Cập nhật Covid-19 ngày 31/10: Nguy cơ người châu Âu buông xuôi; Chuyên gia WHO thảo luận với Trung Quốc, coi trọng xét nghiệm hơn cách ly

Theo trang thống kê Worldometers, trong 24 giờ qua thế giới đã ghi nhận thêm 527 người chết vì Covid-19, đồng thời 6.316 trường hợp mới nhiễm bệnh. Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã lên tới 45.898.590 trường hợp, trong đó 1.193.744 người đã thiệt mạng, có 33.248.821 bệnh nhân đã được điều trị khỏi.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã lên tới 45.898.590 trường hợp, trong đó 1.193.744 người đã thiệt mạng.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã lên tới 45.898.590 trường hợp, trong đó 1.193.744 người đã thiệt mạng.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 235.156 ca tử vong trong tổng số 9.316.205 ca mắc. Ngày 30/10, Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 94.125 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, sau khi ghi nhận hơn 91.000 ca một ngày trước đó. Tiếp theo là Ấn Độ với 121.681 ca tử vong trên 8.136.166 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 159.562 ca tử vong trong số 5.519.528 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, châu Á là khu vực chịu tác động nặng nề nhất với hơn 13,5 triệu ca nhiễm, trong đó 241.541 ca tử vong. Sau đó là khu vực Bắc Mỹ với hơn 11,1 triệu ca nhiễm, trong đó 350.962 ca tử vong. Tiếp sau là châu Âu với hơn 9,7 ca nhiễm, trong đó 263.090 ca tử vong.

* Tình hình đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn ở hầu hết các bang trên nước Mỹ, nhất là ở những bang đã từng là "tâm dịch" mới cách đây vài tháng. Nước Mỹ ngày 30/10 ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19, tăng 1 triệu ca chỉ sau 2 tuần. Kể từ giữa tháng 9, báo cáo thống kê số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã cho thấy số ca có chiều hướng gia tăng và ngày 29/10 được ghi nhận là ngày có số ca tăng cao kỷ lục với 88.500 ca nhiễm mới.

Theo Wall Street Journal, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng vừa qua và các chuyên gia y tế thậm chí còn cho rằng, số liệu thống kê như vậy vẫn chưa đầy đủ do những ngày mới xảy ra dịch nhiều nơi chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm diện rộng ngay. Số ca nhập viện ở nhiều bang cũng tăng cao kỷ lục và tổng số ca nhập viện trên toàn nước Mỹ ngày 29/10 là 46.095 ca, tăng 50 % so với 2 tuần trước đó.

Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, ngày 30/10, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã cho phép các du thuyền, tàu du lịch được hoạt động trở lại kể từ ngày 31/10. Chính phủ Mỹ buộc phải để các công ty hoạt động trở lại với một số điều kiện nhất đinh bởi ngành du lịch nói chung và dịch vụ tàu du lịch, du thuyền nói riêng đã thua lỗ hàng tỷ USD kể từ khi bị chấm dứt hoạt động sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng Ba.

Cũng trong ngày 30/10, hãng dược Regeneron Pharmaceutical cho biết, họ buộc phải ngừng thử nghiệm thuốc kháng thể ngừa Covid-19 đối với những bệnh nhân nặng nhất đang nằm viện bởi lo ngại tới độ an toàn cho người bệnh và điều này cho thấy thuốc kháng thể không phải là cứu cánh đối với các bệnh nhân nặng

* Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp tại châu Âu, các quốc gia trong khu vực này đang tái áp đặt biện pháp nghiêm ngặt hạn chế ngăn sóng Covid-19 thứ hai, song người dân lại có biểu hiện thiếu hợp tác vì đã quá mệt mỏi. Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, Chính phủ các nước cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án đóng cửa nền kinh tế để chống dịch, đồng thời cần tiếp tục chi ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tâm lý cùng hướng về một mục tiêu chung, đoàn kết với các nhân viên y tế đẩy lùi dịch bệnh khi Covid-19 bùng phát hồi mùa xuân ở châu Âu giờ đây đã giảm mạnh. Thay vào đó, nỗi thất vọng đang bao trùm trong dân chúng, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp, khi thiệt hại của họ đã quá lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Các biện pháp phong tỏa mới được đưa ra tháng này hướng tới các đối tượng cụ thể hơn so với hồi mùa Xuân, thậm chí còn đi kèm các biện pháp hỗ trợ đáng kể cho những người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, làn sóng phản đối đang trỗi dậy ở khắp nơi, từ các vụ kiện ở Đức tới những cuộc bạo loạn, biểu tình chống các quy tắc phòng dịch mới ở Italy.

Theo những biện pháp hạn chế mới, nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm và các địa điểm thể thao, giải trí đa phần sẽ bị đóng cửa. Tại Pháp, lệnh giới nghiêm cấm người dân ra ngoài từ 22h tới 6h sáng hôm sau. Đức cấm các khách sạn đón khách du lịch trong vòng một tháng và cấm hoạt động mại dâm hợp pháp.

