Cao Phong trồng lại cam sau thời gian 'bỏ vườn'

Huyện Cao Phong (Hòa Bình) đang triển khai đề án tái canh cây cam, sau thời kỳ vùng trồng cam nổi tiếng này thu hẹp diện tích chỉ còn 1/3 so với trước.

Cao Phong là vùng trồng cam nổi tiếng của Hòa Bình, trong giai đoạn 2010 - 2016, cây cam giúp người dân có thu nhập khá, nhiều hộ là tỷ phú từ trồng cam. Tuy nhiên những năm gần đây, do sự phát triển nóng của diện tích cam, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, trong khi các vườn cam đến chu kỳ cần phải cải tạo để tạo sự phát triển ổn định mới.

Cách đây 5 năm, tại Cao Phong, một hecta trồng cam sau khi trừ chi phí có thể mang lại cho người trồng khoảng 800 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, thủ phủ cam suy giảm diện tích gần 3 lần, hiện còn khoảng 1.500 ha.

Cam là cây trồng chủ lực của huyện Cao Phong, Hòa Bình. (Ảnh: BCT).

Cam là cây trồng chủ lực của huyện Cao Phong, Hòa Bình. (Ảnh: BCT).

Theo đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn Cao Phong giai đoạn 2021 – 2025, huyện sẽ thực hiện tái canh 42 ha cam trong năm 2024, từ đó xây dựng cánh đồng mẫu để nhân rộng.

Bên cạnh việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai đề án tái canh cây cam, huyện Cao Phong khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình chăm sóc và chế biến cam; sản xuất theo hướng xanh, sạch, dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh; tăng cường liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hà Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình cho biết, khi cam hết tuổi khai thác, bước vào chu kỳ thoái hóa, nhiều nông hộ đã chuyển đổi diện tích sang trồng chuối, sau một thời gian lại bắt đầu chuyển diện tích này sang trồng cây cam để thực hiện quy trình cải tạo đất. Trồng cam đòi hỏi sự đầu tư cả về nguồn lực, làm chủ các quy trình từ chọn giống, cải tạo đất đến các công trình chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn mới có hiệu quả cao và bền vững.

Theo ông Tuyền, việc tái canh cây cam là hết sức cần thiết, bởi theo chu kỳ, cây sẽ đến thời điểm thoái hóa, năng suất, chất lượng không đạt yêu cầu. Hiện nay công ty Cao Phong Hòa Bình quản lý khoảng hơn 600 ha, trong đó diện tích cam cũ hơn 200 ha, cam thời kỳ kinh doanh hơn 200 ha, còn lại diện tích khác chủ yếu là chuối để cải tạo đất và có thu nhập thêm.

Ông Tuyền cho rằng ở vùng Cao Phong, cho đến nay chưa có cây trồng thay thế được và mang lại hiệu quả như cây cam.

Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình cho hay, cam là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Thời kỳ cao điểm (2018) cả tỉnh có khoảng 5.100 ha. So với vài năm trước đây, hiện nay nhận thức của đa số người trồng cam đã thay đổi tích cực. Người trồng cam đã tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất. Trong niên vụ cam 2022 - 2023, 7 tấn cam Cao Phong được xuất khẩu chính ngạch sang Anh.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình, toàn huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 22.000 tấn. Diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha. Với chất lượng tốt, cam Cao Phong có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, là nông sản đặc trưng, tiêu biểu nhất của huyện Cao Phong.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cao-phong-trong-lai-cam-sau-thoi-gian-bo-vuon-10277588.html