Cao Lộc: Đường huyện xuống cấp, người dân khó khăn trong đi lại, giao thương
Thời gian qua, nhiều người dân tại xã Hợp Thành và xã Thạch Đạn (huyện Cao Lộc) phản ánh về tình trạng xuống cấp của tuyến đường huyện (ĐH) 24 đi qua địa bàn 2 xã. Điều này đã và đang gây khó khăn trong việc đi lại, giao thương của người dân.
Từ phản ánh của người dân về nội dung trên, ngày 18/11, chúng tôi đã khảo sát thực tế trên tuyến ĐH 24 từ đoạn đi qua thôn Phai Luông, xã Hợp Thành kéo dài đến thôn Bản Đẩy, xã Thạch Đạn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến đường có rất nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tại đoạn đường dài gần 2km thuộc tuyến ĐH 24 đi qua thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, có rất nhiều “ổ gà, ổ voi”. Bên cạnh đó, phần lớn mặt đường tại đoạn trên đã bị sụt lún và trở nên gồ ghề khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi di chuyển.
Ông Đoàn Văn Thủy, người dân sinh sống tại thôn Phai Luông cho biết: Mặt đường ĐH 24 đoạn đi qua thôn Phai Luông đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, hệ thống rãnh thoát nước tại đây bị tắc nghẽn do bùn đất, chất thải và không còn khả năng tiêu thoát. Vì vậy, mỗi khi trời mưa, đoạn đường lại lầy lội, khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn. Tại đây đã có rất nhiều trường hợp người lớn, học sinh bị ngã xe, tai nạn khi di chuyển qua tuyến. Để đi lại thuận tiện hơn, một số hộ dân trong thôn đã phải tự đổ đất, đá để khắc phục cục bộ các hố, rãnh trên mặt đường.
Còn tại đoạn đường khoảng 3km của tuyến ĐH 24 đi qua thôn Bản Đẩy, xã Thạch Đạn, có nhiều vị trí mặt đường đã bong tróc, lớp đá cấp phối cũng đã bị xói mòn hoàn toàn để trơ ra nền đất đỏ. Tình trạng trên khiến phần mặt đường bị thu hẹp, các phương tiện đi lại khó khăn. Đáng nói, đoạn đường trên có độ dốc lớn với nhiều khúc cua, khuất tầm nhìn nên việc đường xuống cấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Đinh Văn Tiềm, người dân sinh sống ở gần mặt đường ĐH 24 tại thôn Bản Đẩy, xã Thạch Đạn cho biết: Tình trạng đường xuống cấp xảy ra đã gần 10 năm nay, nhưng trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, mức độ hư hỏng của tuyến càng nghiêm trọng do ngày càng có nhiều xe chở gỗ, chở vật liệu xây dựng lưu thông trên tuyến.
Một người dân khác tại thôn Bản Đẩy, xã Thạch Đạn là ông Đinh Xuân Trường cho biết thêm: Trước đây, người dân chỉ mất khoảng 15 phút để đi từ thôn ra thị trấn Cao Lộc (chiều dài khoảng 6km), nhưng giờ phải mất đến khoảng 30 - 40 phút. Bên cạnh đó, việc vận chuyển nông sản ra thị trấn để bán gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2023, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến UBND xã để tuyến đường trên sớm được cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư thi công đường mới. Tuy nhiên, đến nay niềm mong mỏi trên vẫn chưa thành hiện thực.
Theo tìm hiểu từ UBND xã Thạch Đạn, tuyến đường ĐH 24 đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2003. Tổng chiều dài tuyến là gần 20km và đi qua các xã: Hợp Thành; Thạch Đạn; Thanh Lòa (huyện Cao Lộc). Hiện nay, tuyến đường đã bị hư hỏng nặng do đã sử dụng nhiều năm. Trong khi đó, nhu cầu về vận chuyển gỗ, vật liệu, nông sản của người dân ngày càng lớn cũng phần nào ảnh hưởng đến kết cấu mặt đường.
Ông Hứa Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn cho biết: Trong năm 2023, UBND xã đã nhận được nhiều phản ánh của người dân trên địa bàn xã liên quan đến tình trạng xuống cấp của tuyến ĐH 24. Trên cơ sở đó, UBND xã đã kiến nghị đến UBND huyện để có phương án sửa chữa hoặc nâng cấp, cải tạo tuyến ĐH 24. Tuy nhiên, tuyến đường mới chỉ được sửa chữa cục bộ tại một số đoạn, việc khắc phục các điểm hư hỏng cũng chỉ là tạm thời và không được lâu dài.
Liên quan đến nội dung này, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Từ kiến nghị của UBND xã Thạch Đạn và UBND xã Hợp Thành, trong năm 2024, UBND huyện đã có văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét và có giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp của tuyến ĐH 24. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền đã có kế hoạch bố trí vốn để thực hiện nâng cấp, cải tạo đối với toàn bộ tuyến đường ĐH 24 từ nguồn vốn đầu tư công và dự kiến công trình sẽ được triển khai vào năm 2026. Qua đó, đáp ứng mong mỏi của người dân, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, xã hội.
Tuyến đường ĐH 24 được xem là tuyến đường “huyết mạch” phục vụ cho nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân các xã, nhất là với 2 xã vùng III đặc biệt khó khăn là Thạch Đạn và Thanh Lòa. Việc tuyến đường xuống cấp đã và đang gây ra những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế, xã hội các xã trên. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành sẽ sớm có giải pháp nâng cấp, cải tạo tuyến đường trên.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cao-loc-duong-huyen-xuong-cap-nguoi-dan-gap-kho-5028924.html