Cập nhật Covid-19 ngày 12/10: Nga tăng kỷ lục số ca nhiễm mới, SARS-CoV-2 có thể sống 28 ngày trên màn hình điện thoại
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, thế giới ghi nhận 37.740.615 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 150.506 trường hợp tử vong và 28.347.182 bệnh nhân bình phục.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới là: Mỹ (7.991.998 ca mắc, trong đó có 219,695 ca tử vong); Ấn Độ (7.119.300 ca mắc bệnh, trong đó có 109.184 ca tử vong) và Brazil (5.094.979 ca mắc, trong đó có 150.506 ca tử vong).
* Đến nay, Bắc Mỹ ghi nhận 9.585.317 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 326.678 trường hợp tử vong và 6.299.142 bệnh nhân bình phục. Vẫn còn 18.060 bệnh nhân nặng, nguy kịch trong tổng số 2.959.497 người đang còn được điều trị.
Ngày 11/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bản thân ông miễn dịch với Covid-19 trong bối cảnh chuẩn bị trở lại cuộc đua tranh cử và quyết tâm giành lại lợi thế trước đối thủ Joe Biden.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã kêu gọi Quốc hội nước này thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 bằng cách sử dụng số tiền còn lại từ chương trình bảo vệ tiền lương, trong bối cảnh các cuộc thương lượng về một gói cứu trợ toàn diện hơn đang tiếp tục.
* Khu vực Nam Mỹ ghi nhận 8.670.633 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 271.433 trường hợp tử vong và 7.533.596 bệnh nhân bình phục. Khu vực này hiện còn 865.604 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó có 17.578 trường hợp nguy kịch.
Đáng chú ý, Brazil, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và thứ 3 thế giới do Covid-19, trong ngày 11/10 chỉ ghi nhận 3.139 ca nhiễm mới, giảm hơn 11 lần so với ngày trước đó (34,650 ca).
Hai quốc gia khác chịu ảnh hưởng nặng sau Brazil tại khu vực là Colombia và Argentina, trong ngày 11/10 lần lượt ghi nhận 8.569 và 10.324 ca. Colombia đang dần tiến tới mốc 1 triệu ca nhiễm Covid-19.
* Châu Á đến nay ghi nhận 11.830.308 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 213.232 trường hợp tử vong và 10.146.357 bệnh nhân bình phục. Trong tổng số 1.470.719 trường hợp còn đang được điều trị, có 20.898 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Ngày 12/10, Singapore và Indonesia đã nhất trí mở lại biên giới với nhau cho các hoạt động đi lại phục vụ nhu cầu kinh doanh thiết yếu cũng như công vụ, sau vài tháng phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Những người đáp ứng các yêu cầu sẽ phải xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh.
Indonesia hiện ghi nhận 333.449 ca nhiễm Covid-19, cao thứ hai Đông Nam Á chỉ sau Philippines. Thủ đô Jakarta đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để phòng dịch. Trong khi đó, Singapore ghi nhận tổng cộng 57.876 ca nhiễm và đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh, với không nhiều ca mới hằng ngày.
Ngày 11/10, Thái Lan đã ra lệnh cấm tạm thời các phương tiện di chuyển từ Myanmar qua biên giới vào tỉnh này, sau khi 3 tài xế người Myanmar xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Thái Lan hiện ghi nhận 3.636 ca nhiễm, trong đó có 59 ca tử vong. Trong khi đó, Myanmar ghi nhận 27.974 ca nhiễm và 646 ca tử vong.
* Cho đến nay, châu Âu ghi nhận 6.033.334 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 230.939 ca tử vong và 3.025.916 bệnh nhân bình phục. Hiện có 10.444 bệnh nhân nặng, nguy kịch trong tổng số 2.776.479 trường hợp đang còn được điều trị.
Tại Nga, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục và cao thứ 4 thế giới, trong ngày 11/10 ghi nhận 13.634 ca nhiễm mới, con số kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Đến nay, Nga ghi nhận 1.298.718 ca mắc bệnh, trong đó có 22.597 bệnh nhân không qua khỏi.
Thị trưởng thủ đô Moscow Sergei Sobyanin thừa nhận, thành phố này một lần nữa phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Trước đó, thủ đô Moscow đã ghi nhận con số kỷ lục về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ giữa tháng 5. Tính đến sáng 11/10, Moscow đã ghi nhận thêm 4.501 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 ở thành phố này lên tới 330.418 người.
Ông Sobyanin cũng đã ký sắc lệnh buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động chuyển không dưới 30% nhân viên sang làm việc từ xa.
Tại Anh, ngày 11/10, phó cố vấn y tế của Chính phủ Jonathan Van Tam cho biết, nước này đang ở "bước ngoặt" của khủng hoảng Covid-19 và kêu gọi cần phải nhanh chóng hành động ngay lập tức để tránh lịch sử "lặp lại lần nữa", ám chỉ làn sóng Covid-19 lần thứ nhất hồi cuối tháng 3.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, trong tuần từ ngày 5-11/10 số ca mắc mới Covid-19 tại Anh là khoảng 224.000 người, gần gấp đôi so với số ca mắc trong tuần trước đó. Theo ông Van Tam, với bối cảnh mùa Đông thời tiết lạnh, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn và dịch sẽ tiếp tục lây lan nhanh trên khắp nước Anh chứ không chỉ ở phía bắc vùng England như hiện nay.
* Liên quan công tác phòng ngừa dịch bệnh, Viện Nghiên cứu Sinh học của Israel thông báo sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người từ ngày 21/10. Hiện Viện đang chờ Ủy ban Helsinki phê duyệt các nghiên cứu và thử nghiệm trên người.
Dự kiến, kế hoạch thử nghiệm sẽ chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên sẽ đánh giá hiệu quả vaccine sau khi tiêm trên 100 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 50. Giai đoạn thứ 2 sẽ được tiến hành vào tháng 12, thử nghiệm và tính toán độ an toàn và hiệu quả của vaccine sau khi tiêm thử nghiệm trên hàng nghìn tình nguyện viên. Nếu thu được kết quả khả quan, giai đoạn 3 dự kiến sẽ được tiến hành trên khoảng 30.000 người tình nguyện từ tháng 1/2021.
Trong khi đó, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Virology cho hay, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra SARS-CoV-2 có thể sống tới 28 ngày trên các bề mặt như màn hình điện thoại di động và máy ATM.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy, virus gây ra đại dịch Covid-19 có thể tồn tại trong không khí trong tối đa 3 giờ đồng hồ và trên bề mặt nhựa và thép không gỉ trong tối đa 3 ngày. Nhưng nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia cho thấy virus tồn tại nguyên vẹn trên hầu hết các bề mặt trong khoảng 6 đến 7 ngày.
(tổng hợp)