Cấp chứng nhận cho 1 công ty Trung Quốc đầu tư dự án thuộc danh mục cấm
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk cấp chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư dự án nằm trong danh mục cấm.
Ngày 5-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp (BQLKCN) tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận ban này đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất sợi Đắk Lắk (có công đoạn nhuộm) tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú nhưng nằm trong danh mục cấm.
Dự án cấm đầu tư vào KCN
Việc dự án trên nằm trong danh mục cấm đầu tư vào KCN Hòa Phú do Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú (Công ty Hòa Phú, thuộc BQLKCN tỉnh Đắk Lắk) phát hiện.
Trước đó, tháng 3-2023, ông Phạm Văn Tịch, Trưởng BQLKCN tỉnh Đắk Lắk, ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ LuGang Việt Nam (viết tắt là Công ty Lugang Việt Nam, 100% vốn Trung Quốc) đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất sợi Đắk Lắk. Dự án có công suất khoảng 6.800 tấn/năm, tổng mức đầu tư 473 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý 2-2024.
Tiếp đó, Công ty Hòa Phú ký hợp đồng cho Công ty Lugang Việt Nam thuê 2,8 ha trong KCN Hòa Phú.
Sau đó, doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các thủ tục thỏa thuận đấu nối xử lý nước thải tại KCN Hòa Phú. Đồng thời, trình Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, tháng 4-2023, Công ty Hòa Phú phát hiện dự án trên thuộc danh mục dự án cấm đầu tư vào KCN Hòa Phú. Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk cấm các dự án nhuộm đầu tư vào KCN Hòa Phú.
Mặt khác, lượng nước thải phát sinh của tại dự án Nhà máy Sản xuất sợi Đắk Lắk không thể tiếp nhận nước thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN.
Theo ông Trần Đức Quang, Phó giám đốc Công ty Hòa Phú, dự án Nhà máy sản xuất sợi Đắk Lắk (có công đoạn nhuộm), dự kiến lượng nước thải phát sinh của nhà máy này hơn 3.100 m3/ngày đêm. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN chỉ có công suất 2.900 m3/ngày đêm.
“Hiện nay, Công ty Hòa Phú đang xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN khoảng 700 m3/ngày đêm. Phần còn lại khu xử lý nước thải của chúng tôi chỉ đủ xử lý cho 2.000- 2.200 m3/ngày đêm. Do đó, Công ty Hòa Phú không thể tiếp nhận dự án Nhà máy sản xuất sợi Đắk Lắk vào KCN này”- ông Quang nói.
Sẽ xử lý thế nào?
PV nêu câu hỏi vì sao trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lugang Việt Nam, BQLKCN tỉnh Đắk Lắk không phát hiện đây là dự án nằm trong danh mục cấm đầu tư vào KCN Hòa Phú.
Đại diện BQLKCN tỉnh Đắk Lắk, giải thích: “Công ty Lugang Việt Nam không đầu tư trực tiếp ở KCN mà mua lại cơ sở hạ tầng của một đơn vị khác. Việc chuyển nhượng này được pháp luật cho phép. Sau khi mua tài sản đó, Công ty Lugang Việt Nam mới làm thủ tục để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi đó, mới phát hiện dự án nằm trong danh mục cấm".
BQLKCN tỉnh Đắk Lắk sẽ xử lý dự án này như thế nào? Đại diện BQLKCN tỉnh Đắk Lắk cho biết, BQLKCN đã cử cán bộ chuyên môn làm việc với doanh nghiệp để điều chỉnh dự án theo tham vấn về môi trường của Công ty Hòa Phú. Khi nào doanh nghiệp điều chỉnh dự án cho phù hợp mới được tiếp tục đầu tư trong KCN Hòa Phú.
Còn theo ông Hoàng Văn San, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, hiện sở chưa thể tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án vì chưa đảm bảo tính pháp lý.
Cũng theo ông San, Công ty Lugang Việt Nam phải làm lại hồ sơ, trong đó tính toán lượng nước thải để có sự điều chỉnh phù hợp; đồng thời cam kết xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vào hệ thống xử lý chung. “Đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa nộp lại hồ sơ cho Sở TN&MT"- ông San cho hay.
Theo một số nguồn tin, Công ty Lugang Việt Nam đã tổ chức động thổ dự án trên tại KCN Hòa Phú hôm 24-6. Vị trí đặt nhà máy nằm sát sông Sêrêpốk, giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nói ông chưa nhận được bất cứ văn bản nào báo cáo liên quan đến việc dự án Nhà máy Sản xuất sợi Đắk Lắk của Công ty Lugang Việt Nam nằm trong danh mục cấm đầu tư vào KCN Hòa Phú. “Tôi chưa nắm được thông tin này”- ông Hà nói.