Cao điểm ra quân xử lý vi phạm giao thông: Cần thiết và kịp thời
Những đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm giao thông của lực lượng CSGT trên cả nước được coi như những 'cú đấm thép', mang đến hiệu quả rõ rệt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Bằng chứng là trong nhiều năm qua, đợt ra quân nào cũng ghi nhận những kết quả tích cực, nhất là về mặt phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm giao thông.
Đơn cử như đợt ra quân bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm dần và các lễ hội đầu Xuân 2022 vừa qua. Chỉ trong 2 tháng thực hiện cao điểm (từ ngày 15/12/20221 – 14/2/2022), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 414.822 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 460 tỷ đồng; tước 37.243 giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn các loại; tạm giữ 71.243 phương tiện. Trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn gần 27.000 trường hợp, dương tính với ma túy 225 trường hợp.
Mới đây nhất, sáng 20/6, Cục CSGT, Bộ Công an đã tổ chức lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Theo kế hoạch, đợt cao điểm này kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9. Trong thời gian trên, các hành vi gây mất an ninh trật tự như vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; vi phạm tốc độ trên đường bộ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn… đều sẽ bị xử phạt nghiêm.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn và vi phạm tải trọng xe sẽ là hai trong số các hành vi được quan tâm bởi hầu hết các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân do xe quá tải, cơi nới thành, thùng và do tài xế sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Điển hình là vụ xe tải lật đè bẹp xe con làm 3 người chết xảy ra tại tỉnh Hòa Bình vào ngày 4/6, hay như vụ cán bộ Sở GTVT tỉnh Bắc Giang điều khiển xe Audi trong tình trạng say xỉn, tông tử vong 3 người xảy ra vào đêm 2/6...
Những vụ tai nạn trên không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn gây bức xúc trong dư luận và hoang mang trong cộng đồng. Đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh, đã đến lúc cần phải có những biện pháp cứng rắn, chế tài mạnh tay hơn nữa đối với hành vi chở quá tải và vi phạm nồng độ cồn. Một “cú đấm thép” từ lực lượng CSGT vào thời điểm này rất cần thiết và kịp thời.
Báo cáo mới nhất của Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trong ngày đầu ra quân (ngày 20/6), lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 636 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; 662 tài xế bị xử lý vi phạm về tốc độ; 122 trường hợp bị xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về cơi nới thùng xe chở hàng quá tải trọng. Ngoài ra, trên tuyến đường bộ, CSGT công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 5.570 trường hợp vi phạm, phạt tiền 5,027 tỷ đồng, tạm giữ 120 ô tô, 1.281 mô tô, tước 459 giấy phép lái xe các loại.
Đáng chú ý, trong số 636 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn có không ít trường hợp vi phạm ở mức độ cao. Cụ thể, có tới 184 trường hợp vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, 97 trường hợp vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở đến 0,4 miligam/lít khí thở. Điều này cho thấy, dù hành vi vi phạm nồng độ cồn đã áp dụng chế tài xử phạt rất nặng nhưng nhiều tài xế vẫn bất chấp và bỏ ngoài tai. Với hàng trăm trường hợp “ma men sau tay lái” này, nếu gây ra tai nạn sẽ không biết hậu quả đáng sợ như thế nào.
Thế mới thấy, ngoài chế tài xử phạt cao, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, rất cần tổ chức những cao điểm ra quân xử lý vi phạm giao thông để ngăn chặn kịp thời những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Và qua đó, cũng thức tỉnh ý thức của một bộ phận tài xế còn chủ quan, bất chấp với tài sản, sức khỏe, tính mạng của bản thân và cả cộng đồng. Tuy nhiên, dư luận mong muốn không chỉ là những đợt ra quân mà phải làm mạnh, thường xuyên, xử lý nghiêm, phạt nặng đối với các tài xế, chủ xe vi phạm.