Cao điểm 689 kỳ vĩ giữa mây trời
Nằm trên ngọn núi cao 689 mét so với mực nước biển giữa xã Tân Liên và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Cao điểm 689 nằm cạnh các cao điểm khác như 845, 832 trong hệ thống các cứ điểm thuộc hàng rào McNamara nhằm ngăn chặn mọi chi viện từ miền Bắc. Đây là điểm đến của nhiều người dân ở trong và ngoài huyện Hướng Hóa tìm đến để dâng hương tri ân và thưởng ngoạn cảnh sắc mây trời.
Ngọn núi của lịch sử
Cao điểm 689 nằm cách sân bay Tà Cơn chừng 3 km theo đường chim bay. Đứng trên này có thể bao quát thung lũng Khe Sanh từ thị trấn Khe Sanh kéo dài đến hết xã Hướng Tân. Trong chiến tranh, Cao điểm 689 có vị trí cực kỳ quan trọng. Nó được xem như Đồi A1 của thung lũng Điện Biên Phủ, là con mắt thần thâu tóm mọi hành tung của đối phương trong tầm bán kính 20 km. Với vị trí chiến lược đó, Mỹ đánh giá, nếu để mất Cao điểm 689 thì sẽ mất cứ điểm Tà Cơn và mất tất cả. Ngược lại, nếu ta chiếm được cao điểm 689 là có thể khống chế được hoàn toàn Khe Sanh. Do tầm quan trọng của vị trí chiến lược này mà lực lượng Mỹ ở đây được tăng cường tối đa về vũ khí và quân số, có lúc lên đến 1.200 quân với sự yểm trợ của phi pháo và hai căn cứ kế cận là điểm cao 845, 832.
Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, nay là Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, Trung đoàn 246, nhận lệnh tấn công chiếm giữ Cao điểm 689 - để chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Sau 11 ngày đêm giao tranh ác liệt, Tiểu đoàn K3 đã đánh trận quyết định, tiêu diệt toàn bộ quân địch trên Cao điểm 689. Đến rạng sáng ngày 8/7/1968, lá cờ Giải phóng tung bay trên mỏm A Cao điểm 689. Khe Sanh hoàn toàn giải phóng.
Với chiến thắng này, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích phi thường là đánh bại một lực lượng quân đội tinh nhuệ của Mỹ, có sự hỗ trợ tối đa của bộ máy quân sự khổng lồ và phương tiện chiến tranh hiện đại hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, làm nên chiến thắng lịch sử Khe Sanh năm 1968, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa.
Tiểu đoàn 3 đã đánh bại 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 689 tên địch, bắn rơi 21 máy bay.
Trong cuộc chiến khốc liệt tại đây (từ ngày 12/6/1968 đến ngày 7/7/1968), hàng trăm chiến sĩ giải phóng quân đến từ nhiều miền quê khác nhau đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất này (còn hơn 200 liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy). Do không thực hiện được ý đồ chiếm lại mỏm A Cao điểm 689, giặc Mỹ điên cuồng hủy diệt trận địa bằng những trận bom Napan 250 bảng Anh, do vậy xương máu các liệt sĩ vĩnh viễn tan lẫn vào từng nắm đất, ngọn cỏ trên ngọn đồi này…
Điểm du lịch hấp dẫn
Sau ngày giải phóng đất nước, Cao điểm 689 nói riêng và chiến trường Khe Sanh nói chung đã trở thành địa chỉ đỏ của cả nước. Những cựu chiến binh năm xưa từng cầm súng chiến đấu trong trận quyết định ở Cao điểm 689 để giải phóng Khe Sanh nay về đây tưởng vọng, nhớ về đồng đội.
Bằng sự tri ân sâu sắc đó, ngày 6/8/2014, Lữ đoàn 38, Binh đoàn 12 Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa tổ chức lễ khởi công xây dựng bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 - Đoàn Tân Trào tại Cao điểm 689. Công trình được xây dựng từ sự đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 384 với tổng kinh phí xây dựng là 300 triệu đồng. Công trình do Lữ đoàn 384 - Binh đoàn 12 Bộ Quốc phòng thi công xây dựng.
Sau khi bia tưởng niệm được xây dựng, Cao điểm 689 trở thành một “chốn quay về” cho những cựu binh khi có dịp đến Khe Sanh. Họ không ngừng nhớ về đồng đội đã mất bằng những hành động cụ thể như vận động sự ủng hộ của các đơn vị, mạnh thường quân trong cả nước để xây dựng nơi này xứng tầm với công lao trời biển của các anh hùng đã hy sinh.
Ngày 9/3/2018, UBND huyện Hướng Hóa đã tổ chức khởi công xây dựng quần thể di tích Cao điểm 689 gồm nhà bia, nhà nghỉ chân, hệ thống sân, tường rào cùng lối đi… với trị giá 6,9 tỉ đồng. Số tiền do các thành viên trong hệ thống Ngân hàng Agribank Việt Nam đóng góp.
Công trình đến nay cơ bản hoàn thành. Giữa mây trời lồng lộng, quần thể di tích lịch sử Cao điểm 689 trở thành một địa điểm du lịch tâm linh mới của huyện Hướng Hóa, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tưởng niệm, thưởng ngoạn. Hiện nay để đến được Cao điểm 689, ngoài việc đi bộ từ xã Hướng Tân, du khách có thể đi bằng xe máy từ hướng xã Tân Liên.
Anh Nguyễn Kham, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hướng Tân cho biết: “Đứng ở dưới thôn Xary (Hướng Tân) nhìn lên công trình thật kỳ vĩ. Tôi thấy khâm phục các đơn vị xây dựng đã cõng vật liệu từ dưới chân núi lên tới đỉnh, đó là một kỳ tích. Vợ chồng tôi thường đưa hai đứa con trai lên đây dâng hương và thư giãn. Mặc dù đường khó đi nhưng lên đến đây thấy phong cảnh quá đẹp, quá hùng vĩ nên chuyến đi thật xứng đáng”.
Chi Lê Thị Na (ở Đakrông) cho biết: Cao điểm 689 ngoài là một địa chỉ tưởng niệm, tri ân còn là một danh thắng thu hút khách du lịch nếu biết khai thác. Từ Quốc lộ 9 lên đến Cao điểm 689 đi qua những trang trại, đồi cà phê xanh ngắt, đặc biệt là những khu rừng còn hoang sơ, rất thích hợp để du lịch khám phá, trải nghiệm. Lên đến đỉnh thì trời trong xanh, gió mát, tầm nhìn thoáng đãng tha hồ chụp ảnh. Nếu chính quyền huyện đầu tư thêm con đường đi lại cho dễ dàng hơn thì đây là địa điểm du lịch hấp dẫn”.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hướng Hóa, cho biết: “Hiện công trình Cao điểm 689 đang trong giai đoạn hoàn thiện. UBND huyện Hướng Hóa đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, công nhận Cao điểm 689 là di tích lịch sử cấp tỉnh và xem xét đề nghị Trung ương công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện các ban ngành của huyện đang tăng cường công tác giới thiệu quảng bá, kết nối các di tích văn hóa lịch sử, địa điểm du lịch trên địa bàn để tạo thành chuỗi du lịch tâm linh đặc biệt, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147282