Cập nhật 19h ngày 7/6: Hai nước kéo dài lệnh phong tỏa, Mỹ 'tố' Trung Quốc cố tình cản trở phát triển vaccine Covid-19
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Indonesia và Hy Lạp quyết định kéo dài lệnh phong tỏa. Mỹ cho biết có bằng chứng cho thấy Trung Quốc cố tình cản trở phát triển vaccine phòng bệnh.
Xét nghiệm Covid-19 tại Indonesia. (Nguồn: AFP)
* Ngày 7/6, chính quyền tỉnh Tây Java của Indonesia đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) tại Bogor, Depok và Bekasi, 3 thành phố lớn thuộc khu vực Đại Jakarta, tới ngày 2/7.
Theo người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của tỉnh Tây Java Daud Achmad, quyết định trên có hiệu lực thi hành trong 28 ngày kể từ ngày 6/6. Tuy nhiên, PSBB sẽ được điều chỉnh theo từng huyện và làng dựa trên mức độ khẩn cấp của từng địa phương, cũng như kế hoạch của thủ đô Jakarta bắt đầu nới lỏng PSBB trong một số lĩnh vực vào tháng này.
Trước đó, Thống đốc tỉnh Tây Java Ridwan Kamil đã ban hành kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn “bình thường mới” nhằm tái khởi động một số lĩnh vực với điều kiện tuân thủ các biện pháp y tế về phòng chống dịch Covid-19.
Tính đến ngày 7/6, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 31.186 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.851 ca tử vong. Hiện vẫn còn 4 tỉnh cùng 10 thành phố và huyện duy trì PSBB, trong đó tỉnh Tây Java có thời hạn áp dụng kéo dài nhất.
* Hy Lạp cũng quyết định kéo dài thêm hai tuần lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại các trại tị nạn quá tải trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế vốn dựa vào ngành du lịch.
Theo Công báo của Chính phủ Hy Lạp, các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 được kéo dài cho đến ngày 21/6 đối với các trại tị nạn trên toàn quốc. Trước đó, ngày 21/3, Hy Lạp đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt tại các trại tị nạn và từ ngày 23/3 đã áp đặt lệnh phong tỏa chung.
Hơn 33.000 người tị nạn đang sống chen chúc trong 5 khu trại trên các đảo của Hy Lạp trên biển Aegean, trong khi sức chứa của các trại này chỉ khoảng 5.400 người. Trong khi đó, khoảng 70.000 người đang sống trong các trại tị nạn khác trên đất liền.
Mặc dù cho đến nay, không có ca tử vong nào do Covid-19 được ghi nhận trong các trại tị nạn và chỉ có khoảng vài chục ca mắc bệnh, song chính phủ Hy Lạp đã vài lần kéo dài các biện pháp phong tỏa chống dịch tại các trại này.
Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis công bố một chiến dịch quảng bá du lịch mới.
Theo giai đoạn quá độ từ ngày 15-30/6, các sân bay ở thủ đô Athen và thành phố Thessaloniki sẽ lại tiếp nhận các chuyến bay chở hành khách, trong khi sân bay tại các khu vực khác và trên các đảo sẽ mở cửa trở lại vào ngày 1/7. Tuy nhiên, Hy Lạp có kế hoạch cách ly từ 7 đến 14 ngày đối với các du khách đến từ những nước chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 theo đánh giá của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA).
* Cũng trong ngày 7/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo, nước này sẽ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch đối với hoạt động kinh doanh vào ngày 10/6, trong đó có lệnh cấm đi lại giữa các bang của nước này sau lệnh phong tỏa kéo dài gần 3 tháng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết, tình hình dịch Covid-19 hiện đang trong tầm kiểm soát và Malaysia sẽ bắt đầu giai đoạn phục hồi mới cho đến ngày 31/8.
Trước đó, ngày 18/3, Malaysia đã đóng cửa toàn bộ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, trường học, cấm các cuộc tụ tập và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Cho đến hồi tháng 5, Chính phủ Malaysia đã dần cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại song tuân thủ các hướng dẫn về giãn cách xã hội.
Với việc phát hiện thêm 19 ca nhiễm mới, Malaysia hiện ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 là 8.322 trường hợp, trong đó có 117 ca tử vong.
Ngày 7/6, Chính phủ Anh thông báo sẽ mở cửa trở lại những địa điểm tôn giáo vào ngày 15/6 để cho "các tín đồ cá nhân" đến cầu nguyện trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Cộng đồng của Anh Robert Jenrick nêu rõ: "Người dân thuộc mọi tín ngưỡng đã chứng tỏ lòng kiên nhẫn và sự nhẫn nại, khi không thể tổ chức lễ Phục Sinh, lễ Quá Hải, lễ Ramadan hay lễ Vaisakhi với bạn bè và gia đình theo cách truyền thống. Hiện chúng ta có thể tiến tới mở cửa các điểm cầu nguyện với mức độ hạn chế".
Các dịch vụ hay các nhóm cầu nguyện tập thể sẽ vẫn bị cấm trong thời gian này do lo ngại virus SARS-CoV- 2 có thể lây lan nhanh trong các không gian khép kín.
Chính phủ Anh đang thúc đẩy một cách thận trọng việc mở cửa lại một phần các trường học, nối lại các hoạt động kinh doanh cơ bản vốn bị đóng cửa khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa vào ngày 23/3. Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng có ý định mở cửa trở lại tất cả các cửa hàng trên toàn quốc vào ngày 15/6. Nhà hàng và quán rượu sẽ được phép hoạt động với số khách ở mức hạn chế trong vòng 1 tuần.
Anh hiện đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số ca tử vong do Covid-19 với 40.465 ca.
Ông Rick Scott, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida, từng là thống đốc bang này từ năm 2011-2019. Ông công khai đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19.
* Cùng ngày, Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Mỹ Rick Scott cho biết, Mỹ có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cố tình cản trở hoặc phá hoại nỗ lực phát triển một loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 của các nước phương Tây.
“Chúng tôi đã phát triển vaccine. Nhưng không may là, chúng tôi có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tìm cách phá hoại hoặc làm chậm (quá trình phát triển vaccine của Mỹ)”, Thượng nghị sĩ Rick Scott nói với BBC.
Theo ông Scott, Trung Quốc không muốn Mỹ là nước đầu tiên phát triển thành công vắc xin Covid-19. “Họ đã quyết định trở thành đối thủ của Mỹ”, thượng nghị sĩ Scott nói thêm.
Khi được hỏi về bằng chứng cụ thể mà Mỹ thu thập được, ông Scott đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết, song nói rằng bằng chứng đã có thông qua cộng đồng tình báo.
Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Hạ tầng và An ninh Mạng Mỹ hồi tháng trước tuyên bố tiến hành cuộc điều tra chung để làm rõ cáo buộc rằng, các tin tặc có liên quan tới Trung Quốc đã nhắm mục tiêu và can thiệp vào các tổ chức đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu liên quan tới Covid-19 tại Mỹ.
Hai cơ quan Mỹ cho biết họ đã phát hiện những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và dữ liệu y tế cộng đồng liên quan tới hoạt động thử nghiệm, điều trị và phát triển vaccine Covid-19 của Mỹ.
Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc trên là “tin đồn và vu khống”. Một quan chức y tế Trung Quốc hồi tháng trước cho biết 5 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người và các vaccine khác sẽ tiếp tục được thử nghiệm.
Theo cập nhật mới nhất trên trang worldometers.info, thế giới ghi nhận 7.005.447 ca mắc Covid-19, trong đó 402.669 ca tử vong và 3.427.040 ca hồi phục.