Cấp giấy đi đường trong thời điểm giãn cách xã hội: Linh hoạt và chặt chẽ
Đối tượng nào được cấp giấy đi đường trong thời điểm giãn cách xã hội tiếp theo, đặc biệt tại vùng 1 (vùng đỏ), quy trình cụ thể ra sao…, dường như là một vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của không ít người dân Hà Nội trong mấy ngày qua. Bởi trước yêu cầu cao hơn trong phòng chống dịch, việc siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng, nhưng lại không gây khó cho tổ chức, cá nhân và quá tải khi đổ dồn lên một nhóm cơ quan chức năng là vấn đề rất quan trọng.
Sau khi Công an TP chính thức đưa ra quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng 1, những băn khoăn đều được cởi bỏ.
Quy trình cấp giấy đi đường của TP Hà Nội lần này nhận được sự đồng tình lớn của người dân bởi chặt chẽ nhưng rất linh hoạt, thuận lợi cho cán bộ, công chức và những người phải làm việc cấp thiết cũng như hạn chế được người ra đường. Đã không còn sự lúng túng, lo lắng trong dư luận khi quy trình cấp được “chia” cho các cấp quản lý sát thực của từng đối tượng. Đối tượng nào được cấp, thẩm quyền ra sao, quy trình gồm những bước gì đều được quy định rõ. Những trường hợp không cần giấy đi đường mà chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm căn cước công dân cũng được quy định cụ thể để tránh lo lắng trong dự luận… Có thể nói rằng, việc “rõ người, rõ việc” này sẽ siết chặt các kẽ hở, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp.
Sau 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn TP, các quy định về phòng chống dịch của TP đã được người dân thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả thực tiễn. Tuy nhiên, số người ra đường vẫn còn đông, trong đó có không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích; thậm chí là “lách luật” cấp khống cho các đối tượng không thuộc sự quản lý, làm giả giấy đi đường… đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch. Việc Hà Nội tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là cần thiết, trong đó, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT - TTg, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với vùng 1 phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.
Cùng với các chốt, lực lượng chức năng ứng trực để kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, việc làm chắc ngay từ khâu đầu tiên là cấp giấy đi đường là một yêu cầu hết sức cấp thiết, để tránh tình trạng lạm dụng quy định, cấp giấy tràn lan cho cả các trường hợp không được phép. Đồng thời, nhưng nhiều ý kiến nhận định, việc quy định rõ Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP cấp giấy đi đường đối với nhóm các tổ chức, DN thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu; công an xã, phường, thị trấn cấp cho nhóm các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ, công ích thiết yếu, với các bước chặt chẽ, thông suốt qua phần mềm là rất đúng. Bởi đây là những đơn vị sát tình hình địa bàn, có thể rà soát kỹ lưỡng, cấp đúng người, đúng đối tượng, tránh được sự tràn lan, tự ý cấp như trước đây.
Với việc chặt chẽ, rõ ràng như vậy sẽ hạn chế được số người ra đường không cần thiết trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội tiếp theo. Tuy nhiên, cùng với việc siết chặt việc cấp giấy đi đường cho người dân, việc nâng cao trách nhiệm của từng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch cũng quan trọng không kém. Chỉ có sự chặt chẽ, đồng bộ ở mọi khâu và sự tuân thủ nghiêm các quy định của người dân mới không lãng phí thời gian giãn cách xã hội.