Cao Lộc: Tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững
Tạo sinh kế là yếu tố cốt lõi để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lộc đã triển khai nhiều giải pháp như: đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm; triển khai các dự án, mô hình sản xuất… nhằm đa dạng sinh kế cho người dân, nhất là các hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Đào tạo nghề, tạo việc làm giúp người dân có thu nhập ổn định là vấn đề quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chính vì vậy, ngay từ đầu các năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chức năng, đơn vị liên quan triển khai rà soát nhu cầu học nghề, cũng như kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với thực tế sản sản xuất của bà con để đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, 100% xã, thị trấn quan tâm, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, nhất là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân.
Điển hình như tại xã Xuân Long, từ năm 2022 đến nay, xã đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan của huyện mở 13 lớp đào tạo nghề cho 455 người trên địa bàn, với các nội dung về kỹ thuật ghép cây hồi, sữa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi lợn, kỹ thuật nấu ăn… Chị Đàm Thị Miên, thôn Long Thượng, xã Xuân Long chia sẻ: Sau khi được học kiến thức, kỹ năng chăn nuôi lợn, tôi đã dùng số vốn tích góp được đầu tư chăn nuôi lợn thịt. Từ năm 2022 đến nay, tôi nuôi duy trì 2 lứa lợn thịt/năm, mỗi lứa 4 con. Mỗi năm, gia đình xuất bán 8 con lợn thịt, thu về trên 35 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình tôi còn trồng gần 2 sào ớt và làm thêm công việc phụ hồ. Nhờ đó, gia đình tôi có tổng nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm và đã vươn lên thoát nghèo trong năm 2023.
Không riêng xã Xuân Long, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Cao Lộc tổ chức được 78 lớp đào tạo nghề cho hơn 2.600 người lao động tại các xã, thị trấn, ưu tiên các trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Trong đó, có 43 lớp nông nghiệp, 35 lớp phi nông nghiệp với đa dạng ngành nghề như: kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; kỹ thuật may, thêu thời trang dân tộc; chế biến món ăn; sửa chữa máy nông nghiệp… Qua đó, kết thúc năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 65,2%, cao hơn tỷ lệ chung của tỉnh 3,2%.
Cùng với công tác đào tạo, huyện quan tâm tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đề liên kết giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong năm 2023, huyện đã tổ chức và mời 21 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia “Ngày hội tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước năm 2023” để tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho trên 3.000 học sinh, người lao động các xã, thị trấn; đồng thời, chính quyền huyện đã kết nối, giới thiệu 1.425 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Một giải pháp quan trọng được huyện Cao Lộc đẩy mạnh thực hiện trong việc tạo sinh kế tại chỗ cho người dân đó là khai thác hiệu quả các nguồn vốn để triển khai các dự án, mô hình sản xuất kinh tế phù hợp tại các xã, thị trấn. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, huyện đã thực hiện 30 dự án giảm nghèo với các mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, nuôi lợn, trồng cây macca, hồng Bao Lâm, khoai tây, cây dẻ, trồng hồi tại các xã: Lộc Yên, Xuân Long, Thanh Lòa, Bình Trung, Hòa Cư… cho 710 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tham gia, với tổng kinh phi từ ngân sách 10.835 triệu đồng. Đến nay, đã có 10 dự án cho kết quả rõ nét, tạo việc làm và thu nhập tăng thêm từ 10 đến 60 triệu đồng/hộ/năm cho 264 hộ nghèo; các dự án còn lại đang triển khai đảm bảo đúng theo kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Cụ thể như trong năm 2022, huyện đã triển khai dự án trồng khoai tây tại xã Bình Trung với 46 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia, kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng. Sau 1 năm thực hiện dự án đã giúp 5 hộ tham gia thoát nghèo trong năm 2023. Anh Tôn Văn Thao, thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung cho biết: Năm 2022, gia đình tôi được xã hỗ trợ tham gia mô hình trồng khoai tây với diện tích trên 2 sào. Bên cạnh việc được hỗ trợ giống, phân bón, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật chăm sóc cây khoai tây. Vụ khoai tây năm 2022, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1 tấn khoai tây, thương lái đến thu mua tận ruộng với giá bán từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, gia đình có thêm nguồn lực để chi trả sinh hoạt và chăm sóc hơn 1 ha rừng hồi đang cho thu hoạch, thu nhập gần 70 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Ông Hứa Văn Thư, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương Binh, Xã hội và Dân tộc huyện cho biết: Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, phòng đã tham mưu UBND huyện khai thác linh hoạt các nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo. Bên cạnh đó, phòng chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và luôn chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động địa phương. Nhờ đó, hiện nay, tỉ lệ lao động có việc làm của huyện đạt gần 99%.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tạo sinh kế cho người dân theo hướng bền vững, công tác giảm nghèo của huyện Cao Lộc đã đạt được những kết quả tích cực. Đến tháng 12/2023, huyện có 562 hộ thoát nghèo, tương đương giảm 3,02% (mục tiêu đề ra giảm 3%), còn 1.082 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,27% (thấp hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh) và theo tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cao Lộc là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất so với các huyện, thành phố trong năm 2023.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/633050-cao-loc-tao-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung.html