Bỉ hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm cao hàng đầu thế giới. Ngày 30/10, Bỉ ghi nhận tổng cộng 6.187 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, trong đó có 1.057 người bệnh nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt. Trong tuần trước, Bỉ đã ghi nhận mức lây nhiễm kỷ lục với trên 100.000 ca nhiễm mới (trung bình hơn 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày). Trước tình hình này, Bỉ đã quyết định thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc trong vòng 6 tuần, từ ngày 2/11 tới.

Ngày 30/10, Hạ viện CH. Czech đã bỏ phiếu nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 20/11 tới, khi nước này có những dấu hiệu giảm tỷ lệ lây lan dịch Covid-19. Chính phủ Czech đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày vào ngày 5/10.

Theo dữ liệu do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, Czech đứng thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) về số ca mắc Covid-19 mới trên 100.000 dân và đứng đầu về số ca tử vong mới. Tính đến sáng 30/10, thành viên EU với 10,7 triệu dân này có hơn 310.000 trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận và 2.862 trường hợp tử vong. Nhưng trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới đã giảm so với kỷ lục hàng ngày là hơn 15.000, khiến Chính phủ Czech có lý do lạc quan thận trọng.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Czech Jan Blatny cho biết: “Những gì đang diễn ra hiện nay có lẽ là khởi đầu của sự suy giảm. Nhưng chúng tôi chắc chắn chưa vượt qua điều tồi tệ nhất".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28/10 cho biết tốc độ lây lan của virus đang vượt qua cả những dự đoán tiêu cực nhất. Pháp hôm 26/10 ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm Covid-19 mới và Tổng thống Macron nói rằng biện pháp phong tỏa có thể giảm con số trên xuống còn 5.000 ca vào ngày 1/12.

Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Đức đang rơi vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm sau khi nước này báo cáo 16.000 ca nhiễm mới ngày 29/10, mức tăng kỷ lục. Các biện pháp hạn chế, bao gồm đóng cửa nhà hàng, quán bar, phòng gym, phòng hòa nhạc và nhà hát, là cần thiết và tương xứng, bà tuyên bố trước quốc hội.

Theo trang tin Euobserver.com ngày 30/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU đã quyết định dành 220 triệu Euro để giúp chuyển bệnh nhân bị mắc Covid-19 qua biên giới trong trường hợp các bệnh viện ở bất kỳ quốc gia thành viên nào bị quá tải.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo EU mới đây, bà Ursula von der Leyen nêu rõ: “Sự lây lan của Covid-19 gây áp lực lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta nếu chúng ta không hành động khẩn cấp. Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu hiện lên tới hơn 10 triệu người”. Theo bà Ursula von der Leyen, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển bệnh nhân này, các quốc gia thành viên phải cung cấp dữ liệu chính xác, theo thời gian thực, đồng thời cần tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực xét nghiệm, truy tìm dấu vết và theo dõi...

* Các tỉnh của Nga thiếu giường bệnh, oxy do số ca mắc Covid-19 tăng cao. Các bác sĩ, bệnh nhân và quan chức một số tỉnh của Nga xác nhận tình trạng hệ thống y tế đã bị đẩy tới hạn khi các ca mắc Covid-19 gia tăng và việc nhập viện trở nên khó khăn. Điện Kremlin thừa nhận một số nơi đang đối mặt với khủng hoảng, dù các nguồn lực liên bang đang được triển khai "với tốc độ rất nhanh".

Theo số liệu của Sở Y tế tỉnh Kemerovo, tỉnh này có chưa đầy 4.000 giường bệnh cho các bệnh nhân mắc Covid-19 và 86% trong số đó đang được sử dụng.

Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova ngày 28/10 cho biết, tình hình nhập viện đã trở nên "nghiêm trọng" ở 16 tỉnh của Nga, với các bệnh viện điều trị Covid-19 lấp đầy 90% công suất. Bà cũng cho biết công tác cấp cứu đang quá tải ở một số tỉnh. Nhiều tỉnh của Nga đang nỗ lực bổ sung giường bệnh và các nguồn lực dự phòng đang được gửi đi từ Moskva. Tuy nhiên ở những tỉnh đó, nguồn lực y tế tương phản rõ rệt với thủ đô.

* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo, ngày 30/10, một nhóm chuyên gia của WHO đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia của Trung Quốc nhằm thảo luận về đại dịch Covid-19.

Mỹ đã cáo buộc WHO quá thân cận với Trung Quốc trong giai đoạn đầu đại dịch bùng phát khi các nhà phê bình cho rằng, Trung Quốc quá chậm trễ trong việc chia sẻ những thông tin quan trọng về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. WHO liên tiếp bác bỏ những cáo buộc này.

* Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin ngày 30/10 cho biết, công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cần được sử dụng rộng rãi hơn trong hoạt động đi lại quốc tế, hơn là biện pháp cách ly.

Trước đó, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, đồng thời là một chuyên gia về dịch bệnh - ông Mike Ryan cho hay hiện nay, hoạt động đi lại "đã tương đối an toàn" với nguy cơ "tương đối thấp". Ngoài ra, ông cũng nói rằng, rất khó để triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 - vốn được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019 - trong một môi trường "độc hại về chính trị".

(theo WSJ, Reuters, AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-3110-nguy-co-nguoi-chau-au-buong-xuoi-chuyen-gia-who-thao-luan-voi-trung-quoc-coi-trong-xet-nghiem-hon-cach-ly-127743.html