Cao su Việt Nam (GVR) muốn bán vốn loạt doanh nghiệp niêm yết, gồm cả 'đại gia' khu công nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR) dự kiến sẽ chuyển nhượng vốn tại loạt doanh nghiệp đang niêm yết, bao gồm cả Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG - một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất tại miền Nam.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh bứt phá vào năm 2025
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 29/3, với nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức gần 25.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng, gần như tương đương so với mức nền thấp của năm 2023.
Tuy nhiên, sang năm 2025, Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng mạnh lên mức 28.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lên hơn 5.000 tỷ đồng.
Năm 2023 được xem là năm khó khăn đối với Cao su Việt Nam nói riêng, ngành cao su nói chung khi giá xuất khẩu cao su bình quân giảm tới gần 13%, chủ yếu do nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu trong nửa đầu năm.
Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tập trung trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với diện tích 360.000 - 370.000 ha. Trong đó, diện tích cao su trong nước là từ 245.000 - 255.000 ha và khoảng 115.000 ha tại nước ngoài.
Sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400.000 tấn và sản lượng tiêu thụ khoảng 500.000 tấn (bao gồm cả cao su gia công và thu mua). Đồng thời, sản lượng gỗ cao su nguyên liệu ước khoảng 1,5 triệu m3 gỗ.
Cao su Việt Nam cũng sẽ đầu tư, mở rộng, cải tạo nâng công suất các nhà máy chế biến gỗ và phát triển mảng sản xuất vỏ xe.
Đối với mảng khu công nghiệp, Cao su Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi; đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Trong định hướng trung và dài hạn, Cao su Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp, Cao su Việt Nam sẽ thành lập Ban phát triển khu công nghiệp.
Muốn chuyển nhượng vốn tại loạt công ty đang niêm yết
Cũng tại Đại hội cổ đông bất thường tới đây, Cao su Việt Nam dự kiến trình cổ đông xem xét và thông qua việc sắp xếp lại doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản đầu tư đến hết năm 2025.
Cụ thể, Cao su Việt Nam sẽ chuyển nhượng vốn tại 01 đơn vị đang nắm cổ phần chi phối là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su.
Đồng thời, Cao su Việt Nam muốn chuyển nhượng vốn tại 07 đơn vị không nắm cổ phần chi phối, gồm 5 công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, gồm: Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu VRG); Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (mã cổ phiếu VIR); Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (mã cổ phiếu EIC); Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã cổ phiếu SIP); Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 (mã cổ phiếu TL4); Công ty Cổ phần Điện Việt Lào; và Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư.
Trong đó, Đầu tư Sài Gòn VRG hiện là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp niêm yết lớn nhất tại khu vực miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200 ha. Công ty hiện có 4 Khu công nghiệp và 3 khu đô thị, dân cư liền kề các khu công nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
Khác với các đơn vị phát triển khu công nghiệp niêm yết khác, Đầu tư Sài Gòn VRG là công ty duy nhất có thể phân phối điện, nước trực tiếp cho khách thuê với doanh thu chiếm khoảng 80% tổng doanh thu.
Ở chiều ngược lại, Cao su Việt Nam xem xét đầu tư thêm vốn để nắm giữ quyền chi phối tại Công ty Cổ phần Cao su Bến Thành (mã cổ phiếu BRC).
Ngoài ra, Cao su Việt Nam cũng sẽ sắp xếp 5 công ty thủy điện theo chỉ đạo, quyết định, phán quyết của cấp có thẩm quyền và giải thể Xí nghiệp Liên doanh Visorutex khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.