Cấp bách nhưng không được nóng vội

'Chúng tôi đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo cấp cao là phải tập trung rà soát, xây dựng để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực làm sao để có thể thông qua tại một kỳ họp', Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tại Phiên họp ngày 12.9 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lý do quyết tâm trình dự án Luật thông qua tại một Kỳ họp, theo Bộ trưởng, là bởi “đây là thời điểm có thể nói là thách thức với chúng ta về đáp ứng năng lượng cho đất nước trong tương lai”. Cụ thể là, chỉ còn 6 năm nữa chúng ta phải tăng gấp đôi công suất hiện nay và đến năm 2050, tức là 26 năm nữa phải tăng gấp 7 lần tổng công suất đặt hệ thống hiện nay. Đồng thời với việc tăng rất nhanh về quy mô, chúng ta cũng phải chuyển đổi rất mạnh về cơ cấu, thay vì nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch phải chuyển sang nguồn điện thân thiện với môi trường. “Và đây là một thách thức rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Tuy cấp bách như vậy, nhưng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vẫn còn rất nhiều vấn đề gây băn khoăn, trong đó, có những vấn đề rất lớn, mới, khó, phức tạp chưa được làm rõ, chưa đủ sức thuyết phục.

Rất nhiều nội dung của dự luật phải tiếp tục rà soát, làm rõ hơn như: lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư; phạm vi, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch điện lực; cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực; dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp; phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Hay với các quy định về lựa chọn nhà đầu tư; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc chậm lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện; các tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện (nguồn điện, lưới điện) thông qua phương thức đấu thầu; các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; chuyển đổi năng lượng; giấy phép hoạt động điện lực, miễn trừ giấy phép; thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện; hợp đồng mua bán điện; giá điện và giá các dịch vụ về điện; nguyên tắc, lộ trình xóa bỏ bù giá chéo; công khai, minh bạch về các loại giá…

Gần đây nhất, ngày 29.8 vừa qua, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chỉ có 4 đại biểu Quốc hội đăng ký, phát biểu ý kiến về dự luật quan trọng này. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu “khiêm tốn” như vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, “không phải vì dự luật đã rõ mà vì các tài liệu gửi đến gấp quá, nhiều vấn đề khó quá”. Và cả 4 đại biểu này đều bày tỏ băn khoăn về chất lượng dự án luật, thời gian để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội để có thể thông qua tại một kỳ họp.

Trong phiên họp sáng 12.9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã một lần nữa nhắc Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phải xem lại dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bởi dự luật này sửa đổi rất nhiều nội dung chứ không phải chỉ sửa một số điều. Theo quy định, dự luật phải được xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp Quốc hội, nhưng Chính phủ muốn thông qua tại một kỳ họp. “Chúng ta phải sửa làm sao để triển khai thực hiện được”. Nhấn mạnh quan điểm này, người đứng đầu cơ quan lập pháp cũng đặc biệt lưu ý “đừng dựa vào việc thiếu điện là do luật này”, nói “thiếu điện do những việc trong luật cản trở thì không phải. Đừng hợp thức hóa những điểm không đúng vào luật này”.

Đáp lại yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, “tinh thần chúng tôi sẽ cố gắng, trong 3 ngày vừa qua đã tập trung 90 người ở các cơ quan có liên quan để rà soát lần cuối cùng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và dự kiến đầu tuần tới sẽ trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội”.

Với quyết tâm như vậy, có thể trông đợi một sản phẩm chất lượng hơn sẽ được trình Quốc hội. Dù thế, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là cơ quan chủ trì thẩm tra và chính các đại biểu Quốc hội phải thực sự “khó tính” trong việc xem xét, quyết định dự luật này có thể thông qua theo quy trình tại một kỳ họp được hay không. Lập pháp không thể và không được phép nóng vội. Với những vấn đề khó, mới, phức tạp thì càng cấp bách càng phải được xem xét thấu đáo. Có như vậy luật ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kiến tạo sự phát triển và có tuổi thọ lâu dài.

Quỳnh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cap-bach-nhung-khong-duoc-nong-voi-post390494.html