Cao ủy đối ngoại EU: Tình hình ở Afghanistan đang là 'thảm họa'
Cao ủy về chính sách đối ngoại của EU cho rằng tình hình hiện nay ở Afghanistan là thảm họa, và EU phải giải cứu càng nhiều người Afghanistan càng tốt.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Cao ủy về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết khoảng 100 nhân viên EU, cùng 400 người Afghanistan làm việc với EU và gia đình của họ đã được sơ tán.
Tuy nhiên, 300 người Afghanistan khác vẫn đang cố gắng rời khỏi đất nước, theo Reuters.
Ông nhấn mạnh "nghĩa vụ đạo đức" của châu Âu là phải giải cứu càng nhiều người Afghanistan càng tốt, vì đây là những người đã làm việc cho EU ở Afghanistan. Tuy nhiên, Cao ủy Borrell cho rằng sẽ không thể giải cứu được hết những người này.
"Hãy để tôi nói rõ ràng và thẳng thắn, đây là một thảm họa. Đó là một thảm họa đối với người dân Afghanistan, đối với các giá trị và sự tín nhiệm của phương Tây, cũng như sự phát triển của các mối quan hệ quốc tế", ông Borrell nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, Cao ủy Borrell đề cập về lo ngại xuất hiện làn sóng người di cư Afghanistan đến châu Âu, tương tự như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 do xung đột ở Syria và Iraq.
"Đừng gọi họ là những người di cư, họ là những người bị lưu đày, những người đang chạy trốn để cứu lấy mạng sống của mình", Cao ủy Borrell nói.
Ông bác bỏ ý kiến so sánh Afghanistan với Syria, vì tình hình hiện tại ở Afghanistan còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Cao ủy Borrell cho biết đã liên lạc với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông Stoltenberg sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc NATO vào ngày 20/8 tới, để thảo luận về tình hình ở Afghanistan.
Các nước phương Tây đang đứng trước áp lực phải sơ tán công dân, nhân viên người Afghanistan và gia đình của họ khỏi nước này, trong khi nhiều nước bất đồng về chính sách sắp tới đối với người từ Afghanistan.
Hàng nghìn người cố gắng vượt qua rào cản của Taliban và quân đội Mỹ để đến sân bay Kabul một cách tuyệt vọng.
Các tay súng Taliban ngày 15/8 đã tràn vào thủ đô Kabul và nắm quyền kiểm soát thành phố trong khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi Afghanistan. Taliban đã chiếm đồn biên phòng Torkham giáp Pakistan. Do đó, sân bay Kabul hiện là lối thoát duy nhất ra khỏi Afghanistan vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ nước này.