Cặp đôi bỏ phố về ngọn đồi không điện lưới, dựng 'Đà Lạt thu nhỏ' đẹp mê hồn
'Phải lòng' những căn homestay nằm giữa thảo nguyên hoa ở Đà Lạt, vợ chồng trẻ Thanh Hóa đã quyết định 'rời phố về quê' để tự tạo không gian Đà Lạt thu nhỏ cho riêng mình.
Trước đây, cứ có thời gian rảnh, vợ chồng Lê Hương (26 tuổi, Thanh Hóa) lại rong ruổi khắp các địa điểm du lịch trong nam ngoài bắc. Hai vợ chồng từng đi xe máy vượt quãng đường hàng ngàn km từ Cà Mau về Hà Giang để thăm thú cảnh đẹp đất nước. Sau này khi có con gái nhỏ, niềm yêu thích xê dịch phải tạm gác lại.
Một trong những địa điểm khiến Hương yêu thích nhất, chính là Đà Lạt, nơi có không khí trong lành, quanh năm ngát hương hoa. “Mình rất yêu Đà Lạt và mê những homestay nằm giữa đồi hoa ở đó.
Tuy nhiên, vợ chồng mình không đủ điều kiện để vào Đà Lạt sinh sống hay du lịch thường xuyên nên muốn tự tạo một Đà Lạt thu nhỏ cho riêng mình và để con gái được trải nghiệm cuộc sống gần gũi thiên nhiên!”, Hương chia sẻ về lí do rời thành phố về sống ở vùng đất đồi không điện lưới, sóng điện thoại chập chờn.
Cách đây 4 năm, bằng số tiền tích góp, vợ chồng Lê Hương quyết định mua mảnh đất đồi rộng 2ha ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Từ 2ha đồi trọc, không một bóng cây vợ chồng Hương dần phủ kín bằng những hàng cây ăn trái, khu trồng hoa, trồng rau, ao cá, khu nuôi ong, nuôi gà…
Vợ chồng Hương vốn có một studio khách tại thành phố Thanh Hóa. Trong khi Hương là chuyên gia trang điểm thì chồng là người đảm nhận khâu quay phim/chụp hình.
“Dịch Covid-19 ập tới khiến công việc của vợ chồng mình trở nên khó khăn. Đây cũng là thời điểm mình sinh em bé đầu lòng. Một ngày đẹp trời, vợ chồng mình bảo nhau đưa con về đồi một thời gian vừa để giãn cách xã hội vừa để giải tỏa căng thẳng cho mình sau khi sinh”, Hương tâm sự.
Khi trở về sống trên đồi, tuy điều kiện có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng gia đình nhỏ lại được hưởng không khí trong lành, dễ chịu. “Trước đây, vợ chồng mình bàn với nhau sẽ đưa con đi xuyên Việt để trải nghiệm những cảnh đẹp đất nước rồi mới về đồi sinh sống. Nhưng hiện giờ, mình thấy việc về đồi sớm là quyết định chính xác của hai vợ chồng”, Hương bộc bạch.
Khu đồi của vợ chồng Hương nằm cách trung tâm thành phố hơn 70km, cách khu dân cư và đường quốc lộ gần 3km. Trong đó, 3km đường rừng từ khu dân cư vào nông trại rất khó đi, gập ghềnh.
“Ở đây không có hệ thống điện lưới, sóng điện thoại rất yếu. Vợ chồng mình sử dụng các nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió hoặc dùng máy phát khi cần.
Chúng mình cũng chưa khoan giếng thành công nên sử dụng chủ yếu nước từ con suối lớn đầu nguồn ngay gần farm”, Hương cho biết.
Ngay sau khi mua mảnh đất, vợ chồng Hương đã trồng cây lâu năm và cây ăn quả như xoài, vải, nhãn, mãng cầu, cóc, ổi... Khi từ phố về đồi, họ đào thêm ao thả cá, làm chuồng nuôi gà, dựng thêm vườn rau, vườn hoa, trồng cây ngắn ngày như ngô, đậu để tự cung tự cấp.
Vợ chồng Hương canh tác hoàn toàn không sử dụng chất hóa học, phân bón trừ sâu. Khi những cây hồng cổ bị sâu, bọ trĩ “tấn công”, Hương cặm cụi bắt sâu, cắt bỏ bông bị trĩ cắn. Cô chuyên gia makeup giờ đã thành thục ủ phân, ủ dịch chuối để bón cho cây. “Lúc mới về thì cũng buồn vì cảnh hoang vu, trống vắng quá. Chỉ riêng 2 vợ chồng với 1 cô con gái giữa đồi núi”, Hương nhớ lại.
Có những giai đoạn, cô khủng hoảng vì chưa thích nghi được cuộc sống trên đồi. Công việc tại nông trại những ngày đầu mới xây dựng quá nhiều khiến gia đình nhỏ vừa làm việc vừa chăm con nhỏ tất bật làm từ sáng tới muộn.
“Mình không còn nhớ tới ngoại hình của mình nữa, cho dù trước đó, vốn là chuyên gia trang điểm nên mình rất để ý tới ngoại hình”, Hương nói. “Nhưng nay thì chẳng muốn đi đâu nữa”, Hương bật mí.
Ngôi nhà nhỏ ấm ấp, nằm giữa những vườn hoa nhiều màu sắc. Mỗi sáng, mở cánh cửa bước ra, Hương đều cảm thấy như mình đang ở một homestay nghỉ dưỡng nào đó.
Hiện, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 2 vợ chồng vẫn không quá lo lắng về kinh tế hay nguồn thực phẩm. Gia đình nuôi hơn 200 con gà cho trứng và thịt; ao có cá; vườn có đủ loại rau, củ, cây gia vị. Hương tự làm đậu phụ, giá đỗ để thay đổi bữa ăn hàng ngày. “Dịch Covid khiến mình cảm thấy việc trở về với thiên nhiên, sống thuận tự nhiên là đúng đắn”, Hương chia sẻ.
Mỗi ngày, vợ chồng Hương cùng nhau chăm sóc khu vườn từ 6 - 7h30 sáng và 5 - 6h:30 chiều. Ngoài chăm sóc nông trại, Hương cùng chị gái vẫn duy trì công việc thiết kế, may, thêu quần áo và bán hàng online. Trong khi đó, chồng và anh trai Hương quản lý, nhận lịch chụp, quay tiệc ngay tại trang trại cho khách hàng.
“Trước đây mình nghĩ, chỉ những chuyến du lịch xa mới mang lại cảm giác mới mẻ, thú vị nhưng hóa ra, nếu mình biết cách thì mình có thể biến không gian sống của gia đình trở thành nơi du lịch lý tưởng”, Hương tâm sự. “Tất nhiên, khi con lớn, chúng mình sẽ đưa con đến thăm Đà Lạt thật sự cũng như tiếp tục khám phá những địa điểm đẹp của Việt Nam”, cô chia sẻ thêm.
Linh Trang (Ảnh: NVCC)