Cao điểm tuần tra quản lý, bảo vệ rừng dịp lễ

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các đơn vị liên quan cùng đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn phải túc trực đầy đủ quân số, tập trung tăng cường các biện pháp đảm bảo quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng và các hộ dân tham gia nhận khoán thực hiện chăm sóc rừng trồng trên địa bàn

Cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng và các hộ dân tham gia nhận khoán thực hiện chăm sóc rừng trồng trên địa bàn

TÚC TRỰC 24/24 GIỜ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Thời điểm nghỉ lễ luôn là dịp để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, do đó nếu sơ suất trong sử dụng lửa có thể xảy ra cháy rừng gây hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, công tác tuần tra, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng đang được các đơn vị chức năng đặc biệt chú trọng.

Ghi nhận tại chốt Quản lý, bảo vệ rừng Ma Bó, thuộc xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các cán bộ cùng các hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng luôn túc trực lực lượng 24/24 giờ, chia làm nhiều tổ để thực hiện công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Anh Thái Xuân Dương - Trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Ma Bó chia sẻ, hiện đơn vị có 7 cán bộ, nhân viên cùng 100 hộ dân tham gia nhận khoán đảm nhận công việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đây cũng là khu vực có các diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận.

Để thực hiện nhiệm vụ, mỗi ngày vào lúc 7 giờ 30 sáng, các cán bộ, nhân viên của trạm sẽ phân công nhiệm vụ, chia các hộ nhận khoán thành nhiều tổ, từ 2 - 3 người để đi tuần tra. Đặc biệt là vào mùa khô như hiện nay, khi nguy cơ xảy ra cháy rừng cao hơn bình thường, các hộ dân và cán bộ trạm sẽ luôn túc trực tại các chốt để thực hiện nhiệm vụ và chỉ trở về nhà vào sáng hôm sau khi đã tiến hành việc giao ca.

Riêng trong thời điểm các dịp nghỉ lễ dài ngày như 30/4 và 1/5, đây là khoảng thời gian các đối tượng thường lợi dụng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Đặc biệt, nếu thấy các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng có động thái lơ là, mất cảnh giác thì các đối tượng sẽ tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, đất rừng. Do đó, đơn vị đã tăng cường, chia thêm nhiều tổ để tiến hành tuần tra rừng và trực phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong khi đó, tại Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Đạ Sar, thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng cũng được thực hiện 24/24 giờ, xuyên suốt cả kỳ nghỉ dịp lễ. Anh Phan Duy Trình - Trạm trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng Đạ Sar cho biết, hiện đơn vị đang duy trì 13 tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Mỗi ngày, các tổ sẽ chia các thành viên bắt đầu công tác tuần tra rừng từ 8 giờ đến 17 giờ; đồng thời, mỗi tối sẽ có các thành viên túc trực tại trạm để xử lý các tình huống khi có sự việc phát sinh.

Riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đa Nhim đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc túc trực 100% quân số, trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong người dân. Đồng thời, rà soát các vụ việc tồn đọng để tập trung xử lý dứt điểm, gắn với tuyên truyền, giáo dục, răn đe, nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng công an, quân sự, chủ rừng, chính quyền địa phương để có các biện pháp đủ mạnh nhằm phòng ngừa, đấu tranh xử lý nghiêm với những hành vi xâm hại rừng.

CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN, KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VI PHẠM

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị ngành chức năng cùng các địa phương đã ban hành các văn bản nhằm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động bố trí đủ lực lượng tại các chốt, trạm bảo vệ rừng; nhận định, đánh giá tình hình, xác định, khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm, cháy rừng. Thường xuyên nắm bắt thông tin, tăng cường công tác tuần tra, canh gác tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp, cháy rừng, nhất là tại các khu vực giáp ranh.

Đồng thời, tập trung lực lượng để tăng cường kiểm tra, trấn áp các đối tượng vi phạm tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao. Chủ động, kịp thời trong phát hiện, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm, không để tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tiếp nhận nắm bắt và xử lý thông tin về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng; luôn sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, dụng cụ theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo sẵn sàng tham gia ứng cứu khi xảy ra các tình huống cháy rừng.

Các đơn vị chủ rừng chủ động trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn và các lực lượng khác đảm bảo sự an toàn lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và chữa cháy rừng. Quan tâm, động viên, tạo điều kiện thuận lợi đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại hiện trường, tại các chốt, trạm bảo vệ rừng...

C.PHONG - T.SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202504/cao-diem-tuan-tra-quan-ly-bao-ve-rung-dip-le-b1c77a9/