Cấp nhanh thẻ ưu tiên 'luồng xanh', thống nhất danh mục hàng hóa thiết yếu
Bộ GTVT ngày 26/7 đã có những giải pháp điều chỉnh, bổ sung để tháo gỡ bất cập về luồng xanh vận tải, hàng hóa thiết yếu.
Cấp nhanh thẻ ưu tiên "luồng xanh" vận tải
Đại diện các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tới các địa phương vùng dịch đang thực hiện Chỉ thị 16/TTg hiện nay đều phản ánh, mặc dù đã đăng ký "luồng xanh" qua mạng tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), song việc cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" tại nhiều địa phương phải mất tới 24 giờ, quá chậm so với yêu cầu và nhu cầu thực tế cần phải vận chuyển gấp hàng hóa thiết yếu.
Qua tìm hiểu của phóng viên, để được cấp mã QR ưu tiên hoạt động trên luồng xanh đối với các loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn như hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh (Hàng mau hỏng)… các đơn vị vận tải phải truy cập vào website luongxanh.drvn.gov.vn để nộp hồ sơ trực tuyến (nội dung đăng ký phải chính xác và đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật); Sở GTVT tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và phê duyệt hồ sơ; sau khi được Sở GTVT phê duyệt, kết quả sẽ được trả về email của đơn vị vận tải.
Sau đó, đơn vị vận tải truy cập email để nhận kết quả, tự in kết quả (phiếu nhận dạng phương tiện kèm theo mã QR Code) và dán lên phương tiện. Kết quả phải được in làm 3 tờ trên giấy màu vàng, trong đó có 1 tờ khổ A5 dán lên kính chắn gió phía trước của phương tiện; 2 tờ khổ A4 dán lên 2 bên cánh cửa thành xe. Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, hàng mau hỏng, Sở GTVT đề nghị đơn vị vận tải in bổ sung thêm nhãn “Hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán lên kính chắn gió phía trước cùng thẻ nhận diện phương tiện...
Rõ ràng, quy trình này đang làm tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp và lái xe vận tải hàng hóa thiết yếu.
Để tháo gỡ bất cập này, ngày 26/7, TCĐBVN đã có văn bản gửi sở GTVT các tỉnh, thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code; đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố hướng dẫn đơn vị vận tải tại địa phương về đối tượng được đăng ký thẻ nhận diện phương tiện trên phần mềm.
Theo đó, đối với xe ô tô tải, xe đầu kéo, xe container và các loại xe chuyên dụng vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu thì tuân theo hướng dẫn tại văn bản số 4349/2021 của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. "Hàng hóa thiết yếu khác theo hướng dẫn của UBND các tỉnh, thành phố (nơi nhận hàng của hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu) hoặc đầu mối do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố", đại diện TCĐBVN cho biết.
Đối với hành khách, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, thành phố.
TCĐBVN cũng yêu cầu đơn vị đăng ký thẻ nhận diện phương tiện lựa chọn một trong các đối tượng vận chuyển nêu trên phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin đã kê khai khi đăng ký; thực hiện theo đúng các nội dung đã đăng ký; thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID theo quy định của Bộ Y tế.
Thống nhất danh mục hàng thiết yếu
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong những ngày đầu triển khai đăng ký phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải gặp tình trạng ùn tắc tại chính nơi cấp, dẫn đến chậm cấp thẻ.
Đơn cử, ngày đầu tiên Hà Nội có hơn 10.000 hồ sơ nộp xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên trên “luồng xanh” vận tải, nhưng Phòng quản lý vận tải và Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chỉ cấp được hơn 2.000 hồ sơ; TP Hồ Chí Minh có 13.000 hồ sơ xin cấp, Sở GTVT TP cũng chỉ duyệt được 1.000 hồ sơ trên hệ thống phần mềm...
“Vướng mắc lớn nhất chính là khái niệm về hàng thiết yếu. Do chưa có có danh mục về mặt hàng thiết yếu, nên quy trình cấp mất khá nhiều thời gian. Chẳng hạn, một doanh nghiệp khai chở hàng hóa là thịt lợn hay kính, thì cán bộ Sở GTVT duyệt hồ sơ phải “soi chiếu” xem đó có phải là hàng hóa thiết yếu hay không...”, ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.
Vì vậy, thay vì 3 nhóm hàng hóa thiết yếu như hiện nay cần quy định chỉ một danh mục hàng hóa thiết yếu và áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Danh mục hàng hóa thiết yếu theo văn bản hướng dẫn 4349/2021/BCT của Bộ Công thương. Doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo hàng hóa thiết yếu.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã làm việc với TCĐBVN và các Sở GTVT thống nhất không yêu cầu doanh nghiệp kê khai loại mặt hàng. Thay vào đó là phân nhóm mặt hàng để doanh nghiệp kê khai. Chủ doanh nghiệp vận tải đăng ký thẻ ưu tiên “luồng xanh” phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai hàng hóa vận chuyển.