Cao su thiên nhiên phục hồi
Giá dầu tăng mạnh kéo giá nhiều loại hàng hóa tăng, trong đó có cao su thiên nhiên, tạo động lực cho doanh nghiệp ngành này phục hồi.
Giá cao su thế giới bật tăng
Từ đầu quý II/2023 đến nay, giá dầu Brent tăng mạnh do triển vọng nguồn cung thắt chặt và sự lạc quan của OPEC về nhu cầu năng lượng tại các nền kinh tế lớn. Giá dầu tăng nhanh từ dưới 75 USD/thùng lên trên 90 USD/thùng, khiến nhu cầu tiêu thụ cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ giảm và nhu cầu đối với cao su thiên nhiên gia tăng.
Theo đó, trên thị trường thế giới, giá cao su thiên nhiên có diễn biến hồi phục kể từ giữa tháng 8, hiện đạt 1,48 US Cents/kg, tăng hơn 14% so với đầu năm.
Đà tăng của giá cao su còn được hỗ trợ từ các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc dần khởi sắc, giúp giảm tồn kho cao su. Đáng chú ý, nước này có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, tác động tích cực lên tổng cầu cao su. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu săm lốp của Trung Quốc có xu hướng tăng cả về sản lượng và giá, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu cao su tăng.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 80% khối lượng xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,4 triệu tấn cao su, trị giá 1,87 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 18,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất sang thị trường Trung Quốc đạt 1,09 triệu tấn, trị giá 1,44 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng, nhưng giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ. Tháng 9 vừa qua, giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc là 1.302 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 8.
Triển vọng sáng, doanh nghiệp vẫn thận trọng
Trong quý III/2023, Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (mã chứng khoán HRC) đạt lợi nhuận sau thuế 6,69 tỷ đồng, giảm 1,26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Công ty cho biết, trong quý III năm nay, doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ tăng 7,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, nhưng phần tăng này chủ yếu là doanh thu hàng hóa mua đi bán lại có tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong khi đó, doanh thu bán sản phẩm cao su kỹ thuật giảm 7,2 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tại Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC), doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023 lần lượt là 1.123 tỷ đồng và 93 tỷ đồng; doanh thu giảm 12%, nhưng lợi nhuận tăng 30% so với quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu 3.397 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 67% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 56% kế hoạch năm.
Quý IV/2023, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu giá trị sản xuất đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 1% so với quý III và bằng 94% cùng kỳ năm 2022; doanh thu bán hàng đạt 1.268 tỷ đồng, tăng 7% so với quý III và tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 68 tỷ đồng, bằng 73% quý trước và bằng 65% cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR), sản lượng cao su trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 7.523,7 tấn; sản lượng chế biến đạt 10.277,6 tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng tiêu thụ đạt hơn 7.486 tấn, hoàn thành 57,6% kế hoạch năm.
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Cao su Đồng Phú hiện có hơn 9.800 ha cao su tại Bình Phước và Đắk Nông, bên cạnh đó là gần 6.500 ha tại nông trường Kratie ở Campuchia. Doanh nghiệp sở hữu 2 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 22.000 tấn/năm, sản phẩm cao su được tiêu thụ ở các nước châu Âu (như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Slovakia), Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…
Giá cao su đang hồi phục và kỳ vọng sẽ giữ ở mức cao từ nay cho đến cuối năm.
Giá cao su đang hồi phục và kỳ vọng sẽ giữ ở mức cao từ nay cho đến cuối năm, nhờ giá dầu neo cao, nhu cầu hồi phục từ Trung Quốc và hàng tồn kho cao su giảm mạnh trong 12 tháng qua.
Cao su Đồng Phú có thể hưởng lợi từ giá cao su tăng, bởi phần lớn diện tích cây cao su đang trong tuổi khai thác, cho năng suất cao, góp phần gia tăng sản lượng và bù đắp phần sụt giảm từ thanh lý cây cao su già. Doanh nghiệp còn có nguồn thu nhập từ đền bù đất và động lực tăng trưởng đến từ dự án mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR) có quỹ đất cao su hơn 15.000 ha. Sản lượng cao su kỳ vọng gia tăng nhờ nhu cầu cao su tự nhiên cũng như cầu các sản phẩm từ cao su, đặc biệt là săm lốp phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn vẫn đang ở mức thấp trong bối cảnh kinh tế còn bất ổn, nên sản lượng cao su nửa cuối năm nay dự kiến chỉ tăng khoảng 15 - 20% so với nửa đầu năm. Lũy kế cả năm 2023, sản lượng cao su của Công ty thấp hơn khoảng 10% so với năm 2022.
Giá cao su thế giới hiện cao hơn khoảng 4% so với mức trung bình nửa đầu năm. Giá bán của Cao su Phước Hòa thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng 5 - 7% so với mức bình quân từ đầu năm đến nay.
Kết quả kinh doanh của Cao su Phước Hòa còn có sự đóng góp từ mảng khu công nghiệp, với kế hoạch chuyển đổi cho khoảng 6.000 ha đất cao su. Công ty đang tập trung triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Lập 1 và Khu công nghiệp Tân Bình MR, kỳ vọng có thể đưa vào khai thác từ năm 2025. Với Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 và Khu công nghiệp VSIP III, dự kiến từ đầu năm 2024 sẽ được cho thuê, đem lại dòng tiền đều đặn cho doanh nghiệp.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, giá cao su phục hồi sẽ hỗ trợ đáng kể hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thêm động lực phát triển nhờ chiến lược chuyển đổi diện tích trồng cao su thành các khu công nghiệp.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, ngành cao su sẽ dần khởi sắc do nhu cầu từ các thị trường lớn phục hồi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, giúp giá cao su tăng trong bối cảnh giá dầu có khả năng neo ở mức cao.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu tháng 10/2023, cổ phiếu nhóm ngành cao su thiên như như PHR, DPR, HRC... có diễn biến tích cực, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng của ngành.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cao-su-thien-nhien-phuc-hoi-post332237.html