Cấp bách các giải pháp phòng chống cúm gia cầm

Hiện nay, nguy cơ các chủng vi rút cúm gia cầm (CGC) và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh rất cao, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe của người dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng cùng các hộ, chủ trang trại chăn nuôi tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống CGC, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, tránh tổn thất về kinh tế.

Công tác tiêm phòng cho đàn gà được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Hoàng Hoa (Tam Dương) chú trọng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công tác tiêm phòng cho đàn gà được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Hoàng Hoa (Tam Dương) chú trọng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhiêu ngày lên tới hơn 40 độ C. Với những hộ chăn nuôi gà đẻ quy mô lớn như gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hải (xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên), việc duy trì các biện pháp chống nóng như phun nước lên mái; sử dụng hệ thống quạt mát, đảm bảo nhiệt độ trong chuồng nuôi ổn định; cung cấp đủ nước uống là rất quan trọng, bởi đàn gà có thể ốm, chết hoặc mắc nhiều bệnh nếu nhiệt độ quá cao.

Đặc biệt, công tác phòng dịch cho đàn gà luôn được gia đình bà chú trọng. Bà Hải tâm sự: "Gần 15 năm nay, tất cả vốn liếng của gia đình tập trung vào cả trang trại gà này, bởi vậy, gia đình tôi luôn chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh, nhất là phòng CGC, đảm bảo an toàn đàn gà".

Là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh với gần 10.000 hộ chăn nuôi; riêng đàn gia cầm có hơn 1,7 triệu con, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) luôn được các cấp chính quyền của huyện Tam Đảo quan tâm.

Ngay từ đầu năm 2023, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho GSGC và phun khử trùng tiêu độc (KTTĐ) môi trường chăn nuôi trên địa bàn; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các xã, thị trấn đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 10 ổ dịch CGC tại 7 tỉnh, thành phố làm chết và tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm.

Trên địa bàn Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay không xảy ra ổ dịch CGC, tuy nhiên, với tổng đàn gia cầm gần 12 triệu con, chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh còn phổ biến, kết hợp với thời tiết cực đoan, nắng nóng, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển nên nguy cơ dịch bệnh CGC phát sinh và lây lan là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch CGC trên gia cầm, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC theo Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, các biện pháp ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm...

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với vai trò đầu mối, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đặc biệt là bệnh CGC; các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi tiêu diệt mầm bệnh.

Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh CGC để kịp thời cảnh báo, phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy gia cầm mắc bệnh khi dương tính với vi rút CGC thể độc lực cao, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao các cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, các vùng ổ dịch cũ; phối hợp với lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường,... kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh.

Chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho GSGC và ngăn chặn dịch bệnh phát sinh lây lan trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa chăn nuôi phát triển ổn định, từ ngày 24/4/2023 - 24/5/2023, toàn tỉnh đã tổ chức triển khai tiêm phòng đợt I cho đàn GSGC.

Kết quả, trong đợt I/2023, đã thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm được hơn 3,3 triệu con, đạt 94,07% kế hoạch; trong đó, đàn gà quy mô từ 3.000 con trở xuống tiêm phòng được hơn 2,5 triệu con và đàn vịt, ngan tiêm được hơn 830 nghìn con.

Các huyện, thành phố đều đạt tỷ lệ tiêm phòng cao trên 90% kế hoạch. Tổ chức phun KTTĐ môi trường chăn nuôi cho 105.780 hộ chăn nuôi tại 1.151 thôn của 134 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù công tác tiêm phòng vắc xin được các hộ chăn nuôi thực hiện tốt; song trước những bất lợi của thời tiết, nắng nóng kéo dài cũng những nguy cơ cao dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh, hơn lúc nào hết, công tác phòng chống nắng nóng, dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho vật nuôi cần tiếp tục được duy trì, góp phần giữ ổn định và thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94627//cap-bach-cac-giai-phap-phong-chong-cum-gia-cam