Cấp chứng chỉ hành nghề cần có lộ trình, tránh gây xáo trộn cho nhà giáo

Đánh giá quy định chứng chỉ hành nghề giáo viên trong dự thảo Luật là cần thiết trong bối cảnh hội nhập, phát triển song PGS.TS Trần Văn Minh cho rằng, cần triển khai cẩn trọng, có lộ trình phù hợp, tránh gây ra xáo trộn cho nhà giáo.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và đại diện Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thảo luận. Ảnh: MOET.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và đại diện Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thảo luận. Ảnh: MOET.

Ngày 20/6, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Tại hội thảo, ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục Đào tạo) đại diện Ban soạn thảo đã thông tin về quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, các chính sách và điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật.

Đối với chính sách đào tạo, bồi dưỡng của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo, ông Đặng Văn Bình cho biết, mục tiêu của việc bồi dưỡng là cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất và năng lực nhà giáo; cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng chuẩn nhà giáo; bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; bồi dưỡng năng lực quản trị cơ sở giáo dục; bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Quyền lợi của nhà giáo khi đi đào tạo, bồi dưỡng được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà giáo là được tạo điều kiện về thời gian, thời gian đi học (nếu được cử) được tính là thời gian công tác liên tục; được chi trả kinh phí khi đi bồi dưỡng bắt buộc, tự chọn; được sử dụng kết quả đào tạo, bồi dưỡng trong đánh giá,...

Bên cạnh quyền lợi, dự thảo Luật cũng quy định nghĩa vụ của nhà giáo là tham gia học tập đầy đủ, chấp hành nội quy, có ý thức học tập liên tục và vận dụng kết quả đào tạo, bồi dưỡng vào hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định trách nhiệm của các cơ quan trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Trong đó, Chính phủ có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm; chính sách đào tạo, phát triển nhà giáo thành nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm; quy chế, chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc, tự chọn; xây dựng nguồn học liệu mở… Cơ quan quản lý giáo dục ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền. Cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng…

Về hợp tác quốc tế đối với nhà giáo trong dự thảo Luật, mục tiêu là nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế nhà giáo Việt Nam, hội nhập quốc tế. Phạm vi quy định là nhà giáo ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi hoc thuật và nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật.

Theo PGS.TS Trần Văn Minh - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm thuộc Trường Đại học Cần Thơ, ngoài khái niệm, định nghĩa về nhà giáo, trong dự thảo Luật nên có khái niệm về “nghề giáo” - bởi khi nhắc tới khái niệm “nghề giáo” sẽ có cảm xúc, cái tình trong đó và nhìn từ đó mới thấy hết chức trách nhà giáo, thiêng liêng hơn.

Đánh giá quy định chứng chỉ hành nghề giáo viên trong dự thảo Luật là cần thiết trong bối cảnh hội nhập, phát triển song PGS.TS Trần Văn Minh cho rằng, cần triển khai cẩn trọng, có lộ trình phù hợp, tránh gây ra xáo trộn cho nhà giáo.

Cũng góp ý về chứng chỉ hành nghề giáo viên, TS Bùi Thanh Thảo - Trưởng Khoa Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm khái niệm của chứng chỉ hành nghề, đối tượng được cấp và nội dung sát hạch.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ còn có một số ý kiến đề xuất khác về chứng chỉ hành nghề như: thời hạn cấp chứng chỉ, sự tương thích giữa chứng chỉ hành nghề của Việt Nam với khu vực và quốc tế, việc cấp chứng chỉ với đối tượng thỉnh giảng, giáo viên gián đoạn thời gian công tác trong ngành Giáo dục…

Cùng với đó là các ý kiến góp ý xung quanh các quy định, nội dung về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên; quyền, trách nhiệm của nhà giáo; lương của nhà giáo để đảm bảo nhà giáo yên tâm cống hiến với nghề; điều khoản thi hành liên quan đến việc áp dụng Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục đại học…

Các ý kiến góp ý tại hội thảo đã được Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo tiếp thu để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện phù hợp.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cap-chung-chi-hanh-nghe-can-co-lo-trinh-tranh-gay-xao-tron-cho-nha-giao.htm