Cập nhật 19h ngày 4/4: Số ca mắc Covid-19 ở Bồ Đào Nha vượt 10.000, nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực

Số liệu mới nhất do trang mạng worldometer.info cập nhật cho biết, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.133.453 người, với 60.381 ca tử vong và 236.000 ca phục hồi.

Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số trường hợp mắc Covid-19 cao nhất trên thế giới, với 277.607 người nhiễm bệnh. Trong khi đó, Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu, với 14.681 người trong gần 120.000 người nhiễm bệnh.

Trả lời phỏng với RaiNews24 ngày 4/4, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho rằng: “Viên gạch đầu tiên để xây dựng lại Italy đó là giành chiến thắng trong cuộc chiến sức khỏe đang diễn ra”.

Kêu gọi tất cả tầng lớp xã hội, các khu vực và người dân Italy huy động tổng lực để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ông Speranza nhấn mạnh: “Giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất mà chúng ta phải đầu tư”.

Tây Ban Nha hiện đứng thứ 2 thế giới về số trường hợp mắc Covid-19, với gần 124.736 người và 11.744 ca tử vong. Ngày 4/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này thêm 2 tuần, cho đến ngày 26/4 tới.

Theo giới chức y tế Bồ Đào Nha, tổng số ca mắc Covid-19 ở Bồ Đào Nha đã vượt ngưỡng 10.000 người, lên tới 10.524 ca.

Riêng trong ngày 4/4, Bồ Đào Nha đã ghi nhận thêm 638 ca mới và 20 ca tử vong do Covid-19. Hiện tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước này lên tới 600 người.

Ngày 4/4, Anh thông báo có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội (cách ly xã hội) trong vài tuần tới nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước này thuyên giảm và việc xét nghiệm được tiến hành trên quy mô lớn hơn.

Cơ quan y tế Thụy Sỹ thông báo, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã lên tới 540 người, tăng so với con số 484 ca hôm 3/4.

Trong khi đó, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Thụy Sỹ đã lên tới 20.278 người, tăng so với con số 19.303 ca hôm 3/4.

Giới chức y tế Hà Lan cũng ghi nhận thêm 164 ca tử vong, nâng tổng số người chết do mắc Covid-19 tại nước này lên 1.651 người.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế Giáo dục Y khoa Iran, tổng số ca mắc Covid-19 ở Iran đã lên tới 2.560 người tính đến ngày 4/4, sau khi ghi nhận thêm 2.560 ca trong 24 giờ đồng hồ qua.

Quan chức bộ trên Kianush Jahanpur cho hay, Iran hiện có 3.452 ca tử vong do Covid-19, trong khi có 4.103 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Hãng thông tấn KUNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Y tế Kuwait cho biết, ngày 4/4, Kuwit đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do Covid-19. Số người được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng thêm 62 người trong 24 giờ đồng hồ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 479 người.

Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Philippines đã lên tới 3.094 người, sau khi ghi nhận thêm 76 ca trong ngày 4/4 - số lượng tăng trong ngày thấp nhất trong một tuần.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho hay dịch bệnh chết người này đã cướp đi sinh mạng của 144 người ở quốc gia Đông Nam Á này, trong khi đến nay chỉ có 5 bệnh nhân hồi phục.

Chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia quyết định kéo dài thời gian đóng cửa địa điểm du lịch tới ngày 19/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thống đốc Jakarta quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp do Covid-19 từ ngày 3/4 đến ngày 19/4. Trong một thông cáo, người đứng đầu Văn phòng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Jakarta, ông Cucu Ahmad Kurnia cho biết lệnh đóng cửa các địa điểm du lịch tại khu vực thủ đô sẽ được kéo dài tới ngày 19/4.

Trước đó, chính quyền Jakarta đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm du lịch trên địa bàn - trong đó có cả thẩm mỹ viện, trung tâm giải trí và thể thao, câu lạc bộ đêm, vũ trường, quán rượu, quán karaoke và rạp chiếu phim - từ ngày 23/3 đến ngày 5/4.

Tính đến ngày 4/4, Cơ quan y tế Jakarta đã ghi nhận tổng cộng 1.071 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó 98 ca tử vong, chiếm khoảng 1/2 trong tổng số 2.092 ca lây nhiễm và 191 ca tử vong trên khắp cả nước.

Trong ngày 3/4, Bộ Y tế chính thức công bố thêm 3 ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 240 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 90 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Đa số bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hoặc đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản do sự lây lan của dịch Covid-19.

Ủy ban Eurasian, kết hợp khu vực hải quan của Nga và Kazakhstan, cho biết đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực như hạt hướng dương, kiều mạch, gạo và lúa mạch đen có hiệu lực từ ngày 12/4 cho đến ngày 30/6. Liên minh hải quan này, còn bao gồm Belarus, Armenia và Kyrgyzstan, cũng sẽ không cung cấp đậu tương và nhiều loại rau củ như tỏi ra ngoài khối này đến ngày 30/6.

Chính phủ Nga mới đây đã thông qua đề xuất của Bộ Nông nghiệp nước này trong việc giới hạn lượng ngũ cốc xuất khẩu xuống 7 triệu tấn từ tháng 4 đến hết tháng 6. Bộ này cũng cho biết sẽ bán đến 1,5 triệu tấn ngũ cốc trong tổng số 1,8 triệu tấn dự trữ để góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ukraine cũng đã cấm xuất khẩu kiều mạch đến ngày 1/7 để bảo vệ thị trường trong nước trước nhu cầu tăng cao. Các công ty thương mại ngũ cốc lớn nhất Ukraine đầu tuần này đã nhất trí với một đề xuất của Bộ Kinh tế nước này trong việc giới hạn lượng lúa mỳ xuất khẩu còn 20,2 triệu tấn trong vụ mùa 2019-2020 để tránh làm tăng giá bánh mỳ trong nước.

Tương tự, Kazakhstan chỉ cho phép xuất khẩu 200.000 tấn lúa mỳ và 70.000 tấn bột mỳ trong tháng này. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, Kazakhstan sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng khác như kiều mạch, đường và một số loại rau củ nhất định như khoai tây và tỏi, thay vì cấm xuất khẩu như thông báo trước đó.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây cho hay sẽ cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tại Ấn Độ, các công ty thương mại gạo đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới, do thiếu nhân lực và những gián đoạn trong hoạt động hậu cần (logistics) vốn đang cản trở việc giao hàng cho những hợp đồng hiện tại. Ai Cập cũng sẽ ngừng xuất khẩu các loại đậu trong ba tháng để bảo toàn nguồn cung trong nước.

Mai Khanh

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-19h-ngay-44-so-ca-mac-covid-19-o-bo-dao-nha-vuot-10000-nhieu-nuoc-han-che-xuat-khau-luong-thuc-112953.html