Cập nhật 20h ngày 14/3: Manila áp lệnh giới nghiêm, 97 ca tử vong ở Iran, Tây Ban Nha có 1.500 ca mắc Covid-19
Tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 146.645 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó 5.443 ca tử vong.
Thủ đô Manila của Philippines áp đặt lệnh giới nghiêm từ ngày 15/3 tới trong bối cảnh nước này ghi nhận 98 ca mắc bệnh Covid-19 và 8 ca tử vong. Ảnh chụp tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila ngày 10/3. (Nguồn: Getty Images)
Đông Nam Á
Nhằm kiềm chế sự lây lan chủng mới của virus SARS-CoV-2, từ ngày 15/3 tới, chính quyền thủ đô Manila của Philippines sẽ áp đặt một lệnh giới nghiêm từ 20h-5h hằng ngày. Cơ quan Phát triển thủ đô Manila cho biết lệnh giới nghiêm 9 giờ đồng hồ này sẽ kéo dài tới ngày 14/4. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ, đó là những công nhân, người dân phân phát vật phẩm quan trọng và các nhóm y tế.
Cùng ngày, giới chức Philippines xác nhận thêm 34 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất tại nước này. Tinh đến nay Philippines đã ghi nhận 98 ca mắc Covid-19 và 8 ca tử vong.
Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 14/3 cảnh báo những ảnh hưởng kinh tế tiêu cực từ sự bùng phát dịch Covid-19 có thể sẽ sâu rộng hơn và kéo dài hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Facebook, ông Lý Hiển Long còn nhận định, đại dịch này sẽ có thể kéo dài ít nhất tới năm nay, và có thể còn lâu hơn.
Với 200 ca mắc Covid-19, trung tâm du lịch châu Á đã ra tín hiệu có một nguy cơ suy thoái năm nay và cắt giảm những dự đoán tăng trưởng.
Cũng trong ngày 14/3, Malaysia xác nhận thêm 41 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều có liên quan tới một sự kiện tôn giáo ở vùng ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, với sự tham dự của khoảng 10.000 người. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Malaysia đã lên đến 238 người, trong đó 81 trường hợp có liên quan tới sự kiện tôn giáo tại một đền thờ từ ngày 27/2-1/3.
Để kiềm chế tốc độ lây lan virus, giới chức Malaysia đã yêu cầu hủy hoặc hoãn các cuộc hội họp quốc tế, các sự kiện thể thao, xã hội và tôn giáo cho tới sau tháng 4.
Bộ Y tế Campuchia mới cho biết lệnh cấm 30 ngày này áp dụng với "người nước ngoài" sẽ có hiệu lực từ ngày 17/3 trong bối cảnh nước này đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 7 ca.
Theo thông báo đề ngày 14/3 trên Facebook của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), để đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, Chính phủ Mỹ cam kết sẽ thông qua USAID viện trợ ngay lập tức thêm 2 triệu USD cho Campuchia để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch, hỗ trợ cộng đồng và hoạt động của phòng thí nghiệm.
Việt Nam hiện ghi nhận 53 ca mắc Covid-19, trong đó 16 trường hợp điều trị khỏi và xuất viện. Từ 6/3 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 37 ca mắc mới. Các bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng kiểm soát được về sức khỏe.
Các địa phương có bệnh nhận Covid-19: Vĩnh Phúc (11); TP. Hồ Chí Minh (08); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Hà Nội (09); Ninh Bình (01); Quảng Ninh (05); Lào Cai (02); Đà Nẵng (03); Huế (02); Quảng Nam (02); Bình Thuận (09).
Trung Đông - châu Phi
Ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19 đã tăng thêm 97 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 611.
Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nước đã tăng thêm 1.365 người trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên 12.729 người, trong đó 4.300 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện. Tehran là nơi ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 24 giờ qua với 347 ca.
Giới chức Iran lo ngại số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Iran là một trong những quốc gia bên ngoài quốc gia tâm dịch Trung Quốc đang chịu tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19.
