Cấp bậc cao, tiêu chuẩn lại thấp
Thông tư số 13/2019/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực từ ngày 24-10-2019, quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở GD-ĐT, trong đó không đưa ra tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Trước đó, tháng 8-2019, Thông tư số 10/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng, phó phòng GD-ĐT cấp huyện cũng không đưa ra chuẩn nào về ngoại ngữ. Điều này đã gây nên không ít thắc mắc đối với hàng triệu giáo viên trong cả nước cũng như dư luận xã hội.
Thắc mắc cũng là điều dễ hiểu. Bởi đúng 1 năm trước, tháng 7 và tháng 8-2018, Bộ GD-ĐT ban hành hai thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT và số 20/2018/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên, đều có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ rất rõ ràng. Sau khi có quy định, 1 năm qua ban giám hiệu và giáo viên các trường học phải dùng mọi cách chạy đua để bù lấp nếu còn thiếu chuẩn. Hàng loạt khóa học cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên được mở ra đúng nghĩa của mối quan hệ “có cầu ắt có cung”. Chưa nói tới chất lượng, để có chứng chỉ, giáo viên không chỉ phải đầu tư một khoản kinh phí đáng kể, mà còn mất một khoảng thời gian cũng không hề ngắn.
Khi dự thảo hai thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT và số 20/2018/TT-BGDĐT công bố, dư luận xã hội và rất đông nhà giáo đã góp ý nội dung yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với giáo viên là không sát thực tế, không hợp lý, lợi bất cập hại, thêm gánh nặng cho nhà giáo, không có tác dụng trong thực tế... Các góp ý này không được ghi nhận, hai thông tư của Bộ GD-ĐT khi ban hành vẫn giữ quan điểm như dự thảo đã tạo nên sự không đồng thuận trong một bộ phận rất lớn giáo viên.
Dễ hiểu sự không đồng thuận đó nhanh chóng lắng xuống vì chỉ là ý kiến đơn lẻ và không được các chuyên gia của Bộ GD-ĐT chấp nhận. Thế nhưng, đến khi quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng phòng, phó phòng GD-ĐT ban hành, thì những bức xúc và sự không đồng thuận như được thêm dầu vào ngọn lửa âm ỉ tưởng như đã tắt. Bởi lẽ rất đơn giản, một câu hỏi đã được đưa ra: Tại sao với cấp dưới, với những người hằng ngày đứng trên bục giảng lại có yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn so với cấp trên của họ - những người làm nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, giám sát và hoạch định chiến lược cho chính họ?
Ở góc độ khoa học, lãnh đạo giữ các chức danh phó phòng, trưởng phòng, đặc biệt là phó giám đốc, giám đốc sở GD-ĐT sẽ thường xuyên dự hội thảo, tập huấn với các chuyên gia nước ngoài, tiếp xúc với các tài liệu nước ngoài, cũng là những người xây dựng chính sách phát triển GD-ĐT của địa phương, yêu cầu về ngoại ngữ phải cấp thiết, quan trọng hơn rất nhiều so với từng giáo viên. Hay đơn giản là phó phòng, trưởng phòng, đặc biệt là phó giám đốc, giám đốc sở GD-ĐT thường phải được lựa chọn từ những hiệu trưởng, nhà giáo xuất sắc nhất, nhưng chuẩn lại thấp hơn hoặc không có quy định cụ thể thì không thuyết phục.
Về vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, lãnh đạo phòng, sở GD-ĐT là công chức, đã có tiêu chuẩn ngoại ngữ theo quy định của Bộ Nội vụ. Điều này không giải tỏa được bức xúc của đội ngũ giáo viên. Bởi thực tế chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C theo quy định đó đã quá lạc hậu và cũng chỉ cần đóng khoản tiền nhỏ là có. Trong khi đó, yêu cầu với hiệu trưởng, giáo viên phải có chứng chỉ chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu (có 6 bậc A1, A2, B1, B2, C1, C2) cao hơn và khó đạt hơn rất nhiều.
Trong một ngành có những tiêu chuẩn khác nhau cho từng cấp bậc là điều bình thường. Nhưng cấp bậc cao hơn lại có tiêu chuẩn thấp hơn lại là không bình thường rồi.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cap-bac-cao-tieu-chuan-lai-thap-59239