Cấp bách cứu đàn lợn
Dịch tả lợn châu Phi không phải lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng lại đang lây lan nhanh, khó kiểm soát với số lượng lợn bị chết và tiêu hủy tăng cao mỗi ngày. Để cứu đàn lợn, người chăn nuôi khỏi tình cảnh trắng tay, các cấp, ngành và người dân cần nghiêm túc, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế, dập dịch.
Trắng chuồng, trắng tay là tình cảnh của nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh khi “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi quét qua. Cho đến hôm nay, anh Lý Hải Đường, thôn Tát Hạ, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) vẫn chưa thể tin chỉ sau 1 tuần, toàn bộ đàn lợn trên 50 con, trọng lượng 5.600 kg của gia đình bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Anh Đường chia sẻ: “Tôi vay tiền ngân hàng đầu tư phát triển chăn nuôi lợn quy mô hàng hóa tập trung, bao gồm lợn đực giống và lợn thịt. Gia đình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn lợn, nhưng không thành; bao mồ hôi, công sức, tiền của nay mất trắng, khó khăn lại thêm chồng chất. Tôi mong nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người chăn nuôi được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để tái đàn, phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác để phục hồi kinh tế”. Cùng chung cảnh ngộ với anh Đường là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Đức Toàn, thôn Bản Tát; Đỗ Xuân Điều, thôn Nà Chuồng, xã Linh Hồ và hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh hiện đều đang trắng chuồng, trắng tay với dư nợ hàng trăm triệu đồng tại ngân hàng. Đặc biệt có nhiều hộ có lợn bị dịch là hộ nghèo, cận nghèo nên cuộc sống càng khó khăn hơn.
Tính đến ngày 17.10, toàn tỉnh có 10.517 con lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy/1.350 hộ/268 thôn/66 xã/11 huyện, thành phố với trọng lượng 474.343 kg; trong đó nhiều nhất là huyện Vị Xuyên với 2.867 con/377 hộ/110 thôn/19 xã, trọng lượng tiêu hủy 121.807 kg; thành phố Hà Giang với 2.285 con/242 hộ/24 thôn/6 xã, phường, trọng lượng tiêu hủy là 103.918 kg; huyện Bắc Quang với 1.457 con/250 hộ/27 thôn/4 xã, trọng lượng tiêu hủy 68.760 kg.
Điều đáng quan tâm là mặc dù triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhưng số lợn bị mắc bệnh vẫn tăng cao mỗi ngày. Đơn cử như trong 2 ngày 14-15.10, toàn tỉnh có 374 con lợn bị bệnh, trọng lượng 15.793 kg; nhưng trong 2 ngày 16 - 17.10, số lợn bị bệnh tăng lên 552 con, trọng lượng 25.675 kg. Có 7 xã đã công bố hết dịch nhưng sau đó lại tái phát lợn mắc bệnh gồm: Phường Ngọc Hà, Quang Trung, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); các xã Ngọc Linh, Đạo Đức, Bạch Ngọc, Thuận Hòa (Vị Xuyên); nhiều xã tái phát nhiều lần; riêng xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) tình trạng lợn bị dịch kéo dài từ tháng 4 đến nay chưa được khống chế dứt điểm; toàn xã đã có hơn 1.100 con lợn bị chết và tiêu hủy, tổng trọng lượng hơn 58 tấn khiến người chăn nuôi điêu đứng.
Toàn tỉnh hiện có 566.670 con lợn, trong đó nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn hàng hóa quy mô từ 50 con trở lên. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 9 tháng qua đạt 28.689 tấn, tăng 3,49% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm trên 30%. Chăn nuôi lợn trở thành một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, giúp người dân ở nhiều địa phương nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đang khiến người chăn nuôi lao đao.
Để khống chế, dập dịch, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ thị chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Các địa phương thực hiện tiêu hủy bắt buộc số lợn chết, mắc bệnh và xử lý ổ dịch theo quy định. Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập 4 đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch tại cơ sở, phân công 11 cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các huyện, thành phố chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung ứng trên 27.250 lít hóa chất cho các địa phương tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Tất cả các huyện, thành phố triển khai đợt cao điểm tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Một số huyện ban hành chỉ thị triển khai các biện pháp khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi; thành lập đoàn công tác, phân công cán bộ phụ trách hỗ trợ các xã; kiện toàn tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia súc ra, vào địa bàn, bắt giữ, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm; bổ sung lực lượng Quản lý thị trường và Thú y vào các chốt kiểm dịch giáp danh các tỉnh bạn.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành huyện Vị Xuyên, Nguyễn Xuân Thực cho biết: “Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn; phối hợp xử lý 3 vụ vi phạm công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, thu nộp ngân sách nhà nước 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy 12 con lợn với trọng lượng 160 kg. Người dân muốn mua, bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn đều phải được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi và có xác nhận nơi đi, nơi đến để giết mổ theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT”.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, công tác phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong công tác phòng, chống dịch; công tác xử lý tiêu hủy lợn bị dịch chưa triệt để, không đảm bảo yêu cầu, đặc biệt là khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các hộ có dịch; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả khiến người dân không hợp tác trong phòng, chống dịch. Việc quản lý, vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm lợn có lúc, có nơi còn buông lỏng, tình trạng dấu dịch vẫn xảy ra; có tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường và bán tháo đàn lợn.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trịnh Văn Bình cho biết: “Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin để tiêm phòng. Vì vậy, để “cứu” đàn lợn, đảm bảo phát triển ổn định ngành Chăn nuôi, các cấp, ngành cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 2036/CT - CTUBND ngày 2.10.2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, không để tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”. Nghiêm túc tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, đảm bảo quy trình, không để phát tán mầm bệnh; siết chặt quản lý vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện “5 không” (Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi).
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202110/cap-bach-cuu-dan-lon-783443/