Cập nhật Covid-19 ngày 13/11: Mức kỷ lục 'sốc' của Mỹ và thế giới, cố vấn tranh cử của ông Trump 'dính đòn'

Theo Worldometers, tính đến nay, toàn cầu ghi nhận 53.085.771 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.299.267 trường hợp tử vong và 37.210.164 bệnh nhân bình phục.

Hiện thế giới còn 14.574.394 ca Covid-19 đang phải điều trị, trong đó có 95.683 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục 643.043 trường hợp.

* Trong 24 giờ qua, Mỹ, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có, 161.541 ca nhiễm, trong đó có 1.190 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 lên lần lượt hơn 10,87 triệu ca và 248.585 trường hợp.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC), đây đã là ngày thứ 7 liên tiếp nước Mỹ phải chứng kiến số ca mắc mới và tử vong hôm sau cao hơn hôm trước và liên tục xác lập các kỷ lục mới.

Số ca tử vong trung bình do Covid-19 tại Mỹ trong 7 ngày qua luôn ở mức trên 1.100 ca, cao nhất kể từ đầu tháng 8.

Với những diễn biến trên, nước Mỹ đã trải qua tuần chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với hơn 875.000 ca mắc mới. Cứ trong 378 người Mỹ thì có một người mắc bệnh. Tỷ lệ mắc mới tăng 41%, nhập viện tăng 20% và tử vong tăng 23%.

Đáng chú ý, theo báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện trẻ em, có tổng cộng 920.000 trẻ em ở Mỹ đã được chẩn đoán mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia này. Điều này có nghĩa là số trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ chiếm khoảng 11,3% tổng số ca nhiễm tại nước này. Đỉnh điểm là tuần từ ngày 29/10 đến 5/11, có 73.883 ca được thông báo dương tính với SARS-CoV-2.

Trong ngày 12/11, tờ The Hill đưa tin, ông Corey Lewandowski, cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số những người có mặt trong đêm bầu cử tại Nhà Trắng, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson và Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị của Nhà Trắng Brian Jack đều đã được xác nhận mắc Covid-19.

* Tại châu Âu, dịch bệnh đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức cao. Italy có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất châu Âu với 37.978 trường hợp.

Sau Italy là Anh với 33.470 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục theo ngày kể từ khi bùng phát đại dịch. Như vậy, tổng số ca Covid-19 ở Anh hiện đã lên tới 1.290.195 người.

Trong một động thái liên quan, Anh cùng ngày đã đưa Hy Lạp đại lục khỏi danh sách đi lại an toàn, có nghĩa là bất kỳ người nào đến từ khu vực này sẽ phải bắt buộc thực hiện chế độ tự cách ly trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, 5 hòn đảo của Hy Lạp là Corfu, Crete, Rhodes, Zakynthos và Kos sẽ vẫn nằm trong danh sách các khu vực đi lại an toàn.

Theo Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps, Bahrain, Chile, Iceland, Campuchia, Lào, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, và Quần đảo Turks & Caicos đã được Anh bổ sung vào danh sách các khu vực đi lại an toàn.

Tại Pháp, trong 24 giờ qua ghi nhận 33.172 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 1.898.710 trường hợp.

Hiện nay, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 ở Pháp hiện là 1/4 và mặc dù chỉ số lây nhiễm “R” hiện ở dưới mức 1-tức là trung bình một người lây bệnh cho ít hơn một người khác, song còn quá sớm để cân nhắc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo Thủ tướng Jean Castex, Pháp sẽ không nới lỏng lệnh phong tỏa chống Covid-19 lần thứ 2 trong ít nhất 2 tuần tới, bởi số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhập viện ở nước này hiện cao hơn mức đỉnh dịch trong làn sóng Covid-19 đầu tiên.

