Cập nhật Covid-19 ngày 4/11: Mỹ tăng 'khủng' số ca nhiễm trong ngày bầu cử, EU tổ chức hội nghị giữa 'bão', thêm Tổng thống nhiễm bệnh
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 47.844.811 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.220.224 bệnh nhân tử vong và 34.352.711.
Xét về số ca tử vong do Covid-19, hiện Mỹ dẫn đầu với 238.641 ca, tiếp đến là Brazil với 160.548 ca và Ấn Độ với 123.650 ca.
Xét về số ca nhiễm, Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhất với 9.692.528 trường hợp, tiếp đến là Ấn Độ với 8.312.947 ca và Brazil với 5.567.126 ca.
Có 5 quốc gia khác có số ca nhiễm Covid-19 vượt 1 triệu là Nga (1.673.686); Pháp (1.502.763); Tây Ban Nha (1.331.756); Argentina (1.195.276); Colombia (1.099.392) và Anh (1.073.882).
* Xét theo khu vực, châu Á là lục địa ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới với (13.941.314 ca). Với hơn 11.550.000 ca, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai.
Châu Âu với 10.700.983 ca là châu lục chịu thiệt hại thứ 3 thế giới, sau đó là Nam Mỹ với 9.777.921 ca. Châu Phi hiện ghi nhận hơn 1,8 triệu ca và châu Đại Dương ghi nhận hơn 38.000 calà hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
* Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 105 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 102 người), Tây Ban Nha - 78 người và Brazil - 75 người.
* Tại Mỹ, trong ngày bầu cử 3/11, ghi nhận số ca nhiễm mới tăng khủng lên 94.463 trường hợp, con số cao thứ hai sau kỷ lục ngày 30/10 (101.538).
Hơn 850.000 trẻ em tại Mỹ đã được chẩn đoán mắc Covid-19 kể từ đầu mùa dịch, trong đó, từ ngày 22-29/10, báo cáo mới của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Bệnh viện Nhi cho thấy tổng cộng 61.447 ca nhiễm mới là trẻ em đã được ghi nhận, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Tỷ lệ trẻ em nhiễm Covid-19 là 1.134 ca trên 100.000 em. Trẻ em cũng chiếm từ 1-3,5% số ca phải nhập viện vì Covid-19, chiếm 0,2% số ca tử vong.
* Hiện châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 2, có nguy cơ nặng nề hơn làn sóng đầu tiên hồi đầu năm. 1/5 số ca tử vong của châu lục này tập trung tại Anh, cũng là nơi ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 47.250 ca. Con số này ở Pháp và Tây Ban Nha lần lượt là 38.289 ca và 36.495 ca.
Ngày 3/11, Hội đồng châu Âu thông báo, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/11 để thảo luận về cách ứng phó với đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe công dân và nền kinh tế các quốc gia của khối.
Tại Czech, theo Chủ tịch Phòng y tế Milan Kubek, trong 7 ngày qua, số lượng bác sỹ và y tá nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã tăng từ 13.000 người lên 16.000 người.
Trước thực trạng số lượng nhân viên y tế nhiễm bệnh gia tăng, Bộ Y tế Czech đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử hai nhóm y tế tới nước này hỗ trợ ứng phó với dịch.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng, nước này cần phải thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát tình hình đại dịch đang diễn biến phức tạp.
Theo ông Spahn, tình hình dịch bệnh hiện nay tại Đức đang rất nghiêm trọng khi số ca nhiễm mới tính theo ngày tăng lên theo cấp số nhân, dẫn đến tình trạng số người cần dùng máy thở cũng tăng rất nhanh. Vì vậy, Berlin cần liên tục điều chỉnh các chiến lược cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Cũng trong cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) Lars Schaade cảnh báo, với tình hình gia tăng hiện nay, nếu không kịp thời kiểm soát thì nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể ghi nhận tới 400.000 ca nhiễm mới trong dịp Lễ Giáng sinh tới.
Theo các số liệu mới nhất do RKI công bố, trong 24 giờ qua, trên cả nước Đức ghi nhận 16.849 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 577,131 ca, trong đó có 10.883 ca tử vong.
* Tại châu Á, sau Ấn Độ, Iran bị ảnh hưởng thứ hai khu vực với 637.712 ca nhiễm, trong đó có 36.160 ca tử vong.
Các nước như Iraq, Indonesia và Bangladesh đều ghi nhận hơn 410.000 ca nhiễm.
Nhóm thứ hai ghi nhận trên 310.000 ca nhiễm gồm Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Pakistan và Israel. Lào là nước ít bị tác động nhất khu vực, với 24 ca nhiễm và không có ca tử vong.
* Tại châu Phi, Văn phòng Tổng thống Algeria xác nhận, Tổng thống Abdelmadjid Tebboune đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông báo này đã chấm dứt những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Tổng thống Tebboune sau khi ông phải nhập viện để điều trị ở Đức.
Theo thông báo của cơ quan trên, Tổng thống Tebboune, 74 tuổi, đang tiếp tục được điều trị tại một bệnh viện chuyên ngành ở Đức sau khi mắc Covid-19. Sức khỏe của ông đang dần hồi phục.
Trước đó, ngày 28/10, Tổng thống Tebboune đã được đưa đến Đức để chăm sóc sức khỏe khẩn cấp sau khi ông phải đối mặt với chứng khó thở và phải sử dụng máy trợ thở.
* Liên quan vaccine Covid-19, ngày 3/11, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo nước này tiếp nhận những lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của công ty dược phẩm CanSino Biologics, Trung Quốc, để tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Ebrard cho biết vaccine CanSino Biologics sẽ được thử nghiệm với 15.000 tình nguyện viên trên 18 tuổi ở thủ đô Mexico City và bang San Luis de Potosi.
Trước đó, ngày 13/10, Mexico đã ký thỏa thuận với 3 công ty dược phẩm gồm AstraZeneca, Pfizer và CanSino Biologics để mua trước 146,8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Theo kế hoạch, 35 triệu liều vaccine (1 liều/người) của công ty dược phẩm CanSino Biologics (Trung Quốc) sẽ được tiêm vào tháng 12 tới; tiếp đó là 77,4 triệu liều (2 liều/người) của AstraZeneca và 34,4 triệu liều (2 liều/người) của Pfizer.
Trong khi đó, cùng ngày 3/11, nhật báo Hungary dẫn lời Ngoại trưởng nước này Peter Szijjarto cho biết, Budapest đang tiến hành đàm phán để mua vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc, Nga và Israel.
(tổng hợp)