Cao su Bà Rịa: Phát triển xanh hướng đến nông nghiệp thông minh
Trải qua hơn ba thập niên hình thành và phát triển, Công ty CP Cao su Bà Rịa đã ghi dấu ấn là một trong những đơn vị tiêu biểu của ngành Cao su Việt Nam, không chỉ nhờ hiệu quả kinh doanh ổn định, mà còn bởi tầm nhìn phát triển bền vững, hướng đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, quản trị số hiện đại.
Giữ vững đà tăng trưởng
Thành lập năm 1994, Cao su Bà Rịa là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện đang quản lý hơn 8.000 ha cao su với 7 đội sản xuất, 1 nhà máy chế biến và hơn 1.000 lao động. Trong giai đoạn 2020 – 2025, Công ty đạt tổng doanh thu trên 2.605 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 374 tỷ đồng và chia cổ tức đều đặn 7%, khẳng định nội lực tài chính vững chắc và chiến lược phát triển ổn định.
Riêng năm 2024, Cao su Bà Rịa đạt doanh thu 496,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 152,96 tỷ đồng, vượt 150% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác đạt 7.200 tấn và kế hoạch tái canh được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chu kỳ vườn cây và chất lượng mủ bền vững.

Công nhân khai thác mủ cao su.
Bước vào năm đầu nhiệm kỳ mới 2025 – 2030, Cao su Bà Rịa tiếp tục duy trì phong độ ổn định và hiệu quả cao. Năm 2025, kế hoạch sản xuất kinh doanh được xây dựng chi tiết với sản lượng khai thác mủ là 8.800 tấn, sản lượng chế biến 11.800 tấn và tiêu thụ 9.800 tấn. Tổng doanh thu dự kiến là 593,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 181 tỷ đồng, chia cổ tức gần 90 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng mủ cao su do công ty khai thác đạt 2.223 tấn với giá bán bình quân 53,3 triệu đồng/tấn, Trong 6 tháng cuối năm, Công ty đặt mục tiêu vượt 10% sản lượng kế hoạch năm, quyết tâm đạt sản lượng 9.680 tấn trở lên. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Lấy người lao động khối trực tiếp làm trung tâm: chú trọng đến việc tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động, giúp người lao động an tâm sản xuất; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, kết hợp phát triển năng lượng sạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất;Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số; Tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động.
Nhìn xa hơn, Cao su Bà Rịa đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tổng doanh thu khoảng 3.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ ngành cao su vẫn là trụ cột với hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng sẽ tăng tỷ trọng đóng góp từ các lĩnh vực khác như nông nghiệp công nghệ cao (trên 173 tỷ đồng), khu công nghiệp (hơn 663 tỷ đồng) và các hoạt động thương mại, dịch vụ (gần 777 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận trước thuế cả giai đoạn dự kiến đạt 1.002 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 586 tỷ đồng và thu nhập người lao động phấn đấu vượt mức 13,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Chế biến mủ cao su tại nhà máy.
Đặt biệt, Cao su Bà Rịa chủ động ứng dụng cơ giới hóa, quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đồng bộ từ khâu trồng, khai thác đến chế biến, thương mại. Bên cạnh đó, Công ty đang đẩy mạnh kế hoạch sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên nước, kết hợp với xử lý môi trường đạt chuẩn ISO 14001 tại các nhà máy.
Chiến lược trung, dài hạn của Cao su Bà Rịa đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng giá trị gia tăng từ đất và cây cao su thông qua đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng đầu tư vào chế biến sâu và khu công nghiệp xanh.
Quản trị hiện đại lấy con người làm trung tâm
Với phương châm “Người lao động là tài sản quý nhất”, Công ty luôn chăm lo đầy đủ các chế độ, chính sách, phúc lợi. thu nhập bình quân tháng 6 là 13.109.000đồng/người/tháng, cao hơn 6 triệu so với cùng kỳ năm 2024. Công ty chủ động tuyển dụng hơn 250 lao động đồng bào miền núi phía Bắc, bố trí nhà ở, hỗ trợ vật dụng thiết yếu và chế độ ổn định, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Song song đó, Cao su Bà Rịa từng bước tinh gọn bộ máy, hiện nay đã tổ chức lại theo mô hình 2 cấp: Công ty - Đội, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu quả điều hành. Các chỉ tiêu sản xuất, tài chính, quản lý lao động đều được số hóa và cập nhật theo thời gian thực, giúp minh bạch trong trả lương, giao khoán và điều hành.
Ông Trần Khắc Chung - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa nhấn mạnh: “Tại Cao su Bà Rịa, chúng tôi không xem người lao động là chi phí, mà là vốn quý. Giữ được công nhân là giữ được rừng, giữ được nghề. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt họ làm trung tâm của mọi chiến lược phát triển”.
“Chúng tôi không chỉ phát triển cao su, mà còn hướng tới một hệ sinh thái sản xuất – chế biến – công nghiệp xanh, nơi giá trị bền vững là nền tảng. Cao su Bà Rịa muốn trở thành một mô hình nông nghiệp công nghiệp hiện đại, hiệu quả và có trách nhiệm với con người” - ông Trần Khắc Chung cho biết.

Đóng gói mủ cao su xuất khẩu.
Trong nhiệm kỳ 2025–2030, Cao su Bà Rịa đặt mục tiêu doanh thu trên 3.699 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.002 tỷ, thu nhập bình quân từ 13,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Trong đó, bên cạnh lĩnh vực cao su, công ty sẽ tăng tỷ trọng từ khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh các dự án chuyển đổi xanh, phát triển sản phẩm chế biến sâu và ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị.
Cao su Bà Rịa hôm nay không chỉ là đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả mà còn đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển của ngành cao su, từ “cây cao su truyền thống” đến doanh nghiệp nông – công nghiệp xanh, hiện đại, nhân văn. Trên hành trình đó, Cao su Bà Rịa tiếp tục giữ vững bản sắc ngành, phát huy truyền thống Cao su Việt Nam, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế địa phương và đất nước.