Cấp bách sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Tại hai Cảng hàng không quốc tế (HKQT) lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tình trạng xuống cấp của đường cất, hạ cánh đã được cảnh báo từ nhiều năm nay.
Để bảo đảm an toàn hoạt động bay, việc sửa chữa đường cất, hạ cánh tại hai cảng hàng không này đang được cấp bách triển khai. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất và hiện đang khẩn trương lựa chọn nhà thầu.
Triển khai dự án theo yêu cầu khẩn cấp
Đi dọc đường cất, hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài, không khó nhận ra những vị trí được trám vá, thậm chí tại một số điểm, dấu vết bùn phụt lên bề mặt còn khá rõ. Tần suất khai thác ngày càng nhiều khiến đường băng ở Nội Bài vốn đã xuống cấp nay lại càng "oằn mình" trước trọng trách bảo đảm an toàn cho các chuyến bay. Tình trạng này cũng đặt ra áp lực lớn cho đơn vị chịu trách nhiệm về quản lý hệ thống hạ tầng khu bay. Theo ông Đinh Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài: Đối với những điểm hư hỏng trên mặt đường cất, hạ cánh, đường lăn, công tác khắc phục được thực hiện bằng nhiều loại vật liệu để tạo bề mặt êm thuận, còn với vị trí bị phụt bùn phải được gia cố nền. "Công tác duy tu, bảo dưỡng thông thường như chèn khe, sơn kẻ, chúng tôi triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường như kiểm tra trực quan thực tế ngày 4 lần, giám sát qua camera 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý vật ngoại lai hoặc các hư hỏng trên đường cất, hạ cánh, đường lăn”, ông Đinh Hoàng Lâm chia sẻ.
Bộ GTVT cho biết, từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất, hạ cánh, đường lăn của Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng. Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất, hạ cánh, đường lăn tại hai cảng hàng không này. Tình trạng hiện nay nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác bay, điều đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hàng không. Ngoài ra, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất, hạ cánh, đường lăn tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất càng đặt ra cấp bách do hệ thống hiện hữu không đáp ứng nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt 44 triệu hành khách/năm đối với Cảng HKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Trước yêu cầu cấp thiết cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn của Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Chính phủ đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 cho hai dự án tại hai cảng hàng không này và xác định đây là dự án đầu tư công khẩn cấp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước cho hai dự án. Bộ GTVT đã giao các đơn vị lập báo cáo khả thi và trên cơ sở đó, ngày 22-5-2020 đã có quyết định phê duyệt hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư hơn 4.046 tỷ đồng. Hiện nay, công tác lựa chọn nhà thầu đang khẩn trương thực hiện với mục tiêu khởi công dự án vào cuối tháng 6-2020, hoàn thành xây lắp trong năm 2021.
Bảo đảm vừa thi công, vừa khai thác
Một trong những yêu cầu quan trọng nhất khi tiến hành cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là vừa đáp ứng tiến độ, chất lượng, vừa bảo đảm an toàn khai thác. Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT): Đặc thù của các dự án này là vừa thi công, vừa khai thác. Do đó, Bộ GTVT giao nhiệm vụ trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị như: Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư), các cơ quan tham mưu, đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu để xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý nhất. Về tiêu chí lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị thi công phải có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật. Cụ thể, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, tiến độ của dự án và từng thi công công trình tương tự.
Nhìn nhận công tác khai thác sẽ gặp nhiều khó khăn khi dự án cải tạo, nâng cấp triển khai thi công, đại diện Cảng HKQT Nội Bài cho biết, về phía cảng hàng không cần được các đơn vị liên quan hỗ trợ trong tổ chức điều tiết máy bay cất, hạ cánh phù hợp với các giai đoạn thi công cụ thể để bảo đảm an toàn cho từng chuyến bay. Công tác bảo đảm an toàn bay luôn được xác định là yêu cầu số 1, vì vậy, quá trình thi công không thể để vương vãi vật liệu hay bất kỳ vật thể lạ nào trên đường băng. Hiện nay, Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất chủ yếu đón các chuyến bay nội địa khi hoạt động hàng không quốc tế đang được thắt chặt nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Đây là điều kiện để đẩy nhanh công tác sửa chữa, nâng cấp đường băng. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành hai dự án hạ tầng khu bay tại hai sân bay lớn nhất cả nước sẽ tạo cơ hội cho ngành hàng không nhanh chóng phục hồi, đón đầu việc mở cửa trở lại thị trường hàng không quốc tế.