Cập nhật Covid-19 ngày 28/10: Châu Âu 'ngụp' trong đại dịch, EU lo thiếu vaccine; Khả năng Đức tái phong tỏa; Ngoại trưởng Nga cách ly

Theo trang thống kê Worldometerts, toàn cầu ghi nhận 44.236.895 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.171.337 trường hợp tử vong và 32.444.160 bệnh nhân bình phục. Thế giới hiện còn 10.621.398 bệnh nhân đang còn phải điều trị, trong đó có 79.922 ca nặng, nguy kịch.

* Toàn cầu hiện có 8 quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trên 1 triệu, gồm Mỹ (9.038.030), Ấn Độ (7.988.853), Brazil (5.440.903), Nga (1.547.774), Pháp (1.198.695), Tây Ban Nha (1.174.916), Argentina (1.116.609) và Colombia (1.033.218).

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 9.038.030 ca mắc, trong đó có 232.084 ca tử vong.

Nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong thời điểm mùa lễ hội đang tới gần, thành phố New York đang tăng cường các biện pháp cách ly đối với khách du lịch tới từ 38 bang của nước Mỹ và 2 vùng lãnh thổ là Guam và Puerto Rico.

* Tình hình dịch bệnh vẫn đang nóng lên ở châu Âu. Trong ngày 27/10, toàn châu lục ghi nhận 223.192 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.757 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên 8.857.326 với 254.984 người thiệt mạng.

Tại Đức, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, Thủ tướng Angela Merkel một lần nữa kêu gọi người dân nâng cao ý thức và nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Dự kiến, tại cuộc họp với lãnh đạo các bang của Đức vào ngày 28/10, Thủ tướng Merkel sẽ thúc đẩy áp đặt thêm các biện pháp cứng rắn hơn.

Tờ Bild cho biết, chính phủ đang cân nhắc một loạt biện pháp hạn chế mới, bao gồm đóng cửa các nhà hàng và quán bar cũng như cấm tổ chức các sự kiện công cộng.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây do Viện nghiên cứu YouGov tiến hành, đa số người dân Đức đang mong chờ chính phủ sớm áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn, hơn 60% người được hỏi cho rằng các nhà hàng, cửa hiệu và trường học sẽ đóng cửa.

Số ca mắc mới Covid-19 ở Đức đang tăng theo cấp số nhân, khoảng 70-75% so với tuần trước. Trong khi đó, theo Viện dịch tễ Robert Koch, số ca mắc mới ghi nhận ngày 27/10 là 13.161 ca, tăng gần 9.000 ca so với hôm 20/10.

Tại Bỉ, ngày 27/10, nhà virus học Steven Van Gucht cho biết, trong 24 giờ qua có thêm 689 trường hợp phải nhập viện điều trị Covid-19, mức cao nhất trong 7 tháng qua. Ông Van Gucht nhận định tình hình dịch hiện rất đáng lo ngại và các bệnh viện sẽ đối mặt với sức ép rất lớn trong những tuần tới.

Hiện số bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại các bệnh viện ở Bỉ là 5.554 người, so với mức kỷ lục 5.759 người ghi nhận ngày 6/4. Nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, các đơn vị chăm sóc đặc biệt sẽ quá tải vào giữa tháng 11.

Số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho thấy, Bỉ hiện là quốc gia châu Âu có số ca mắc Covid-19 cao nhất tính theo tỷ lệ dân số (trung bình 1.390,9 ca/100.000 dân); đứng thứ 2 châu Âu, sau Czech, về tỷ lệ tử vong do Covid-19, với 5,8 ca trên 100.000 dân. Con số này tại Czech là 12,3 ca trên 100.000 dân.

Trong khi đó, chính phủ Czech cũng đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h-4h59, bắt đầu từ ngày 28/10. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực cho đến khi tình trạng khẩn cấp hết hạn vào ngày 3/11 tới. Tuy nhiên, chính phủ có thể sẽ gia hạn biện pháp này.

