Cấp bách mở rộng hệ thống đường vành đai để giảm ùn tắc

Hệ thống đường vành đai của Hà Nội đang đóng vai trò là những tuyến giao thông huyết mạch, đảm nhận khối lượng vận tải lớn. Tuy nhiên, những trục đường vành đai, đặc biệt là vành đai 3 thường xuyên ở trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Tiếp tục mở rộng các tuyến đường vành đai, trong đó có vành đai 4 là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài để đáp ứng lưu lượng phương tiện ngày càng tăng của Thủ đô.

Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, đường vành đai 3 Hà Nội hiện nay đã có dấu hiệu mãn tải. Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội), lưu lượng xe trên tuyến đường vành đai 3 bình quân khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Nằm trên tuyến đường này, cầu Thanh Trì hiện đã vượt quá lưu lượng thiết kế khoảng 8 lần, mỗi ngày đón khoảng 120.000 xe qua cầu, trong khi thiết kế của cầu chỉ 15.000 xe/ngày đêm. Chính vì lưu lượng tăng cao, nhất là trong giờ cao điểm nên cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc, có những thời điểm tắc đường kéo dài hàng ki-lô-mét.

Đường vành đai 3 Hà Nội thường xuyên ùn tắc do lưu lượng phương tiên tăng cao.

Đường vành đai 3 Hà Nội thường xuyên ùn tắc do lưu lượng phương tiên tăng cao.

Để góp phần san sẻ lưu lượng, qua đó giúp giảm ùn tắc giao thông và tăng cường liên kết các địa phương xung quanh Hà Nội, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 Thủ đô. Tuyến đường có chiều dài 98km, quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng được xác định trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua Hà Nội có chiều dài hơn 53km, ngoài ra còn có đoạn qua tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Các đoạn tuyến này được tách thành những dự án độc lập, do từng địa phương huy động vốn để triển khai. Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm từ khi quy hoạch đường vành đai 4 được phê duyệt, tuyến đường này vẫn chưa thể hình thành. Nguyên nhân chính là do nguồn vốn khó khăn trong khi dự án có tổng mức đầu tư lớn. Nhiều địa phương còn chưa chủ động, lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án, làm cơ sở huy động nguồn lực.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội nhằm bảo đảm tính đồng bộ. Ban Quản lý dự án 2 được Bộ GTVT được giao nhiệm vụ và đang tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo ông Lê Thăng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, hiện nay, ban đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo. Sau đó, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này. Một trong những vấn đề đặt ra là cần tính toán thứ tự ưu tiên và xác định nguồn lực. Đường vành đai 4 sớm được triển khai sẽ góp phần rất lớn đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao năng lực vận tải cho hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/cap-bach-mo-rong-he-thong-duong-vanh-dai-de-giam-un-tac-653405