Cấp cứu tai nạn trong những ngày Tết
Tiếng máy thở kêu 'tít tít' liên tục, tiếng khóc sụt sịt, ánh mắt lo lắng của người nhà bệnh nhân trong phòng Hồi sức 1, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) là nỗi ám ảnh mỗi khi chúng tôi khi tới đây.
Trong 9 ngày Tết Nhâm Dần, ca mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức ngang với ngày thường, có tới 72% ca nhập viện là do TNGT, 21% là tai nạn sinh hoạt. Các kíp trực làm việc 24/24h, không phút nghỉ ngơi.
Vẫn có TNGT do rượu bia
Chúng tôi tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức vào ngày 6/2 (mùng 6 Tết) khi Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc chìm trong mưa rét. Có lẽ vì thế mà phần lớn các ca vào cấp cứu tại đây là TNGT, chủ yếu do người điều khiển xe máy tự ngã vì đường trơn.
TS.BS Lê Nguyên Vũ, Trưởng tua trực cấp cứu Bệnh viện Việt Đức ngày 6/2 cho biết, từ sáng đến chiều cùng ngày, Bệnh viện tiếp nhận 40 ca vào cấp cứu, trong đó 56% là TNGT, có nhiều ca chấn thương nặng như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy cổ, tay chân… Bệnh nhân phần lớn được chuyển từ các tỉnh quanh Hà Nội như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hưng Yên...
Phòng Hồi sức 1 có 8 giường bệnh nhân nặng, nguy kịch đều kín chỗ, trong đó có 6 giường là bệnh nhân TNGT, còn lại là tai nạn sinh hoạt. Trong số bệnh nhân TNGT ở đây có ông Lê Văn Hòa (64 tuổi, trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên) được chuyển lên từ tuyến dưới lên trong tình trạng chấn thương nặng hàm mặt. Các bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận, bệnh nhân lơ mơ, kích thích vật vã, đặt nội khí quản, theo chẩn đoán từ tuyến dưới máu tụ, chấn thương sọ não.
Chăm bố tại giường bệnh, con rể ông Hòa cho biết, ông vốn làm bảo vệ cho một công ty. Sáng 6/2, tan ca trực đêm, ông Hòa cùng anh em trong ca ăn bữa sáng và có uống rượu. Do trời mưa rét, mệt mỏi vì trực đêm, cộng với việc uống rượu, khi điều khiển xe máy ông đã tự đâm vào cột mốc bên đường gây chấn thương sọ não.
Ông được người dân phát hiện đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) để cấp cứu. “Quá giờ trưa không thấy ông về, sau đó gia đình mới biết thông tin ông bị TNGT thông qua Facebook. Khi đến bệnh viện các bác sĩ chỉ định phải chuyển ông lên Bệnh viện Việt Đức vì tình trạng rất nặng", con rể ông Hòa lo lắng cho biết.
BS Lê Nguyên Vũ cho hay, trong ngày 6 Tết, tỷ lệ bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu giảm hơn so với năm trước, tỷ lệ sử dụng rượu bia cũng giảm hơn có lẽ do dịch bệnh, người dân ít tập trung ăn uống và ra ngoài.
Tuy nhiên, những ngày Tết trước đó, vẫn có bệnh nhân bị TNGT sử dụng rượu bia. Vào ngày 30 Tết, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân 33 tuổi (trú tại TP Thái Nguyên) được chuyển lên từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào 21h ngày 30/1 trong tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt.
Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 22h ngày 29/1, gia đình nhận được điện của người đi đường báo người thân bị TNGT, tự ngã. Cấp cứu tại tuyến tỉnh, các bác sĩ xác định bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu, sau khi cấp cứu với tiên lượng dè dặt, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức để can thiệp. Tại đây, bệnh nhân được xác định chấn thương sọ não, được chỉ định mổ lấy máu tụ trong não…
Theo BS. Phạm Gia Anh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, dù cps Nghị định 100 nhưng số lượng các ca tai nạn có liên quan đến rượu bia phải cấp cứu tại bệnh viện giảm không quá nhiều, có lẽ bởi đây là bệnh viện tuyến cuối.
Nhiều tai nạn sinh hoạt hy hữu
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong 9 ngày Tết Nguyên đán, bệnh viện tiếp nhận 767 ca khám cấp cứu, trong đó có 398 ca TNGT, 11 ca tai nạn do đánh nhau, 213 ca tai nạn sinh hoạt, 15 ca tai nạn do pháo nổ…
Trung bình mỗi ngày, bệnh viện mổ cấp cứu 20 ca (ngày mùng 1 Tết mổ 27 ca), cao ngang ngày thường; 12 trường hợp tử vong, nặng xin về. Số lượt khám chữa bệnh cao, hơn một nửa số ca khám cấp cứu phải nhập viện. Hầu hết cấp cứu và nhập viện là các ca TNGT hoặc tai nạn sinh hoạt, lần lượt với tỷ lệ 56,3% và 30,1%.
Trong những ngày Tết ngoài TNGT, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn hy hữu trong sinh hoạt. Chiều 6/2 khi có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến ca tai nạn sinh hoạt hết sức thương tâm. Bệnh nhân là một cô gái trẻ được sơ cứu từ Bắc Giang chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, đồng tử hai bên giãn, chấn thương sọ não rất nặng.
Đi cùng bệnh nhân là 2 người nhà hớt hải, mắt đỏ hoe thông tin với bác sĩ, cô gái bị ngã từ tầng 2 xuống cách đây hơn 1 tiếng. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, sử dụng thuốc… cho bệnh nhân, song tình trạng của cô gái tiên lượng rất nguy kịch.
Các BS cho biết, các ca tai nạn sinh hoạt vào cấp cứu rất đa dạng, đơn cử như trường hợp ông Phan Văn Kiến (57 tuổi, trú tại Sơn Tây, Hà Nội), không may ngã vào dao nhọn, bị đâm vào cánh tay trái. Khi thăm khám, bệnh nhân được xác định mạch quay trụ khó bắt, đầu chi lạnh, ngón tay hạn chế vận động, gây tổn thương mạch...
Để đảm bảo cho khám và mổ cấp cứu trong những ngày Tết, Bệnh viện Việt Đức đã tăng cường quân số ứng trực 350 người, đề phòng sự cố đột xuất, hoặc tai nạn thảm họa. Bệnh viện duy trì sẵn sàng 5 bàn mổ cấp cứu, đội ngũ bác sĩ trực cấp cứu có chuyên môn mổ các khoa khoảng 20 người.
Ngoài lực lượng cơ hữu còn khoảng 20 học viên nội trú, chưa kể đội gây mê hồi sức… đáp ứng cùng 1 lúc 5 phòng mổ. Bệnh viện còn tổ chức 2 lực lượng sẵn sàng cấp cứu ngoại viện và đội cơ hữu tại bệnh viện sẵn sàng huy động tua trực, ngoài tua trực triển khai ca mổ hàng loạt. Rất may trong những ngày Tết không có sự cố thảm họa nào xảy ra.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/cap-cuu-tai-nan-trong-nhung-ngay-tet-i643395/