Cao nguyên Ðắk Lắk vào xuân
BPO - Mùa xuân đã về với các buôn làng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, đâu đâu cũng tràn ngập sắc xuân đầm ấm và hạnh phúc. Cùng với trăm hoa đua nở, người người cũng tấp nập sửa soạn, chuẩn bị đón một mùa xuân mới.
Rộn ràng đón tết
Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cứ vào tháng 12 đến tháng 1 dương lịch, khi cà phê đã thu hoạch, chế biến xong, lúa đã lên xanh đồng, trăm hoa khoe sắc thắm cũng là lúc các thôn, buôn làng rộn rã chào đón mùa xuân mới. Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng cộng cư sinh sống. Mỗi dân tộc lại có màu sắc văn hóa khác nhau, nhất là những nét sinh hoạt ngày xuân, chúng hợp lưu tạo nên sự đa dạng, phong phú và thống nhất trong không gian văn hóa Tây Nguyên.
Với những cư dân tại chỗ như người Êđê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng... thì mùa xuân cũng là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giao lưu văn hóa... Vào thời điểm này, các buôn làng sẽ tổ chức những nghi lễ như ăn cơm mới, cảm ơn thần linh đã cho mùa bội thu; lễ cúng bến nước để cầu mong mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, trong lành; lễ chúc sức khỏe, cầu mong mọi người khỏe mạnh, nhà nhà nhiều lúa, bắp, trâu, bò, heo, gà…
Vì vậy, trong những ngày giáp tết, dù có bận công việc đến mấy, người dân vẫn dành thời gian chăm chút vẻ đẹp buôn làng, gìn giữ nét văn hóa truyền thống; nấu những mẻ rượu cần đậm hương vị núi rừng, mùa xuân; chuẩn bị nguyên liệu để chế biến những món ăn ngon tiếp đãi khách quý dịp đầu năm mới và cũng chuẩn bị cho các lễ, hội. Chị H’Mi Son Niê, dân tộc Êđê, trú buôn Yao, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cho biết: “Gia đình tôi có nghề làm rượu cần truyền thống. Ngày nay, làm rượu cần quanh năm, nhưng đến gần cuối năm lại tất bật hơn, bởi sẽ làm nhiều hơn, chăm chút hơn để biếu tặng người thân, hàng xóm nhân dịp đầu năm mới…”.
Còn chị H’Luyên Niê, dân tộc Gia Rai ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp thì tranh thủ chăm sóc vườn rau của gia đình, chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để nấu những món ăn ngon vào dịp tết. Theo chị H’Luyên Niê, món ngon không chỉ có nguyên liệu tươi mới, gia vị đủ đầy mà điều quan trọng là tình cảm, người nấu đặt hết tâm tư để chế biến món ăn ngon, hấp dẫn thiết đãi gia đình, bạn bè và được người dùng đón nhận, yêu thích. Trong mâm cơm ngày đầu năm, ngồi sum vầy bên nhau trò chuyện, chia sẻ… là điều hạnh phúc nhất.
Người dân tộc thiểu số phía Bắc như Tày, Nùng, Mường… cũng có những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo. Như tại thôn 3, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, nơi đây có 135 hộ, chủ yếu là người Tày, Nùng sinh sống. Dù xa quê hương Lạng Sơn đã lâu, thế nhưng những phong tục tập quán tốt đẹp vẫn được người dân giữ gìn, phát huy trên quê hương mới. Đến thăm nơi đây vào những ngày giáp tết cổ truyền để thấy bà con chuẩn bị đón năm mới khá kỹ lưỡng, chỉn chu và vô cùng rôm rả. Ông Mã Văn Mác, Bí thư Chi bộ thôn 3 cho hay, khoảng giữa tháng Chạp là các gia đình sẽ bảo ban nhau dọn dẹp sạch sẽ từ trong nhà ra đến ngoài đường. Mỗi ngôi nhà trở nên tươi mới, ấm cúng nhờ hoa tươi, cờ bay phấp phới và tinh thần vui vẻ đón chào năm mới.
Bà Chu Thị Kha cho biết thêm, đối với người Nùng, mâm lễ cúng tổ tiên đêm 30 tết cũng như trong bữa cơm ngày đầu xuân nhất định phải có món thịt gà trống thiến, là nghi lễ quan trọng nhất, thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Ngoài ra, tết của người Nùng còn có các loại bánh, như bánh chưng, bánh khảo… để tiếp khách. Đa phần những món bánh này là các nhà tự làm, qua đó khách có thể đánh giá được “tài nghệ” của gia chủ. Vì vậy, phụ nữ Nùng rất chăm chút để làm ra những chiếc bánh vừa ngon vừa đẹp…
Ấm tình đoàn kết
Phong tục đón xuân, ăn tết của mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khác nhau, nhưng tất cả đều chung một ý nghĩa hướng tới cái thiện, cầu mong cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Điều đó còn thể hiện qua các nghi lễ, lễ hội được tổ chức dịp này. Trong mùa xuân, tháng Giêng ở Đắk Lắk diễn ra nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc như: Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng), lễ hội Hảng Pồ (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ), lễ hội lồng tồng (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar), lễ hội cổ truyền của dân tộc Thái (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột)… Sau đó, vào khoảng đầu tháng 3 dương lịch, đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ như Êđê, M’nông, Gia Rai… lại phấn khởi chuẩn bị lễ, hội truyền thống cầu mong các vị thần ban cho một năm mới sung túc, bình an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc.
Điểm đặc biệt là hầu hết những lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số thu hút đông người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh gần gũi, thắm thiết, gắn bó với nhau; đứng từ góc độ văn hóa, đây có thể xem là một biểu hiện tiếp biến văn hóa giữa các tộc người sinh sống cùng nhau; tình cảm giữa các hộ dân trong mỗi buôn, thôn càng trở nên gắn bó, yêu thương nhau; đồng thời, cũng thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong mái nhà chung Việt Nam.
Một mùa xuân mới đang ngập tràn trên cao nguyên Đắk Lắk, cây cối đơm chồi nảy lộc, muôn loài hoa đua nhau khoe sắc, chim chóc hòa tiếng ca, gió dịu dàng đưa hương, nắng vàng ươm như rót mật... Hòa cùng thiên nhiên, đất trời, con người nơi đây cũng hân hoan, khắp các thôn, buôn rộn rã tiếng cồng, chiêng, điệu nhạc, tiếng hát đón chào, cầu mong một năm mới thật sung túc và yên vui.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153965/cao-nguyen-dak-lak-vao-xuan