Cập nhật Covid-19 ngày 4/1: Toàn cầu gần 85,5 triệu ca nhiễm, Israel vào làn sóng thứ ba, Indonesia sẽ tiêm chủng hàng loạt vaccine Trung Quốc

Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 85.498.595 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.850.605 trường hợp tử vong và 60.451.984 bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 với 21.113.528 ca nhiễm, trong đó có 360.078 ca tử vong, tiếp đó là Ấn Độ (10.341.291 ca nhiễm) và Brazil (7.733.746 ca nhiễm).

Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng vọt.

* Châu Âu hiện tại ghi nhận hơn 24,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 553.222 trường hợp không qua khỏi.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết, sẽ áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, như lệnh cấm bán rượu trong nhà hàng và quán bar trên toàn quốc và người dân không được mời khách đến nhà.

Người dân Na Uy cũng tạm ngừng tiếp xúc xã hội trong vòng 2 tuần tới. Các trường đại học sẽ đóng cửa đến ngày 18/1.

Số ca mắc Covid-19 tại Na Uy đã gia tăng trong tháng qua và hiện tỷ lệ trung bình 1 người bệnh lây nhiễm cho 1,3 người khác. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Solberg đánh giá có nhiều dấu hiệu hơn về một làn sóng lây nhiễm mới, do dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, cũng như sự xuất hiện của biến thể dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Anh.

Trong khi đó, Hy Lạp ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 mới phát hiện tại Anh. Đây là lần đầu tiên Hy Lạp xuất hiện các ca nhiễm biến thể mới và tất cả các trường hợp này đều vừa trở về từ Anh.

* Châu Mỹ hiện ghi nhận tổng cộng gần 37,5 triệu ca nhiễm, chiếm gần 44% số ca nhiễm toàn thế giới, trong đó có 887.841 trường hợp tử vong, chiếm gần 48% số ca tử vong toàn cầu.

Số ca mắc tại Canada đã vượt 600.000 ca, tăng thêm 100.000 ca chỉ trong 2 tuần. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh dai dẳng tại Canada vào dịp nghỉ lễ cuối năm.

Tính đến chiều 3/1, Canada đã ghi nhận tổng cộng 601.314 ca nhiễm, trong đó có 15.860 ca tử vong do Covid-19.

* Tại châu Á, đến nay có tổng cộng hơn 20,9 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 340.747 trường hợp tử vong.

Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 33 ca nhiễm mới trong ngày 3/1 nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 87.150 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 20 ca nhập khẩu và 33 ca lây nhiễm trong nước. Tính đến ngày 3/1, Trung Quốc đại lục có 4.634 ca tử vong do Covid-19.

Tại Israel, các bệnh viện đang bị thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng điều trị và các y bác sĩ, do số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng mạnh trong những ngày gần đây. Rất nhiều trung tâm y tế của Israel đang phải tìm cách hoãn hủy từ 10-40% các ca phẫu thuật không khẩn cấp để chuyển các phòng mổ thành phòng điều trị tạm thời cho bệnh nhân Covid-19.

Trong thư khẩn cấp đứng tên chung gửi đến Bộ Y tế Israel cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Petah Tikva và Phó Giám đốc Trung tâm y tế Sheba - bệnh viện lớn nhất ở Israel, đã bày tỏ quan ngại về làn sóng dịch thứ 3 hiện nay, được đánh giá nghiêm trọng hơn nhiều so với lần 2, do số bệnh nhân nặng tăng cao. Hai bệnh viện này kiến nghị chính phủ nên siết chặt hơn nữa lệnh phong tỏa.

Trước đó, cùng ngày, Bộ y tế Israel cũng ra thông báo cho biết, diễn biến dịch bệnh ở nước này đang trở nên tồi tệ hơn. Hiện đã có 30 bệnh nhân được khẳng định chính thức bị nhiễm biến thể xuất hiện tại Anh, trong đó riêng ngày 3/1 đã có thêm 7 ca. Điều đáng quan ngại là những bệnh nhân này không phải trở về từ nước ngoài, mà là do lây nhiễm từ cộng đồng.

Hiện Israel đã bước sang tuần thứ 2 trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 nhằm khống chế dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong đợt phong tỏa lần này, các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn được duy trì một phần. Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein ngày 3/1 đã kêu gọi thực hiện phong tỏa triệt để trong 2 tuần, trong bối cảnh số bệnh nhân mắc mới ở Israel vẫn ở mức cao.

