Giữ nhịp tăng trưởng
Lần đầu tiên, GRDP của Quảng Ngãi (sau sáp nhập tỉnh) trong 6 tháng đầu năm 2025 đã vươn lên nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng (hơn 11%). Kết quả này thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Kinh tế khởi sắc
Theo Cục Thống kê tỉnh, kinh tế của Quảng Ngãi trong 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, công nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt nền kinh tế, với mức tăng 19,32%, chủ yếu là nhờ sức tăng của 2 sản phẩm chủ lực là lọc hóa dầu và thép. Bên cạnh đó còn có thêm một số sản phẩm khác làm sáng lên bức tranh kinh tế công nghiệp của tỉnh, như điện sản xuất, điện thương phẩm, giày da, sợi, dăm gỗ nguyên liệu giấy, tinh bột mì, đá xây dựng,...

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, thuộc tốp đứng đầu cả nước về tăng trưởng. Tổng thu ngân sách hơn 17 nghìn tỷ đồng, đạt gần 50% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt bình quân hơn 30%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 14% so với cùng kỳ và đạt hơn 51% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu gần 1,5 tỷ USD, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Sản xuất nông nghiệp giữ nhịp tăng trưởng ở mức 3,53%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 43 nghìn tỷ đồng. Có thêm 539 doanh nghiệp thành lập mới và 143 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại,...
Vững vàng vượt khó
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi có thêm nhiều cơ hội để phát triển, vì không gian phát triển được mở rộng, lợi thế rõ nét hơn. Kinh tế Quảng Ngãi không chỉ kết nối với khu vực trong nước, mà còn mở rộng giao thương, kết nối với các nước láng giềng thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ngoài KKT Dung Quất, Quảng Ngãi còn có các KCN Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi, Quảng Phú, Sao Mai, Hòa Bình và KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đây là nền tảng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp và GRDP của tỉnh.

Cảng Dung Quất. Ảnh: PV
Theo định hướng phát triển của Quảng Ngãi trong không gian mới, mỗi một vùng sẽ được khai thác sâu lợi thế, hình thành nhiều trung tâm động lực. Ở phía đông, động lực phát triển kinh tế, chi phối tăng trưởng là ngành công nghiệp lọc hóa dầu và thép. Ở phía tây, thế mạnh về công nghiệp chế biến dược liệu, xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục được khai thác mạnh mẽ. Hàng hóa của doanh nghiệp Quảng Ngãi không chỉ từ nhà máy qua cảng biển nước sâu Dung Quất hòa vào thị trường thế giới, mà còn qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi sâu vào thị trường Lào, Campuchia và các nước khác thuộc khu vực ASEAN.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh vào ngày 9/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, những con số tăng trưởng mà Quảng Ngãi đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 có giá trị rất lớn. Đây là bệ phóng giúp Quảng Ngãi tiến đến mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số. Thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để hợp nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ sau khi sáp nhập; khơi thông điểm nghẽn về đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.
Tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm 6 rõ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”, kinh tế của Quảng Ngãi sẽ tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và trong những năm đến.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/giu-nhip-tang-truong-54439.htm