Cấp mã vùng trồng - Điều kiện xuất khẩu nông sản

Năm 2019, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh ta đạt 150 triệu USD, trong đó đã xuất khẩu được 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 142 triệu USD. Để đạt được những kết quả đó không thể không kể đến chủ trương của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu nông sản. Đặc biệt là việc chú trọng xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho các loại nông sản thế mạnh của địa phương.

Xã Hát Lót, huyện Mai Sơn phát triển nhãn thành vùng tập trung.

Xã Hát Lót, huyện Mai Sơn phát triển nhãn thành vùng tập trung.

Việc cấp mã vùng trồng là “hồ sơ” hàng hóa rất cần thiết, có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần, đây cũng điều kiện để nông sản của Sơn La tìm đường vào thị trường các nước khó tính. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và thế mạnh của nông sản địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân các thủ tục, quy định liên quan để thuận lợi trong quá trình trồng, xuất khẩu. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 18 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài; có 623 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 515 hợp tác xã nông nghiệp; phát triển và duy trì hiệu quả 124 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn.

Huyện Mai Sơn là vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, nhiều loại quả đã được xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới. Trong đó, cây nhãn đã khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Hiện, toàn huyện có trên 2.070 ha nhãn, với gần 900 ha cho thu hoạch, sản lượng ước tính gần 9.400 tấn/năm. Vùng trồng nhãn cho năng suất, chất lượng cao tập trung ở các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Cò Nòi... Đến nay, đã có trên 90 ha nhãn được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I đã cấp 7 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu với 56 ha tại HTX nhãn chín muộn Chiềng Mung và HTX Đoàn Kết (Chiềng Mung); HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất, HTX nhãn Cò Nòi, HTX Đại Phát (Cò Nòi), với sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu trên 1.700 tấn.

Ghi nhận thực tế tại HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất thuộc tiểu khu Thống Nhất, xã Cò Nòi (Mai Sơn), 6,3 ha/10 ha nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Tại đây, những sản phẩm nông nghiệp, gồm: ngô, đậu tương được ngâm ủ men vi sinh để làm phân bón, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây nhãn; nguồn nước tưới luôn được chủ động nhằm duy trì độ ẩm, đảm bảo chất lượng, năng suất, mẫu mã sản phẩm. Trao đổi với anh Đoàn Thanh Thuận, Giám đốc HTX được biết, HTX luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác, như: Đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc,... đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Vụ nhãn năm nay, HTX đã chỉ đạo các thành viên tuân thủ đúng quy trình chăm sóc ngay từ lúc nhãn chuẩn bị ra hoa để đảm bảo năng suất và chất lượng.

HTX nhãn chín muộn Chiềng Mung là một trong những đơn vị được giao tổ chức thu gom nhãn xuất khẩu vụ nhãn 2019. HTX đã chủ động liên hệ với các HTX đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu nắm tình hình sản xuất, sản lượng; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản đảm bảo yêu cầu phục vụ xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc HTX cho hay: Với kinh nghiệm đã tham gia xuất khẩu vụ nhãn trước đó, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị kho bãi, tem nhãn trích xuất nguồn gốc. Đồng thời, chủ động gửi mẫu nhãn chào hàng đến một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu để đánh giá chất lượng, mẫu mã trước khi quyết định ký kết hợp đồng thu mua xuất khẩu.

Còn đối với HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu), trên 14 ha xoài sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp mã số vùng trồng với sản lượng đạt hơn 200 tấn quả phục vụ xuất khẩu. Theo ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX thì trước đây quả xoài tuy đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu sang thị trường Anh, sản phẩm ngoài sản xuất theo quy trình an toàn, phải được cấp mã số vùng trồng và bọc trong túi chuyên dụng.

Theo ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, việc cấp mã vùng trồng là yêu cầu tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Việc cấp mã số chứng minh sự quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn của trái cây trước thu hoạch. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để duy trì mã số vùng trồng đã được cấp, hướng dẫn việc bao quả đúng thời gian, mùa vụ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; thực hiện tốt các quy trình trong sản xuất cấp chứng nhận VietGAP, Global GAP tại các địa phương. Tiếp tục rà soát các vùng nguyên liệu, hướng dẫn các HTX đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng phục vụ công tác xuất khẩu theo đúng quy định của Cục Bảo vệ thực vật.

Việc cấp mã vùng trồng là cơ sở bảo đảm việc thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần, đây cũng yêu cầu cần thiết để thực hiện công tác kiểm dịch thực vật. Qua đó bảo đảm sự an toàn của trái cây trước thu hoạch, từng bước để nông sản Sơn La bước chân vào các thị trường khó tính.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cap-ma-vung-trong--dieu-kien-xuat-khau-nong-san-29098