Tính đến nay, Czech ghi nhận 284.033 ca mắc Covid-19, trong đó 2.547 bệnh nhân không qua khỏi.

Tại Nga, nhà chức trách đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có yêu cầu người dân trên khắp cả nước đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, đồng thời đề nghị các chính quyền địa phương cân nhắc đóng cửa các quán bar và nhà hàng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/10.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới đã tăng nhanh tại Nga. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 320 ca tử vong - mức cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, đưa tổng số ca không qua khỏi lên 26.589 ca.

Được biết, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đang tự cách ly sau khi có tiếp xúc với một người mắc Covid-19.

Anh Italy cũng đang ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trên 20.000 người mỗi ngày, buộc nhà chức trách phải đưa ra các quy định chặt chẽ hơn cũng như khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi đến những nước châu Âu khác.

* Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và hiện đang tự cách ly.

Ngày 27/10, Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong một cuộc họp nội bộ rằng, chỉ một phần trong số các công dân của khối có thể được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vào trước năm 2022 trong trường hợp có vaccine.

Cảnh báo trên được đưa ra bất chấp thực tế là khối 27 nước EU, với dân số khoảng 450 triệu người, đã bảo đảm hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng từ 3 nhà sản xuất. Bên cạnh đó, họ cũng đang đàm phán để đặt mua hàng tỷ liều từ các công ty khác.

* Tại châu Á, Iran thông báo có thêm 6.968 ca mắc Covid-19 và 346 người tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất trong một tuần trở lại đây. Tính đến nay, Iran ghi nhận tổng cộng 581.824 ca mắc Covid-19, trong đó có 33.299 trường hợp không qua khỏi.

Cùng ngày, Indonesia thông báo có thêm 3.520 người mắc Covid-19, trong đó có 101 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á lên lần lượt là 396.454 và 13.512. Nước này đã quyết định gia hạn các hạn chế xã hội quy mô lớn tại nhiều thành phố lớn trong vòng một tháng - đến ngày 25/11.

Những tín hiệu tích cực đã lóe lên tại Ấn Độ và Philippines khi số ca mắc mới Covid-19 đều giảm mạnh.

Tính đến nay, số ca còn dương tính ở Ấn Độ tiếp tục ở mức thấp, với 611.605 ca. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tiếp tục giảm xuống còn 1,5%. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực để có thể đưa tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm xuống còn 1% và duy trì ở mức này.

Bộ Y tế Philippines cũng thông báo số ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong 2 tuần qua với 1.524 ca mắc Covid-19 và 14 trường hợp tử vong trong ngày 27/10, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong lần lượt là 373.144 và 7.053 người.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 27/10, Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật về chi trả toàn bộ chi phí tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho tất cả người dân nước này. Dự luật nhằm sửa đổi luật vaccine hiện nay và được soạn thảo theo đúng cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide về đảm bảo vaccine cho tất cả người dân trong nửa đầu năm tới.

Nhật Bản đặt mục tiêu có thể ban hành dự luật ngay trong phiên họp hiện nay của Quốc hội, dự kiến kéo dài đến ngày 5/12. Để thực hiện kế hoạch, chính phủ đã quyết định sử dụng khoản ngân sách lên tới 671,4 tỷ Yen (6,4 tỷ USD).

Trước đó, chính phủ nước này đã đạt thỏa thuận mua vaccine của hai doanh nghiệp dược phẩm là AstraZeneca Plc (Anh) và Pfizer Inc (Mỹ) với khoảng 120 triệu liều mỗi công ty, khi họ bào chế thành công vaccine. Tokyo cũng đang đàm phán với công ty Moderna Inc (Mỹ) để mua ít nhất 40 triệu liều vaccine.

Trong khi đó, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cùng ngày cho biết, Moscow đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tăng tốc quá trình đăng ký vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-2810-chau-au-ngup-trong-dai-dich-eu-lo-thieu-vaccine-kha-nang-duc-tai-phong-toa-ngoai-truong-nga-cach-ly-127474.html