã phát hiện và tổ chức tiêu hủy 2.029 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng tiêu hủy là 79.273 kg. Hiện nay, toàn tỉnh có 11/36 ổ dịch đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh; còn 25/36 xã, thị trấn chưa qua 21 ngày.
Theo ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng chọt và chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng, nguyên nhân khiến cho dịch bệnh khó chấm dứt ở Cao Bằng là do quy mô chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình. Do đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Mặt khác, diễn biến thời tiết nắng nóng, mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, lây lan; công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương không được quan tâm…
Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh phòng bệnh, sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng chuồng nuôi, khu vực xung quanh chuồng trại, tại ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao. Vận động người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc; không bán chạy lợn ốm, khi có gia súc mắc 2 bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh và kịp thời xử lý ổ dịch...