Cao tốc Bắc - Nam tăng tốc

Ngày 1-1, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương tổ chức lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và phát động tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công tại 12 dự án thành phần trên địa bàn 9 tỉnh theo hình thức kết nối trực tuyến.

Trong đó, 3 điểm cầu chính tại Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi lễ và phát lệnh khởi công dự án tại điểm cầu trung tâm ở Quảng Ngãi thuộc dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (Bình Định).

Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; tại điểm cầu Hậu Giang thuộc dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; tại các điểm cầu còn có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Những điểm cầu còn lại thuộc 9 dự án thành phần tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa, Cà Mau.

Việc triển khai 12 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp nối liên tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau, trở thành hành lang vận tải quan trọng nhất xuyên suốt chiều dài đất nước, tạo tiền đề, nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TUẤN LINH

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TUẤN LINH

Triển khai thần tốc, quyết liệt

Từ Đà Nẵng đi theo tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ mất khoảng 2 giờ để đến TP Quảng Ngãi, điều mà trước đây khi chưa có đường cao tốc thời gian di chuyển kéo dài gấp 2-3 lần. Đà Nẵng-Quảng Ngãi là tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực miền Trung được đưa vào khai thác năm 2018, đi qua nhiều đô thị trọng điểm, các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.

Từ điểm cuối của cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sẽ bắt đầu một dự án cao tốc mới, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (Bình Định), một trong 12 dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025.

Địa điểm tổ chức khởi công dự án thành phần Quảng Ngãi-Hoài Nhơn trở thành điểm cầu trung tâm của lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Hàng dài thiết bị, xe, máy đã được tập trung trên công trường để sẵn sàng bắt tay ngay vào thi công dự án. Không khí náo nức, hồ hởi, tinh thần khẩn trương, quyết liệt của các đơn vị tham gia dự án là điều có thể cảm nhận rõ. Tinh thần đó đã được thể hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư của 12 dự án thành phần này.

Đây là một trong những dự án có thời gian chuẩn bị ngắn với khối lượng công việc lớn nhất của ngành GTVT. Thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đến khi khởi công là gần một năm, rút ngắn được một nửa so với việc thực hiện theo trình tự thủ tục thông thường.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: TUẤN LINH

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: TUẤN LINH

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo thẩm quyền.

Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị của bộ, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Về công tác giải phóng mặt bằng, ban chỉ đạo, hội đồng giải phóng mặt bằng của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi qua có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận. Đến nay, các địa phương đã cơ bản bàn giao hơn 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công dự án.

Khắc phục các điểm nghẽn

Việc lựa chọn nhà thầu là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu để bảo đảm dự án triển khai thành công. 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 có 25 gói thầu. Theo Bộ GTVT, việc phân chia gói thầu tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng và yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Căn cứ quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu, kết quả khảo sát của các chủ đầu tư để nghiên cứu xác định quy mô gói thầu hợp lý, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia dự án, tuân thủ quy định của pháp luật.

Đến nay, các chủ đầu tư (ban quản lý dự án) đã hoàn thành chỉ định thầu 14/25 gói thầu xây lắp, 14/25 gói thầu tư vấn giám sát theo đúng trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch. Các nhà thầu được lựa chọn đều là các doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín và đáp ứng các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của hồ sơ yêu cầu. Đối với 11/25 gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát còn lại, các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để chỉ định thầu, đáp ứng tiến độ triển khai đồng loạt trước Tết Nguyên đán 2023.

Là một trong những đơn vị tham gia thi công dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh được chỉ định thực hiện gói thầu XL1, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu.

Từ kinh nghiệm sau khi hoàn thành các dự án và xác định các vấn đề đặt ra để làm tiền đề thực hiện cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, cần kiểm soát giá và nguồn vật liệu thông qua việc quản lý dòng tiền tạm ứng từ tài khoản chuyên dụng để kiểm soát chi tiêu của các nhà thầu trong liên danh sử dụng đúng mục đích, trong đó ưu tiên giải ngân trước cho các nhà cung ứng nhằm bình ổn giá vật tư, vật liệu. Tổ chức rà soát, chủ động làm việc với ban quản lý dự án, địa phương để cùng xem xét các bất cập, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ số trong khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công nhằm tạo sự minh bạch, đồng bộ, nhanh và chính xác. Đồng thời, mong muốn các địa phương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu trước ngày 30-1-2023 để triển khai bảo đảm tiến độ cam kết và thi công xuyên Tết như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được tham gia thi công dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Bộ Quốc phòng) chia sẻ, quy mô của dự án và khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao, tiến độ hết sức khẩn trương, thời gian thi công các gói thầu trong khoảng 34 tháng, trong khi nhiều dự án, gói thầu phải xử lý nền đất yếu, xử lý kỹ thuật, nguyên vật liệu khan hiếm, điều kiện thi công khó khăn...

Với năng lực, kinh nghiệm và uy tín, thương hiệu của các nhà thầu đã được chứng minh qua nhiều dự án trọng điểm quốc gia, gần đây nhất là dự án đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc khẳng định sẽ làm tốt công tác phối hợp, chủ động, quyết liệt triển khai thi công ngay từ những ngày đầu sau lễ khởi công, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên công trình đặc biệt quan trọng này.

Đơn vị thi công sẵn sàng máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai thực hiện dự án. Ảnh: TUẤN LINH

Đơn vị thi công sẵn sàng máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai thực hiện dự án. Ảnh: TUẤN LINH

Cần có cách làm, tư duy, cách tiếp cận mới

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có cách làm, tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông với chiều dài 2.063km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư, trong đó, ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về chính trị, xã hội, kinh tế với đất nước. Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các địa phương có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dự án là bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra; thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh về giá, nguyên vật liệu, nhân lực, thiết kế...

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II-2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, nơi canh tác mới tốt hơn, ít nhất là bằng nơi cũ. Thủ tướng mong muốn, nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án.

Tại buổi lễ, Thủ tướng cũng tuyên bố phát động tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11-1-2022) với tổng chiều dài 729km, quy mô 4 làn xe, được chia thành 12 dự án thành phần, gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353km) và Cần Thơ-Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

MẠNH HƯNG - QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cao-toc-bac-nam-tang-toc-715514