Cao huyết áp khi mang thai thường xảy ra vào thời điểm nào? Làm thế nào để nhận biết?
Cao huyết áp thai kỳ thường khởi phát sau tuần thứ 20 ở phụ nữ có chỉ số huyết áp bình thường trước khi mang thai. Tuy nhiên cao huyết áp khi mang thai cũng có thể là bệnh mãn tính nếu thai phụ có tiền sử tiểu đường, béo phì, tim mạch... trước đó.
Nội dung:
1. Cao huyết áp khi mang thai xảy ra vào thời điểm nào?
1.1. Các chỉ số đánh giá tình trạng huyết áp
1.2. Nhóm rối loạn cao huyết áp khi mang thai
2. Chẩn đoán cao huyết áp khi mang thai
2.1. Chẩn đoán
2.2. Dấu hiệu chẩn đoán
Phụ nữ có những thay đổi lớn về sinh lý trong thời kỳ mang thai. Một số cơ quan như vú, tử cung phát triển lớn hơn dẫn đến tăng sinh mạch máu. Điều này khiến cơ thể cần nhiều máu hơn để nuôi dưỡng bào thai khiến tình trạng huyết áp thay đổi.
Thông thường huyết áp ở phụ nữ mang thai có khuynh hướng giảm từ 10 - 15%. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp cao huyết áp khi mang thai do các bệnh lý nội khoa hoặc chế độ sinh hoạt thiếu khoa học.
Theo dõi tình trạng huyết áp trong thai kỳ là vô cùng cần thiết. Đây là cách bảo vệ bản thân và thai nhi khỏi nguy cơ bị cao huyết áp. Từ đó phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Hiểu rõ diễn tiến cao huyết áp trong quá trình mang thai giúp chúng ta phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả hơn.
1. Cao huyết áp khi mang thai xảy ra vào thời điểm nào?
Năm 2017, Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã hạ thấp các định nghĩa về tăng huyết áp. Đồng thời, họ đưa ra các hướng dẫn mới để đánh giá cao huyết áp ở phụ nữ mang thai.
1.1. Các chỉ số đánh giá tình trạng huyết áp
Theo đó, tình trạng huyết áp bình thường ở thai phụ là từ < 120/80mmHg đến 129/<80mmHg. Huyết áp cao giai đoạn 1 được chẩn đoán khi thông số đạt từ 130 đến 139/80 đến 89 mmHg. Huyết áp cao giai đoạn 2 từ ≥ 140/90 mmHg.
Cao huyết áp mãn tính được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg trong 2 lần đo liên tiếp trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
1.2. Nhóm rối loạn cao huyết áp khi mang thai
Cao huyết áp khi mang thai được phân loại dựa vào các tiêu chuẩn như sau:
- Cao huyết áp mạn tính: Đây là trường hợp thai phụ có tiền sử tăng huyết áp trước khi mang thai. Tăng huyết áp mạn tính phức tạp chiếm khoảng 5% trong số các trường hợp mang thai.
- Cao huyết áp thai kỳ: Đây là trường hợp cao huyết áp phát sinh sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Thông thường với cao huyết áp thai kỳ, tình trạng huyết áp của người mẹ sẽ hồi phục và ổn định sau khi sinh được 6 tuần. Và nó thường không kèm theo Protein trong nước tiểu.
Có tới 6 - 10% phụ nữ mang thai gặp phải cao huyết áp thai kỳ. Tình trạng bệnh phổ biến hơn ở các bà mẹ mang thai lần đầu, mang đa thai hoặc tăng cân đột ngột trong thời gian mang thai. Mặc dù, người mẹ có thể khỏi bệnh sau khi sinh em bé, nhưng cao huyết áp thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp mạn tính sau này.
- Tiền sản giật và sản giật: Biến chứng xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Có biểu hiện tăng huyết áp kết hợp với phù, có protein trong nước tiểu. Trường hợp nặng có thể lên cơn co giật, thậm chí đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi.
- Cao huyết áp mãn tính kết hợp tiền sản giật: Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sảy thai, thai chết lưu... Đồng thời đe dọa tính mạng của người mẹ nếu không được điều trị sớm.
2. Chẩn đoán cao huyết áp khi mang thai
Để chẩn đoán chính xác cao huyết áp khi mang thai, chúng ta cần sử dụng máy đo huyết áp. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý quan sát sức khỏe của mình thì có thể phát hiện bệnh sớm qua một số dấu hiệu như: Căng thẳng, mệt mỏi, nóng bừng mặt, đau nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều dẫn đến rối loạn nước điện giải. Mờ mắt hoặc mù tạm thời, tức ngực, khó thở,...cũng là những dấu hiệu thường gặp khi bị cao huyết áp trong thời gian mang thai.
2.1. Chẩn đoán
Một số biện pháp chẩn đoán cao huyết áp khi mang thai được đánh giá cao bao gồm:
- Đo huyết áp đúng cách, thường xuyên trong thai kỳ.
- Tiến hành các xét nghiệm như: Tổng phân tích nước tiểu, nước tiểu 24h để tìm protein niệu. Xét nghiệm chẩn đoán tiền sản giật.
- Xét nghiệm chức năng của tim, gan, thận, đường máu,...Đánh giá mức độ tổn thương của các cơ quan nếu thai phụ bị tiền sản giật.
- Siêu âm định kỳ để đánh giá sự phát triển của thai nhi.
2.2. Dấu hiệu chẩn đoán
Một số dấu hiệu chẩn đoán cao huyết áp khi mang thai có thể kể đến như:
- Tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai do các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, béo phì... hoặc chế độ sinh hoạt rối loạn.
- Huyết áp ≥ 140/90 mmHg trước khi thai nhi được 20 tuần tuổi trong 2 lần đo liên tiếp. Hoặc cao huyết áp được chẩn đoán sau tuần thứ 20 và kéo dài trên 12 tuần sau sinh.
- Huyết áp tâm trương 90 -110mmHg trong 2 lần đo liên tiếp sau 20 tuần tuổi thai. Mỗi lần đo cách nhau 4 giờ và không có protein niệu.
- Trường hợp tiền sản giật nhẹ, huyết áp tâm trương ≥ 110mmHg. Huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg sau 20 tuần tuổi thai. Protein niệu ≥ 3 . Kèm theo đó là các dấu hiệu: Tăng phản xạ, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, đau vùng thượng vị, phù phổi, thiếu niệu (<400ml/24 giờ)...
- Tiền sản giật nặng được chẩn đoán khi bị cao huyết áp và có ít nhất một trong các dấu hiệu nói trên. Nghi ngờ hội chứng Help khi tan máu vi thể, enzym gan tăng và số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 máu.
Cao huyết áp khi mang thai vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ, suy thận, suy tâm thất trái,...ở người mẹ. Nguy cơ tử vong hoặc mắc các bệnh bẩm sinh ở thai nhi. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong ở mẹ và bé.
Tìm hiểu kỹ diễn tiến cao huyết áp khi mang thai giúp bạn có biện pháp phòng tránh và điều trị hiệu quả hơn.