Cập nhật Covid-19 ngày 22/4: Mỹ vượt mục tiêu tiêm chủng; Iraq vượt ngưỡng 1 triệu ca; Dư vaccine, Israel 'nhường suất' mua cho các nước khác
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 144,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,01 triệu ca tử vong và hơn 122,6 triệu bệnh nhân bình phục.
Đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì Covid-19 là Mỹ với lần lượt 32.600.305 ca và 583.288 ca, tiếp đó là Ấn Độ với 15.924.806 ca mắc và 184.672 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc khi ghi nhận 14.122.795 ca, song đứng thứ hai về số ca tử vong với 381.687 ca. Đứng thứ tư là Pháp với 5.374.288 ca mắc và 101.881 ca tử vong.
* Tại châu Mỹ
Liên quan đến vaccine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới của nỗ lực tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 khi quốc gia này đạt 200 triệu lượt tiêm chủng vào cuối ngày, sớm hơn mục tiêu đề ra vào cuối tháng 4.
Theo ông Biden, nỗ lực tiêm chủng trong 3 tháng đầu tiên của chính quyền chủ yếu tập trung vào các đối tượng là người cao tuổi và nhân viên y tế, tuy nhiên điều này đã thay đổi. Tính tới ngày 22/4, khoảng 80% người dân trên 65 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine và tất cả người dân trên 16 tuổi hiện đã đủ điều kiện để được tiêm vaccine.
Ngày 21/4, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (Cepal) nhận định khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ phải duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm ngăn chặn những tác động của đại dịch Covid-19 do viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế còn mong manh.
* Xét về châu lục, châu Âu đứng đầu về số ca mắc với 43.296.157 ca, trong đó Pháp đang là tâm điểm của dịch bệnh. Đức cũng đang chứng kiến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn khi ghi nhận 27.862 ca mắc mới. Italy, Ukraine và Ba Lan cùng ghi nhận số ca mắc mới vượt mức 10.000 ca/ngày.
Ngày 21/4, Quốc hội liên bang Đức đã bỏ phiếu phê chuẩn dự luật Phòng Chống lây nhiễm sửa đổi, qua đó trao thêm quyền cho chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt và thống nhất trên cả nước nhằm khống chế đại dịch Covid-19.
Cùng ngày, Hy Lạp và Iceland đã thông báo kế hoạch sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) trong chương trình tiêm chủng quốc gia, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ sử dụng loại vaccine này.
Vaccine ngừa Covid-19 của J&J là loại vaccine một liều và chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh thường, theo đó giúp các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận tiêm phòng dễ dàng hơn.
Trong khi đó, hãng Valneva, nhà sản xuất vaccine liên doanh giữa Pháp và Áo, cùng ngày thông báo đã triển khai giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng này. Cuộc thử nghiệm mang tên Cov-Compare, sẽ so sánh cách thức hệ miễn dịch phản ứng với vaccine VLA2001 của Valneva và với vaccine của AstraZeneca.
Theo Valneva, khoảng 4.000 tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm này sẽ được tiêm 2 mũi hoặc của vaccine Valneva, hoặc của AstraZeneca. Cuộc thử nghiệm sẽ được triển khai tại 25 địa điểm ở Anh.
Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, Chính phủ Italy thông báo nước này có kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp kiểm soát dịch từ tuần tới.
Theo đó, chính phủ sẽ cho phép nhà hàng mở cửa phục vụ ở ngoài trời kể từ ngày 26/4, song biện pháp này chỉ có hiệu lực đối với những khu vực "vàng", tức là có nguy cơ lây nhiễm thấp. Rạp chiếu phim, nhà hát cũng được mở cửa trở lại với 50% công suất.
Các trường học và hoạt động đi lại được khôi phục trở lại, song ở áp dụng tại các khu vực "vàng". Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì lệnh giới nghiêm từ 22h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
* Tại châu Á
Ngày 21/4, Viện Huyết học Ấn Độ cho biết sẽ bán vaccine AstraZeneca cho chính phủ các nước với giá 400 Rupee (tương đương 5,3 USD) một liều, trong khi giá bán vaccine cho các bệnh viện tư là 600 Rupee (tương đương 7,95 USD) một liều.
Ngoài ra, từ tháng 7 tới, nước này có thể tăng sản lượng của vaccine AstraZeneca lên 100 triệu liều/tháng, tăng đáng kể so với mức 60-70 triệu liều mỗi tháng hiện nay. Tuy nhiên, mốc tăng sản lượng này muộn hơn hai tháng so với mốc dự định ban đầu.
Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết nước này sẽ tìm cách mua thêm khoảng 35 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ 2 hoặc 3 nhà sản xuất khác, ngoài việc mua 65 triệu liều vaccine đã được đặt mua.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2 với ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Tính đến ngày 20/4, hơn 2,1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 117.000 liều vaccine AstraZeneca, đã đến Thái Lan. Tới nay, Thái Lan đã tiêm tổng cộng 712.610 liều vaccine ngừa Covid-19.
Bộ Y tế Iraq ngày 21/4 cho biết số trường hợp mắc Covid-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 1 triệu ca, trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt y tế.
Sau nhiều thập kỷ chìm trong xung đột và đầu tư nghèo nàn vào lĩnh vực y tế, các bệnh viện của Iraq đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc men và giường bệnh điều trị.
Tháng trước, Iraq bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 và đã nhận được gần 650.000 liều vaccine khác nhau, chủ yếu thông qua nguồn hỗ trợ từ chương trình COVAX dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi đó, người phụ trách điều phối chiến dịch chống Covid-19 của Israel, Giáo sư Nachman Ash cho hay nước này hiện không cần vaccine đã đặt mua của AstraZeneca và số vaccine này có thể được sử dụng ở các nơi khác trên thế giới.
Ông Ash cho hay nguồn cung vaccine từ Pfizer và Moderna đủ đáp ứng nhu cầu của Israel đến hết năm 2022. Do đó, Israel đang xem xét khả năng đàm phán với AstraZeneca để chuyển 10 triệu liều theo hợp đồng tới các nước khác.
(tổng hợp)