'Cấp cứu' ngành y
Hiện tại, các bệnh viện lớn trên cả nước 'gần như đã hết' vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Thực tế mà GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ trong tọa đàm gần đây cho thấy, những vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm trang thiết bị, vật tư của ngành y vẫn chưa được giải quyết rốt ráo sau thời gian tương đối dài.
Là bệnh viện hạng đặc biệt, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú, 2.000 bệnh nhân đến khám và thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, vì thiếu vật tư, hóa chất, từ ngày 1.3, Bệnh viện sẽ hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu; sẽ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết.
Từ năm 2015, do không được cấp ngân sách để mua sắm thiết bị, máy móc xét nghiệm, Bệnh viện Việt Đức đã đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó, các công ty sẽ đặt máy để sử dụng hóa chất đó. Tuy nhiên, năm 2022, việc sử dụng máy mượn, máy đặt bị tạm dừng do chưa có quy định nào về việc này, dẫn tới rất nhiều khó khăn. Tháng 11.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP để tháo gỡ, song Nghị quyết này chỉ cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn của các hợp đồng ký trước tháng 11.2022.
Vì vậy, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức máy mượn, máy đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, một số hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị như công thức máu, đông máu... đã hết số lượng thầu. Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn nên Bệnh viện không thể mua sắm. Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã họp rất nhiều lần để tìm cách tháo gỡ nhưng phương án nào cũng “tắc” vì nguy cơ vi phạm pháp luật hoặc chưa có quy định.
Cũng vì không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu… Từ 10 năm nay, máy móc, trang thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai sử dụng chủ yếu qua cơ chế xã hội hóa liên doanh liên kết, máy mượn, máy đặt và phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp vật tư hóa chất của các doanh nghiệp. Hiện nay, các hợp đồng và thông tư về liên doanh, liên kết đã hết hiệu lực; văn bản mới chưa có. Vì vậy, Bệnh viện không thể tái ký hợp đồng, cũng không thể ký các hợp đồng mới. Mua sắm thiết bị thì Bệnh viện không có nguồn và cũng đang vô cùng khó khăn về tài chính do giá khám chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ.
Tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất kéo dài cả năm nay, đến giờ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, khiến cả cơ sở y tế và bệnh nhân khổ sở trăm bề. Vướng mắc ở đâu thì đã rõ! Tuy nhiên, tiến trình sửa đổi, ban hành chính sách mới về mua sắm, đấu thầu, quản lý trang thiết bị y tế; đặc biệt là các vấn đề thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm… sau một thời gian dài vẫn chưa có kết quả cụ thể! Trước sự chậm trễ này, không thể không đặt câu hỏi: khó khăn, vướng mắc thực sự ở đây là gì?
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, gọi tình trạng thiếu vật tư, hết hóa chất là “cấp cứu của cấp cứu”, với mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan sớm có giải pháp. Thực tế, “cấp cứu” ngành y trong vấn đề này không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, cho đội ngũ nhân viên y tế mà đằng sau đó là sức khỏe, là sinh mệnh của người dân. Ông cha ta có câu “cứu người như cứu hỏa”, giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm... cũng cần khẩn trương như thế!
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cap-cuu-nganh-y-i317239/