Ông Castex nói rằng, nếu tốc độ gia tăng các ca bệnh mới chậm lại, Pháp sẽ vượt qua đỉnh dịch của làn sóng Covid-19 thứ 2. Ngược lại, nếu tốc độ lây lan dịch bệnh gia tăng một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ Pháp sẽ không do dự áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Ngày 12/11, Bồ Đào Nha đã tuyên bố mở rộng lệnh giới nghiêm vào ban đêm và phong tỏa vào cuối tuần, vốn đã được triển khai tại hơn 100 địa phương, ra thêm 77 khu vực khác nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại một buổi họp báo Thủ tướng Antonio Costa nhấn mạnh: “Tình hình gay go và nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đã trải qua trong làn sóng đại dịch thứ nhất”.

Đến nay, Bồ Đào Nha, quốc gia có hơn 10 triệu dân, hiện ghi nhận tổng cộng 198.011 ca Covid-19, trong đó có 3.181 người tử vong.

* Châu Á hiện là khu vực có tổng số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 14,80 triệu ca, trong đó Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với 8,72 triệu ca.

Nhật Bản có thể đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng đột biến trong một vài ngày gần đây.

Trong tháng 9, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản dao động trong khoảng từ 300-600 ca/ngày. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, số ca nhiễm mới bắt đầu tăng và đến ngày 12/11, ghi nhận 1.555 ca.

Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Osaka, Hyogo, Saitama, Aichi và Hokkaido đều đang tăng mạnh.

Tính đến ngày 12/11, tổng số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản đã lên tới 111.711 người, trong khi số người tử vong vì dịch bệnh này là 1.851 ca.

Giới chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân của sự bùng phát số lượng các ca nhiễm mới là do thời tiết trở nên lạnh hơn khiến người dân hạn chế các hoạt động ở ngoài trời, nơi có môi trường thông thoáng hơn so với môi trường khép kín của các tòa nhà.

Bên cạnh đó, các nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội và vực dậy nền kinh tế, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh và thực hiện các chương trình kích cầu như “Go To Travel” và “Go To Eat”, cũng được cho là những nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của số ca nhiễm mới.

Tuy vậy, ngày 13/11, Thủ tướng Suga Yoshihide khẳng định, Nhật Bản hiện không ở trong tình thế phải một lần nữa đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do đại dịch Covid-19.

Tại Hàn Quốc, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh, sáng 13/11 ghi nhận thêm 191 ca mắc Covid-19, mức tăng cao nhất trong 70 ngày qua, trong bối cảnh các ca lây nhiễm lẻ tẻ do các cuộc tụ tập gia đình và bạn bè tiếp tục bùng phát trên toàn quốc, buộc các cơ quan y tế nước này phải xem xét siết chặt quy định xã cách xã hội.

Trong số các ca mắc mới có 162 trường hợp lây nhiễm trong nước. Đây cũng là ngày thứ sáu liên tiếp, số ca mắc Covid-19 mới ở Hàn Quốc tăng ở mức ba con số.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh: "Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta phải xem xét nghiêm túc việc siết chặt quy định giãn cách xã hội, trong khi chính quyền một số tỉnh đã nâng quy định này lên cấp độ 1,5".

* Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 60.450 ca nhiễm và 1.507 ca tử vong. Riêng Brazil chiếm 50% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực.

Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 5,78 triệu ca, khoảng 56% tổng số ca nhiễm của khu vực kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Brazil, Argentina và Colombia là 3 nước có số ca nhiễm trên 9 con số.

* Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm tại khu vực này tiệm cận 2 triệu ca (1.946.369 ca). Nam Phi-quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 tại châu lục này, ghi nhận thêm 2.338 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 744.732 trường hợp.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 12/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đang tiến hành những cuộc thảo luận với viện nghiên cứu của Nga - đơn vị đã phát triển vaccine tiềm năng ngừa Covid-19 Sputnik V - về khả năng đưa vaccine này vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Thông qua quyết định cho phép lên danh sách sử dụng khẩn cấp vaccine, WHO sẽ khuyến cáo các quốc gia thành viên sử dụng loại vaccine này.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-1311-muc-ky-luc-soc-cua-my-va-the-gioi-co-van-tranh-cu-cua-ong-trump-dinh-don-129013.html