Cấp huyện dừng hoạt động, khi nào phải bàn giao lại trụ sở, tài sản?
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, các đơn vị phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách... cho đơn vị có thẩm quyền.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự kiến từ ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (1/7), các đơn vị này phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.
Việc này nhằm bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Dự luật đề nghị chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính…
Công trình cấp huyện đang dang dở, cấp xã sẽ tiếp tục thực hiện
Các công trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện đang thực hiện nếu đến thời điểm ngày 1/7 mà vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết thì chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công UBND cấp xã nơi có công trình, dự án đầu tư tiếp tục thực hiện.
Trường hợp công trình, dự án đầu tư có liên quan đến 2 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp trở lên hoặc vượt quá thẩm quyền thực hiện của chính quyền địa phương cấp xã thì chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình tiếp tục thực hiện.
Các công việc, hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương cấp huyện đang giải quyết cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nếu đến thời điểm ngày 1/7 vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết thì chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương cấp xã nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở giao dịch của tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục giải quyết.
Trường hợp nội dung công việc, hồ sơ thủ tục hành chính đó liên quan đến 2 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp trở lên hoặc có nội dung phức tạp thì chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình tiếp tục giải quyết.

Từ ngày 1/7, 696 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ dừng hoạt động. Ảnh: Hoàng Hà
Cách xử lý văn bản cấp huyện ban hành sau khi dừng hoạt động
Các văn bản của HĐND, UBND, chủ tịch UBND cấp huyện được ban hành trước ngày 1/7, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
Trường hợp văn bản của HĐND cấp huyện ban hành trước ngày 1/7 không còn phù hợp thì HĐND cấp tỉnh bãi bỏ. Văn bản của UBND cấp huyện được ban hành trước ngày 1/7 không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh bãi bỏ.
Văn bản của chủ tịch UBND cấp huyện được ban hành trước ngày 1/7 mà không còn phù hợp thì chủ tịch UBND cấp tỉnh bãi bỏ.
Trường hợp văn bản của HĐND xã, phường, thị trấn được ban hành trước ngày 1/7 mà không còn phù hợp thì HĐND cấp xã tiếp nhận và quản lý địa giới đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn đó bãi bỏ. Văn bản của UBND xã, phường, thị trấn được ban hành trước ngày 1/7 mà không còn phù hợp thì UBND cấp xã tiếp nhận, quản lý địa giới đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn đó bãi bỏ.
Văn bản của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn được ban hành trước ngày 1/7 mà không còn phù hợp thì chủ tịch UBND cấp xã tiếp nhận, quản lý địa giới đơn vị hành chính của xã, phường, thị trấn đó bãi bỏ.
Dự luật cũng nêu rõ, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã quy định.
Cũng từ ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc khu vực hải đảo được chuyển thành đặc khu theo quy định.
Dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới đây.
Hiện tại, cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, trong số đó có 85 thành phố thuộc tỉnh, 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gồm TP Thủ Đức và TP Thủy Nguyên), 52 thị xã, 49 quận và 508 huyện.