Cập nhật Covid-19 ngày 26/10: Hơn 400.000 ca mới toàn cầu 5 ngày liên tục; 'Bóng đen' dịch lại bao trùm Pháp; Thêm một Thủ tướng nhiễm bệnh

Theo trang thống kê Worldometers, cho đến nay, toàn cầu đã ghi nhận 43.328.174 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.159.009 trường hợp tử vong và 31.900.636 bệnh nhân bình phục.

* Đến nay, có 8 quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 từ 1 triệu ca trở lên. Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Mỹ với 230.510 trường hợp tử vong trong tổng số 8.889.179 ca nhiễm.

Ấn Độ xếp thứ 2 về số ca nhiễm mới 7.909.050 ca, trong đó có 119.030 trường hợp tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 5.394.128 ca nhiễm, trong đó có 157.163 bệnh nhân không qua khỏi.

Nga đứng thứ 4 thế giới với 1.513.877 ca nhiễm, trong đó có 26.050 trường hợp tử vong.

Hai quốc gia tiếp theo có số ca nhiễm trên 1,1 triệu là PhápTây Ban Nha, với lần lượt 1.138.507 và 1.110.372 ca, trong đó số ca tử vong lần lượt là 34.761 và 34.752.

Hai nước cuối cùng chốt danh sách các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 trên 1 triệu là ArgentinaColombia, với lần lượt 1.090.589 và 1.015.885 ca.

* Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 390.870 ca tử vong trong tổng số 10.897.051 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 261.395 ca tử vong trên 8.685.099 ca mắc bệnh.

Châu Á có 165.627 ca tử vong trong số 10.153.519 ca mắc Covid-19; Trung Đông có hơn 56.245 ca tử vong; châu Phi có hơn 41.100 ca tử vong và số ca tử vong do Covid-19 tại châu Đại Dương là hơn 1.000 người.

* Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân có 103 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ với tỷ lệ 93 người.

* Châu Âu đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai và nhiều nước buộc phải áp đặt một loạt các biện pháp chống dịch mới.

Trong ngày 25/10, Pháp ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục, với 52.010 trường hợp, trong đó có 116 ca tử vong. Hiện nay, Pháp đang là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục.

Hôm 23/10, Tổng thống Emmanuel Macron đã đề cập việc tăng cường các biện pháp hạn chế cho đến tháng 12 nếu dịch bệnh không có dấu hiệu giảm. Khoảng 46 triệu dân, ở 54 tỉnh đã bị giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo đó hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép mở cửa từ 5h-18h hằng ngày, với tối đa 4 người mỗi bàn.

Sắc lệnh cũng cấm các khu vui chơi giải trí, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao, bể bơi,.… hoạt động. Tính đến ngày 26/10, tổng số ca mắc Covid-19 tại Italy là 525,782 trường hợp, trong đó có 37,338 ca tử vong.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia, trong đó tất cả các vùng, trừ quần đảo Canary, sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Một số nước châu Âu khác ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10.000 ca trong ngày. Nhà chức trách Nga xác nhận thêm 16.710 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 1.513.877 kể từ đại dịch bùng phát.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Lan tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 10.202 ca trong 24 giờ qua. Như vậy, quốc gia Tây Bắc châu Âu này đã ghi nhận tổng cộng 291.254 ca mắc, trong đó có 7.046 tử vong.

Trong khi đó, Chính phủ Hungary thông báo đã ghi nhận thêm 3.149 ca mắc mới trong ngày 25/10. Đây là ngày Hungary xác nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên vượt 3.000 ca/ngày. Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia 10 triệu dân này tăng lên 59.247 ca.

Ngày 25/10, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov đã trở thành lãnh đạo mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây Covid-19.

Như vậy, chỉ trong 2 ngày, đã có 2 nhà lãnh đạo ở châu Âu được xác định mắc Covid-19. Trước đó, ngày 24/10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

* Tại châu Á, mặc dù Ấn Độ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, tuy nhiên, các ca nhiễm tại Ấn Độ đang có chiều hướng giảm. Số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết sáng 26/10, nước này ghi nhận 45.158 ca trong 24 giờ qua.

Tại Đông Nam Á, Quốc vương Malaysia Abdullah đã bác yêu cầu của Thủ tướng Muhyiddin Yassin về tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, bởi theo ông hiện nay chưa cần tuyên bố lệnh này. Malaysia hiện ghi nhận 26.565 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 229 bệnh nhân tử vong.

Indonesia, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 tại Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.732 ca mắc mới trong ngày 25/10, nâng tổng số ca mắc lên 389.712 ca. Số ca tử vong tại Indonesia tăng thêm 94 ca lên 13.299 ca.

Bộ Y tế Philippines công bố thêm 2.223 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 370.028 ca. Số ca tử vong tăng thêm 43 ca lên 6.977. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 14.944 người lên 328.036 ca.

* Ngày 25/10, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới lần thứ 12 đã chính thức khai mạc với chủ đề trọng tâm là đại dịch Covid-19. Do tình hình dịch bệnh, hội nghị vốn được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Berlin trong năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 hiện là cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hiện có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc Covid-19 và điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặt biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất.

Người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động lập tức để ngăn chặn những cái chết không đáng có tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh, hợp tác là cách duy nhất để cộng đồng thế giới thoát khỏi bệnh dịch hiện nay.

* Liên quan đến vaccine ngừa Covid1-19, ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố, kể từ ngày 1/11, Israel sẽ bắt đầu các hoạt động thử nghiệm trên người đối với loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng có tên "BriLife" do một viện nghiên cứu được bộ này giám sát phát triển sau khi nhận được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết, Chính phủ hy vọng có thể bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người dễ bị tổn thương từ quý I hoặc 6 tháng đầu năm 2021.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-2610-hon-400000-ca-moi-toan-cau-5-ngay-lien-tuc-bong-den-dich-lai-bao-trum-phap-them-mot-thu-tuong-nhiem-benh-127247.html