Tại Namibia, Tổng thống Hage Geingob tuyên bố chính quyền sẽ áp đặt một số biện pháp để cố gắng và kiềm chế sự bùng phát dịch, trong đó bao gồm cấm tất cả các cuộc tụ tập quy mô lớn trong 30 ngày và tạm dừng du lịch tới 3 nước. Chính quyền Namibia sẽ tạm dừng hoạt động di chuyển đến và đi từ Qatar, Ethiopia và Đức trong vòng 30 ngày cũng như ngày Quốc khách dự kiến diễn ra vào ngày 21/3 tới sẽ bị hủy bỏ.
Trước đó, quốc gia Nam Phi này đã báo cáo 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên là một cặp đôi người Tây Ban Nha tới nước này hôm 11/3. Hiện cặp đôi này đã bị cách ly.
Bộ Y tế Rwanda cũng đã báo cáo ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, đó là một công dân Ấn Độ đến từ Mumbai hôm 8/3. Bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm bệnh khi đến Rwanda nhưng đã tới một cơ sở y tế thăm khám hôm 13/3. Hiện bệnh nhân đang được điều trị cách ly trong tình trạng ổn định. Rwanda là quốc gia châu Phi thứ 19 ghi nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 14/3, Bộ Y tế Algeria xác nhận trường hợp thứ 3 tử vong vì virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân xấu số là một phụ nữ 51 tuổi, đang sinh sống tại tỉnh Blida, cách thủ đô Algiers khoảng 50 km. Tổng số người nhiễm virus này ở Algeria lên 37 người.
Châu Âu
Italy - tâm dịch ở châu Âu đã xác nhận 1.266 bệnh nhân tử vong trong số 17.660 người nhiễm bệnh, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục.
Tiếp sau Italy, Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của đại dịch khi ghi nhận tới 1.500 người nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện tổng số bệnh nhân Covd-19 tại nước này lên hơn 5.700 người, trong đó 191 ca tử vong.
Các sĩ quan cảnh sát tại điểm chốt chặn phong tỏa khu dân cư gần Igualada ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Nguồn: AP)
Chính phủ CH Czech đã yêu cầu đóng cửa hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và quán rượu. Quyết định có hiệu lực tới ngày 23/4. Những cửa hàng bán thực phẩm, đồ điện, thuốc và cây xăng sẽ vẫn hoạt động bình thương. Hiện Czech ghi nhận 150 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và chưa có ca tử vong.
Hôm 13/3, chính phủ nước này tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh với người nước ngoài trong khi công dân nước này cũng sẽ không được phép xuất cảnh từ ngày 16/3 tới. Các trường học, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng trưng bày và bảo tàng tại quốc gia này cũng đã phải đóng cửa trong khi các hoạt động tụ tập từ 30 người trở lên, trừ đám tang, cũng bị cấm.
Giới chức vùng lãnh thổ phía Bắc đảo Cyprus đã ban hành lệnh hạn chế đi lại đến vùng này với tất cả những người nước ngoài, trừ công dân trong vùng và người Thổ Nhĩ Kỳ, hiệu lực đến ngày 1/4. Biện pháp trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng trong ngày 13/3 của chính quyền vùng này.
Giới chức vùng lãnh thổ này công bố ca đầu tiên dương tính với virus SARA-CoV-2 hôm 10/3 là 1 du khách người Đức 65 tuổi. Tới nay, tổng số ca xác nhận nhiễm virus tại vùng này đã tăng lên 5 ca, gồm 4 du khách người Đức và 1 công dân của vùng này vừa trở về từ Anh.
Tính đến 16h ngày 14/3 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm bệnh Covid-19 trên toàn thế giới là 143.400 người, trong đó số ca tử vong là 5.402 người. Bệnh dịch đã lây lan trên 135 quốc gia và cùng lãnh thổ. So với thời điểm 16h ngày 13/3 thì số ca tử vong tăng thêm 55 ca trong khi số ca nhiễm mới tăng 2.677 ca.
Châu Á ghi nhận 91.346 ca nhiễm và 3.299 ca tử vong. Châu Âu ghi nhận 36.399 ca nhiễm và 1.514 ca tử vong. Trung Đông có 12.475 ca nhiễm và 527 ca tử vong. Các ca còn lại ở Mỹ và Canada (2.350 ca nhiễm và 5 ca tử vong), Mỹ Latinh và vùng Caribe (388 ca nhiễm và 5 ca tử vong), châu Đại Dương (244 ca nhiễm và 3 ca tử vong) và châu Phi (205 ca nhiễm và 6 ca tử vong).