Cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản: Minh bạch sản phẩm trên thị trường
Hơn 13.000 cơ sở cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn
(HNM) - Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch 02/KH-UBND ngày 3-1-2018 của thành phố Hà Nội về duy trì phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp… Qua đó, giúp người tiêu dùng kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm; đồng thời, nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.
Người sản xuất và tiêu dùng đều hưởng lợi
Hệ thống triển khai thí điểm dán tem điện tử bằng mã QRcode đầu tiên của Hà Nội thực hiện tại 82ha “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Theo ông Đỗ Văn Thủy ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), do quản lý tốt bằng tem truy xuất, sản phẩm bưởi của Đan Phượng không bị trà trộn với các sản phẩm khác, giá bán 50.000 đồng/quả, tăng hơn 10.000 đồng/quả khi chưa dán tem.
Không chỉ người sản xuất được lợi trong việc dán tem điện tử bằng mã QRcode mà còn là cơ hội để người tiêu dùng được sử dụng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo bà Nguyễn Thị Hương Ngọc ở quận Thanh Xuân, mỗi lần mua hàng tại siêu thị bà chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QRcode là biết được nguồn gốc, xuất xứ của từng sản phẩm như: Tên sản phẩm, tên doanh nghiệp, thời gian sử dụng, ngày sản xuất… Những thông tin này giúp bà yên tâm hơn về những sản phẩm trên thị trường.
Về hiệu quả của công tác phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, toàn thành phố đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho gần 2.530 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn… Cùng với đó, các cơ quan chức năng thành phố đã cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho 495 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” với tổng bộ mã truy xuất được quản lý là hơn 5.900 mã sản phẩm, tăng 2.700 mã sản phẩm so với cuối năm 2018. Trong đó, hơn 600 mã sản phẩm có nguồn gốc từ 30 tỉnh, thành phố (tăng 200 mã sản phẩm và 9 tỉnh, thành tham gia hệ thống so với cuối năm 2018). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn thí điểm thiết lập 5 điểm truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản tại các điểm trưng bày sản phẩm ở chợ đầu mối Minh Khai, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, siêu thị Vinmart, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt)…
“Việc cấp mã tài khoản quản trị cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản được coi là giải pháp hữu hiệu trong truy xuất nguồn gốc nông sản với chức năng kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử kết nối cung - cầu; đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Tiếp tục hỗ trợ sản xuất
Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc; minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt 30-50%. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Biggreen Việt Nam, để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc đối với nông sản, các địa phương cần làm tốt khâu tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm nông sản trên thị trường, cần lựa chọn sản phẩm có tem nhãn, logo xác nhận của doanh nghiệp nhằm tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) Phạm Thị Lý cho hay, để phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các cơ quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia, cập nhật thông tin về sản phẩm hàng hóa lên hệ thống, cấp mã truy xuất cho sản phẩm và doanh nghiệp. Cùng với đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây và giám sát chất lượng an toàn thực phẩm nông sản tại các chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại…
Về lĩnh vực này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: "Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản có lợi thế từng địa phương. Mặt khác, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc, trong đó trọng tâm là thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương khuyến khích người tiêu dùng ứng dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản an toàn từ thiết bị di động; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp tục triển khai “Quy trình xác thực chống hàng giả” nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản lưu thông trên thị trường…".