Cao tốc Cam Lộ - La Sơn tạo 'trục động lực' phát triển miền Trung
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án thành phần đầu tiên cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai, tạo 'trục động lực' phát triển miền Trung.
Cuối tháng 8/2019, Bộ GTVT phối hợp các địa phương, Ban QLDA đường HCM khởi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế.
Tăng tốc GPMB, khởi công dự án
“
Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác triển khai dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương tập trung tối đa các điều kiện, triển khai dự án từ chính sách, GPMB, quản lý điều hành đến thi công. “Đây là công trình quan trọng quốc gia, việc triển khai và sớm hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương và liên vùng”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, với tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí GPMB khoảng 434 tỷ đồng…
”
Với chiều dài gần 100km, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu tại Cam Lộ (Quảng Trị) qua các địa phận TP Đông Hà, TX Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, đến các địa phương Thừa Thiên - Huế: Phong Điền, TX Hương Trà, TX Hương Thủy và điểm cuối tại La Sơn (Phú Lộc). Theo phê duyệt, giai đoạn đầu dự án có mặt cắt ngang với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 12m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23m; Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền B= 7,5m x 2 (mặt đường) + 1,5m (dải phân cách) + 2.5m x 2 (dải dừng xe khẩn cấp) + 0,75m x 2 (lề đường) = 23m.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc Bộ GTVT phối hợp các địa phương nỗ lực đẩy nhanh các công tác chuẩn bị hồ sơ, tư vấn thiết kế, GPMB, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp… triển khai dự án. Theo ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường HCM, đến nay dự án đủ điều kiện khởi công theo Luật Xây dựng và là dự án đầu tiên trong số các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông khởi công theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Chính phủ, Quốc hội.
Trung tá Nguyễn Hồng Trung, Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn Trường Sơn, Chủ nhiệm đồ án Cam Lộ - La Sơn cho hay: Ngay khâu tư vấn, thiết kế, các đơn vị chức năng đã khảo sát nghiên cứu, so sánh, để lựa chọn phương án hướng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hợp lý, tối ưu về mặt kinh tế - kỹ thuật, hạn chế được các công trình hạ tầng kỹ thuật và các quy hoạch liên quan địa phương; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đơn vị, chủ thể vùng dự án… Đồng thời, dự án Cam Lộ - La Sơn được “tích hợp” các giải pháp thi công, công nghệ từ kinh nghiệm, đòi hòi thực tiễn qua các công trình cao tốc, quốc lộ đã và đang triển khai tại Việt Nam và quốc tế.
Đáng kể, dự án Cam Lộ - La Sơn có khối lượng GPMB lớn nhưng được các địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào cuộc rốt ráo cùng sự phối hợp sát sao, chặt chẽ với Ban QLDA, các đơn vị chức năng. Thống kê, có hơn 400ha đất với hơn 800 đối tượng (nhà, hộ dân, tổ chức) bị ảnh hưởng trên toàn tuyến dự án. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến nay, công tác GPMB cơ bản hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, áp giá đại trà để chi trả cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Các khu tái định cư cũng được các tỉnh chủ động triển khai. Tại Quảng Trị hiện có hơn 15km/37,3km được bàn giao cho dự án. Mục tiêu trong năm 2019, hai địa phương cơ bản hoàn thành công tác GPMB.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, có được kết quả này, là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nhất quán, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Ngay khi triển khai, các địa phương lập Ban chỉ đạo GPMB, trực tiếp Bí thư, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, đôn đốc và kiểm đếm tiến độ định kỳ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phối hợp với Ban QLDA, Bộ GTVT để đẩy tiến độ GPMB…
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, địa phương vận dụng bài học kinh nghiệm GPMB từ các dự án trọng điểm là phải rốt ráo, minh bạch, thấu tình, đạt lý; tăng cường công tác tuyên truyền, tranh thủ sự ủng hộ người dân. Tại Thừa Thiên - Huế, các mô hình tuyên truyền vận động kết hợp ghi hình hiện trạng khu vực ảnh hưởng dự án giúp cho người dân diện GPMB “tâm phục, khẩu phục”. Để đảm bảo các công tác GPMB, hai địa phương tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch giải ngân; thủ tục di dời công trình công công; tăng cường nhân lực công tác đền bù thực tế…
Tập trung thi công, mở đường “kết nối”
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, ngay từ khi dự án được quyệt, Ban chủ động thành lập văn phòng hiện trường, lựa chọn, cử cán bộ trưởng thành qua các công trình giao thông trọng điểm: QL1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc La Sơn - Túy Loan… trực tiếp vào dự án, phối hợp chặt chẽ địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB và các điều kiện cần thiết, góp phần đưa cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án thành phần khởi công sớm nhất. Đồng thời, Ban áp dụng các bài học kinh nghiệm, mô hình quản lý, điều hành dự án; đôn đốc nhà thầu tập trung trang thiết bị máy móc, nhân vật, kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng từng hạng mục…
Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM, 2 trong tổng số 11 gói thầu xây lắp sẽ tiên phong thi công, mục tiêu cuối năm 2019 tất cả các gói thầu sẽ triển khai xây lắp trên toàn tuyến. “Đặc thù dự án qua địa hình phức tạp, điều kiện thời tiết các địa phương khắc nghiệt sẽ là áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, các đơn vị xác định tinh thần tập trung cao độ, tận dụng thuận lợi về mặt bằng, áp dụng giải pháp thi công phù hợp với phương châm “vượt nắng, thắng mưa” để đảm bảo mục tiêu cán đích theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Quý nói.
Dự kiến, sau 2 năm triển khai, dự án Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, hình hài tuyến cao tốc nối Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế và kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan (sẵn sàng thông xe), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đang khai thác), tạo “trục động lực” xuyên miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng. Trao đổi với PV, lãnh đạo 2 Sở GTVT Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đánh giá, cùng với QL1 qua địa bàn đã được nâng cấp, mở rộng, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng năng lực thông hành, khớp nối với tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, với tuyến cao tốc này, sẽ giải tỏa “điểm nghẽn” lưu thông tốc độ cao, rút ngắn thời gian đi đến sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) cho người dân Quảng Trị. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế cũng đánh giá: Mạng lưới cao tốc được đầu tư, kết nối tạo trục thông hành tốc độ cao qua miền Trung, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch. Đặc biệt, tuyến cao tốc đi về phía Đông, qua các huyện, thị miền núi, thuộc diện vùng sâu, xa có điều kiện khó khăn, sẽ góp phần quan trọng để “đánh thức” các tiềm năng phát triển, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đón đầu xu thế này, từ tháng 9/2018, Thừa Thiên - Huế có Quyết định công bố thông tin các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh, trong đó có nhiều dự án khu vực có dự án cao tốc chạy qua.