* Châu Phi hiện ghi nhận 2.845.290 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 67.344 bệnh nhân thiệt mạng.

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại châu lục này, hôm 28/12 vừa qua Nam Phi đã ra lệnh tái phong tỏa đất nước cấp độ 3 trong thang 5 cấp, bắt đầu từ ngày 29/12, sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, vượt xa giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất tại nước này hồi tháng 7-8/2020.

Tính đến hết ngày 3/1, Nam Phi ghi nhận 1.088.871 ca mắc Covid-19 trong đó bao gồm 29.175 trường hợp tử vong. Nước này hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Phi, bỏ xa các nước xếp liền sau như Morocco với 442.00 ca và Ai Cập với 141.000 ca.

Nghiêm trọng hơn, tốc độ lay lan virus SARS-CoV-2 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi đã tăng với cấp số nhân trong thời gian gần đây, từ 900,000 ca lên mốc 1 triệu chỉ trong vòng 9 ngày, và trước đó đã tăng từ 800.000 lên 900.000 trưởng hợp trong vòng 2 tuần.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 3/1, Indonesia đã bắt đầu phân phối trên toàn quốc loại vaccine ngừa Covid-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển và dự kiến bắt đầu tiến hành tiêm chủng hàng loạt vào cuối tháng này.

Công ty sản xuất vaccine nhà nước Bio Farma của Indonesia đã nhận được tổng cộng 3 triệu liều vaccine Sinovac trong hai đợt vào các ngày 6/12 và 31/12 vừa qua.

Indonesia có kế hoạch tiêm chủng cho 181,5 triệu người từ 18 tuổi trở lên, tương đương khoảng 67% trong số gần 270 triệu dân của nước này, trong vòng 15 tháng.

Dự kiến, 1,3 triệu nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, sau đó là 17,4 triệu đối tượng khác ở tuyến đầu. Tiếp đó, 21,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên sẽ tiêm chủng.

Trong giai đoạn hai dự kiến thực hiện từ tháng 4 năm nay đến tháng 3/2022, 63,9 triệu người ở các khu vực có nguy cơ cao sẽ được tiêm chủng, tiếp theo là 77,4 triệu người còn lại.

Cho đến nay, Indonesia đã đặt mua gần 330 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ 5 nhà cung cấp khác nhau, bao gồm Sinovac, AstraZeneca và Novavax.

Cùng ngày, tại Malaysia, theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin, Kế hoạch quốc gia về tiêm phòng vaccine Covid-19 mà nước này dự kiến tiến hành sẽ được hoàn thiện vào ngày 7/1 tới đây.

Tại Israel, mặc dù đặt mục tiêu đến cuối tháng 1 sẽ có khoảng 2 triệu người, tương đương 1/5 dân số nước này được tiêm 2 mũi vaccine, tuy nhiên, ngày 3/1 truyền thông Israel đưa tin, từ tuần tới nước này có thể phải giảm tốc hoặc thậm chí có thể ngừng hoàn toàn việc tiêm chủng vaccine Covid-19 Pfizer/BioNTech cho người dân. Nguyên nhân là do thiếu vaccine mà phải mất vài tuần mới giải quyết được.

Tại Ai Cập, Bộ trưởng Y tế Hala Zayed thông báo, chương trình chủng ngừa vaccine Covid-19 sẽ được khởi động trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 1, trong đó nhân viên y tế tuyến đầu, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và người cao tuổi sẽ là những đối tượng được ưu tiên.

Bộ Y tế Nam Phi cũngđã thông báo kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà trong năm 2021, trong đó bác sỹ tuyến đầu, người cao tuổi vào người có bệnh lý nền sẽ là những đối tượng được ưu tiên.

Nam Phi đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho ít nhất 40,3 triệu người, tương đương 2/3 dân số nước này trong năm 2021. Quá trình triển khai sẽ được chia thành 3 đợt nhằm tối ưu hóa hiệu quả của quá trình phân phối và bảo quản vaccine.

Trong khi đó, Jordan đã ký một hợp đồng với công ty dược phẩm Pfizer-BioNTech, mua 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, nước này cũng đặt mua 2 triệu liều vaccine khác từ chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-41-toan-cau-gan-855-trieu-ca-nhiem-israel-vao-lan-song-thu-ba-indonesia-se-tiem-chung-hang-loat-vaccine-trung-quoc-133101.html