Cao đẳng Than - Khoáng sản: Nỗ lực cao trong công tác đào tạo, tuyển sinh

Qua 64 năm xây dựng và trưởng thành đáp ứng sự nghiệp đổi mới, phục vụ nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã phấn đấu không ngừng để đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo, có nhiều sáng kiến, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho ngành than.

Không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy

Đến thăm Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản TKV, tại Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ, chúng tôi ấn tượng bởi cơ sở nơi đây khang trang, rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị, giáo cụ giảng dạy lý thuyết cũng như thực hành. Trong khuôn viên rộng hàng chục ha, có ký túc xá cao 5 tầng, đủ chỗ cho 1.000 học sinh ở. Mỗi phòng có 8 người, với 2 nhà vệ sinh và 1 khu phụ. Mỗi học sinh có 1 ngăn tủ đựng tư trang và 1 bàn học tập.

Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ.

Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ.

Khu ký túc xá của Phân hiệu nằm cách khu giảng đường một con suối, có 1 chiếc cầu bắc qua, hai bên là những thảm cỏ xanh mướt, những chiếc ghế đá nằm dưới tán cây dừa, cây trúc đào, tạo một khung cảnh thật đẹp. Cách đó vài chục mét là khu nhà ăn công suất 2.000 người. Gần đó là nhà thể chất, quy mô gần bằng Nhà thi đấu thể thao của tỉnh ở TP Hạ Long. Giảng đường có hàng chục phòng rộng. Đi tiếp là khu nhà thờ Bác Hồ nằm trên đồi cao, phòng truyền thống, khu thực tập, thực hành cho nhiều ngành nghề khác nhau. Tiếng xe ô tô, tiếng máy hàn, máy khoan, cắt, máy xúc… rộn ràng như trong một nhà máy. Hiện Phân hiệu Hoành Bồ của Trường Cao đẳng Than Khoáng sản đều được trang bị hàng chục máy các loại như máy tiện CNC, rô bốt hàn, máy khấu combai, máy bào, máy xúc, máy gạt, các loại xe ô tô.

Giờ học lý thuyết của các các học viên.

Giờ học lý thuyết của các các học viên.

Chúng tôi cũng được chứng kiến cả thầy và trò đều hóa thân thành những công nhân, thợ lò thực thụ. Các học viên được thực hành các thao tác liên quan trong khai thác hầm lò cơ bản trong xây dựng, cơ điện và khai thác mỏ hầm lò, ngoài ra là đào tạo nghề lái xe ô tô Ngoài ra các học viên còn được học các kỹ năng an toàn lao động, sơ cứu, cấp cứu trong môi trường hầm lò dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy. Tại phân hiệu Hoành Bồ còn có ký túc xá cho học viên, sinh viên, có nhà ăn tập thể đủ tiện nghi, đặc biệt là có khu luyện tập thể thao với các môn bóng đá, bóng chuyền, tennis...

Thực hành đào tạo khai thác hầm lò

Thực hành đào tạo khai thác hầm lò

Thầy Nguyễn Trọng Quỳnh - Trưởng phân hiệu đào tạo Hoành Bồ cho biết: Nhà trường hiện đang có 69 cán bộ, giáo viên, số lượng đạo tạo hiện có 600 sinh viên, trong đó trên 200 sinh viên đang đi thực tập tại các mỏ hầm lò. Cũn theo ông Quỳnh, kinh phí đào tạo do TKV chi trả, học viên, sinh viên không phải đóng góp, thời gian thực tập tại các mỏ, học sinh còn được hưởng tiền lương (theo sản phẩm) do doanh nghiệp chi trả.

Chia sẻ với chúng tôi, học viên Vàng A Dê (quê Điện Biên) học sơ cấp khai thác mỏ hầm lò, chuẩn bị ra trường về đầu quân tại Công ty than Dương Huy cho biết, trong thời gian học tập ở phân hiệu Hoành Bồ em được các thầy quan luôn tâm, tạo điều kiện hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết lý thuyết cũng như các kỹ năng làm việc tại hầm lò. Vàng A Dê rất mong muốn được thay đổi cuộc sống, giúp đỡ gia đình và cống hiến cho ngành Than

Trong thời gian tới, Nhà trường cùng các phân hiệu trực thuộc sẽ tích cực chủ động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, trong đó đặc biệt quan tâm hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo thợ lò đảm bảo đủ số lượng đi đôi với chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho các doanh nghiệp trong TKV và nhu cầu xã hội.

Cái nôi đào tạo nhân lực cho ngành Than

Theo ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV, Nhà trường được thành lập ngày 9/10/2014, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị - Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc - Vinacomin. Trụ sở hoạt động của trường đặt tại các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) và TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Ngày 06/2/2015, tại Hội nghị lần 2 BCH Đảng bộ Nhà trường đã thống nhất lấy ngày 20/11/1960 là Ngày Truyền thống Nhà trường.

Kể từ khi hợp nhất và thực hiện tái cơ cấu đến nay, Trường đã có bước tiến dài, vượt bậc. Hiện tại, Nhà trường có 5 phân hiệu đào tạo (gồm Phân hiệu đào tạo Cẩm Phả, Hoành Bồ, Hữu Nghị, Móng Cái, Việt Bắc) và 3 Trung tâm (Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm, Hợp tác đào tạo Hồng Cẩm, Đào tạo và sát hạch lái xe); với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, thích ứng tốt, hoạt động ngày càng hiệu quả và thể hiện rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Nhà trường cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động.

Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh luôn được nhà trường chú trọng.

Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh luôn được nhà trường chú trọng.

Nhà trường được Nhà nước cấp phép đào tạo 113 nghề thuộc các nhóm ngành nghề: Công nghiệp khai thác mỏ, vận hành và sửa chữa thiết bị mỏ, cơ khí, điện công nghiệp, điện dân dụng, vận hành nhà máy điện, chế biến món ăn, du lịch và dịch vụ, đào tạo văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên (kết hợp đào tạo nghề), đào tạo lái xe cơ giới đường bộ... Hiện tại, lưu học sinh, sinh viên của trường đã vượt ngưỡng 25 nghìn em.

Qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, trong sự nghiệp đổi mới, phục vụ nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà trường đã phấn đấu không ngừng để đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo. Trong đó đã đào tạo hàng trăm nghìn đội ngũ cán bộ, công nhân, lao động kỹ thuật cho TKV cũng như các doanh nghiệp trực thuộc. Ngày nay, thế hệ học sinh, sinh viên nhà trường đã trưởng thành nắm giữ cương vị quản lý chủ chốt ở nhiều đơn vị. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành cơ sở đào tạo đáng tin cậy được các doanh nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất trên toàn quốc; đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc TKV và tỉnh Quảng Ninh ngày càng tin tưởng

Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển sinh luôn được nhà trường chú trọng, bởi đây là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của đơn vị. Chỉ tiêu này luôn đạt và vượt kế hoạch đã đề ra (với trên 10 nghìn học sinh tuyển mỗi năm). Theo đó, nhà trường đã tích cực và có nhiều giải pháp để thu hút học sinh như nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư các ký túc xá sinh viên, chăm lo cho học sinh, sinh viên và ký hợp đồng hỗ trợ học sinh học ngành mỏ với các đơn vị trực thuộc TKV… Chính nhờ vậy, số lượng học sinh theo học tại trường luôn được duy trì ổn định. Các nghề thuộc nhóm nghề công nghiệp khai thác mỏ (Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, KT xây dựng mỏ hầm lò, KT cơ điện mỏ hầm lò) đều được đào tạo đạt chuẩn chất lượng kỹ năng nghề quốc gia; 100% học sinh được đào tạo và tổ chức cho thi tốt nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; trong đó 99,2% đỗ và đạt tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

Đây là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Nhà trường, cùng với tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn cao của tập thể thầy cô giáo, trong việc xây dựng Nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy để người dân yên tâm gửi gắm con em của mình vào học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Nhất là đối tượng học sinh hệ GDTX ở đây đều là con em người lao động và người dân thuộc các dân tộc trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, không thi đỗ vào các trường hệ THPT.

Vượt khó trong công tác tuyển sinh

Một vấn đề được đặt ra hiện nay, đó là nhiều khu công nghiệp mọc lên ở khắp các địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) trên cả nước thu hút một lực lượng lao động đông đảo tại chỗ, bởi điều kiện lao động gần nhà, ít phát sinh chi phí khác như thuê nhà ở, đi lại... Điều đó lại là khó khăn cho việc tuyển dụng lao động cho ngành than, nhất là khối lao động hầm lò đang thiếu, khó tuyển dụng do đặc thù vất vả, nặng nhọc…

Để duy trì, phát triển sản xuất, các doanh nghiệp ngành than đã có nhiều chính sách thu hút nhân lực như: Đào tạo miễn phí, thực tập có trả lương cho học viên, chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ nhà ở và nhiều chính sách hấp dẫn khác với cán bộ, công nhân lao động. Trường Cao đẳng TKV, đơn vị trực tiếp tuyển sinh, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp trong ngành, nhiều năm trở lại đây, luôn kiên trì xây dựng hệ thống mạng lưới tuyển sinh, cử cán bộ đến tận các tỉnh, các địa phương vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, vận động và liên kết tìm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động của ngành. Đảng ủy Nhà trường đã ký quy chế phối hợp với Huyện ủy của 24 huyện thuộc 7 tỉnh, thành thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền đưa người lao động địa phương đi học nghề để vào làm việc tại Tập đoàn TKV.

Từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được gần 200 nghìn lao động chất lượng cao, cung cấp cho ngành Than và các doanh nghiệp trong toàn quốc; bồi dưỡng, đánh giá kỹ năng nghề cho trên 1,6 nghìn nhà giáo và tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho trên 87,9 nghìn lao động của các doanh nghiệp; hướng dẫn, huấn luyện thực hiện pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động cho gần 111 nghìn lao động. Đào tạo và cung cấp trên 7 nghìn lao động mỗi năm theo hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp.

Các giảng viên và học viên Phân hiệu Hoành Bồ.

Các giảng viên và học viên Phân hiệu Hoành Bồ.

Trung bình mỗi năm, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển sinh và đào tạo trên 4.000 học sinh, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Để hoàn thành mục tiêu này, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ giải pháp tuyển dụng thợ lò. Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, học tập; hiệu quả trong công tác tuyển sinh, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực thợ lò cho TKV và đào tạo theo nhu cầu xã hội trên địa bàn Quảng Ninh.

Năm 2019, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì “Đã có thành tích trong công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể nhà trường “Hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2018 - 2019 của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam”.

Đặc biệt, ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhà trường vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là những phần thưởng vô giá đối với nhà trường, thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với sự cống hiến của các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ nhân viên của trường trong 60 năm qua.

Minh Châu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cao-dang-than-khoang-san-no-luc-cao-trong-cong-tac-dao-tao-tuyen-sinh-718167.html