Cao Phong giữ vững thương hiệu cam trước cơn lốc khủng hoảng giá

Hiện nay, miền bắc đang vào chính vụ thu hoạch cam tuy nhiên giá các loại cam trên thị trường rất khác nhau, cùng một giống cam nhưng giá bán giao động từ 5.000-30.000 đồng/kg tùy theo từng vùng sản xuất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá bán của sản phẩm đặc sản 'Cam Cao Phong'.

Cam Cao Phong lấy thế mạnh về chất lượng đặc thù và an toàn thực phẩm làm công cụ cạnh tranh và phát triển.

Cam Cao Phong lấy thế mạnh về chất lượng đặc thù và an toàn thực phẩm làm công cụ cạnh tranh và phát triển.

Hiện nay, miền bắc đang vào chính vụ thu hoạch cam tuy nhiên giá các loại cam trên thị trường rất khác nhau, cùng một giống cam nhưng giá bán giao động từ 5.000-30.000 đồng/kg tùy theo từng vùng sản xuất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá bán của sản phẩm đặc sản “Cam Cao Phong”.

Thị trường cam miền bắc năm 2020

Khảo sát thị trường cam tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như Hàm Yên (Tuyên Quang), Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang), Lục Ngạn (Bắc Giang), Cao Phong (Hòa Bình) cho thấy, giá bán cam tại nhà vườn có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng trồng, cụ thể 5.000-5.500 đồng/kg tại Hàm Yên, 6.000-7.000 đồng/kg tại Bắc Quang, 8.000-10.000 đồng/kg tại Lục Ngạn và 12.000-15.000 đồng/kg tại Cao Phong.

Giá bán này liên tục giảm trong ba năm gần đây từ năm 2018-2020. Với giá thành sản xuất tại những nơi thâm canh thấp từ 4.000-5.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân trồng cam của Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái... ngừng đầu tư chăm bón cho cam, điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cam ở những vụ tới cũng như đến tuổi thọ và chu kỳ kinh doanh của cây cam.

Nguyên nhân giá cam sụt giảm

Cam là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, trước những năm 2018 có thể đạt từ 300-500 triệu đồng/ha. Vì vậy, diện tích trồng cam tăng trưởng nóng trong 10 năm nay, bình quân khoảng 10%/năm.

Nhiều vùng sản xuất cam tập trung được hình thành và nhanh chóng mở rộng diện tích như: Lục Ngạn chuyển đổi hơn 7.000 ha từ vải sang cam và một số ít cây có múi khác; Hàm Yên có 7.270 ha cam sành được chuyển đổi mạnh sang trồng các giống cam vàng (Xã Đoài, CS1, V2, cam canh...); Hà Giang có hơn 9.000 ha cam sành chuyển đổi sang khoảng 7.500 ha cam vàng; Hưng Yên vốn là một tỉnh đồng bằng cũng có tới 2.000 ha cam vàng... Chưa kể các vùng sản xuất nhỏ hơn cũng có hàng trăm ha cam như: Phù Yên (Sơn La) 248 ha, Văn Chấn (Yên Bái) 400 ha, Lục Nam (Bắc Giang) 700 ha...

Chỉ riêng tỉnh Hòa Bình hiện nay có trên 5.300 ha cam, nhanh chóng mở rộng tại các huyện: Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn. Sự phát triển quá nóng cây cam tại miền bắc kéo theo mất cân đối cung - cầu cam tươi. Trong khi đó, chế biến cam chưa theo kịp để giảm áp lực mùa vụ, tổ chức lưu thông thị trường nội địa yếu, thị trường xuất khẩu mới chỉ ở dạng tiềm năng chưa được khai thác... dẫn tới tình trạng giá cam sụt giảm nhanh.

Huyện Cao Phong đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap đối với sản phẩm cam đặc sản.

Huyện Cao Phong đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap đối với sản phẩm cam đặc sản.

Bối cảnh này đã tác động rất mạnh đến giá cam mang thương hiệu “Cao Phong”, từ 20.000-25.000 đồng/kg những năm trước đây xuống 12.000-15.000 đồng/kg hiện nay. Cam Cao Phong là một thương hiệu đã khẳng định được uy tín từ sáu năm nay, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (đặc sản vùng miền) tại Việt Nam và EU. Vì vậy, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm lạm dụng uy tín và gắn mác là cam Cao Phong để tiêu thụ. Tuy nhiên, những sản phẩm cam có nguồn gốc xuất xứ đúng nghĩa từ huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vẫn có giá bán tại thị trường Hà Nội từ 25.000-30.000 đồng/kg và được người dân Thủ đô tin dùng.

Trước giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã từng chọn cam Cao Phong là món tráng miệng phục vụ hành khách hạng thương gia trên các đường bay nội địa và quốc tế. Để tự bảo vệ mình, cam Cao Phong xác định lấy thế mạnh về chất lượng đặc thù và an toàn thực phẩm làm công cụ cạnh tranh và phát triển. Từ năm 2015 đến nay, chính quyền địa phương và người sản xuất cam Cao Phong thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ thương hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý. Hằng năm, huyện đều có các thông báo về lịch thời vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu không nhầm lẫn. Người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap; sản xuất theo hướng xanh sạch (sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh); không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư bón bổ sung nước đậu tương, cá con ngâm ủ...; xây dựng và phát triển các hợp tác xã làm cầu nối liên kết giữa sản xuất với thị trường (HTX 3T, HTX Hà Phong...)

Bên cạnh những nỗ lực bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm cam Cao Phong của địa phương, những hỗ trợ về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong từ dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình” cũng đã có những tác động tích cực.

Dự án này thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 của Bộ Khoa học và công nghệ. Thông qua dự án, Ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý và Hội sản xuất kinh doanh cam huyện Cao Phong đã được thành lập nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát, hạn chế việc giả mạo thương hiệu cam Cao Phong; thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì và logo chỉ dẫn địa lý “Cam Cao Phong” để người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt... Những nỗ lực này đã giúp cam Cao Phong duy trì được niềm tin của người tiêu dùng cũng như tạo được liên kết với các nhà phân phối lớn như Big C, VinMart, Metro, BRG...

VŨ THỊ PHƯƠNG MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/cao-phong-giu-vung-thuong-hieu-cam-truoc-con-loc-khung-hoang-gia-628888/