Cập nhật Covid-19 ngày 9/1: Dịch bệnh tại Hà Bắc, Trung Quốc diễn biến phức tạp; WHO chưa được điều tra nguồn gốc virus; Vaccine khó tới nước nghèo

Theo trang mạng Worldometers.info, tính đến 12h ngày 9/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 89.358.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 1.922.156 ca tử vong. Hơn 64 triệu bệnh nhân Covid-19 trên toàn thế giới đã phục hồi.

Thế giới ghi nhận tổng cộng 89.358.774 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.922.156 ca tử vong, hơn 64 triệu bệnh nhân đã phục hồi.

Thế giới ghi nhận tổng cộng 89.358.774 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.922.156 ca tử vong, hơn 64 triệu bệnh nhân đã phục hồi.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 378.057 ca tử vong trong tổng số 22.443.286 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.835 ca tử vong trong số 10.432.525 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 201.542 ca tử vong trong số 8.015.920 bệnh nhân.

* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 8/1 cho biết, ông mong muốn ấn định thời điểm lên đường, sớm nhất là trong tuần tới, cho phái đoàn tới Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trước đó trong tuần, người đứng đầu WHO bày tỏ “rất thất vọng” trước việc Trung Quốc chưa cho phép các chuyên gia quốc tế nhập cảnh để điều tra về các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 8/1, Tổng giám đốc WHO cho biết, các nước có mức thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa có nguồn cung vaccine phòng bệnh Covid-19, đồng thời kêu gọi các nước giàu chấm dứt các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất vaccine.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, ông Ghebreyesus cho biết, ngay từ đầu, các nước giàu đã chiếm phần lớn nguồn cung các loại vaccine phòng Covid-19. Ông kêu gọi các nước giàu và các hãng sản xuất vaccine ngừng các thỏa thuận song phương vì sẽ ảnh hưởng tới Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX do WHO khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Ông cũng kêu gọi những nước đặt mua quá nhiều vaccine nên cung cấp và chia sẻ cho cơ chế toàn cầu này.

Theo Tổng giám đốc WHO, có một vấn đề rõ ràng là các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa nhận được nguồn cung vaccine phòng Covid-19. Hiện 42 nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng phòng Covid-19, mà 36 nước trong số này là những nước có thu nhập cao và chỉ có 6 nước có thu nhập trung bình.

Cho đến nay, các quốc gia giàu có bao gồm Anh, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Thụy Sỹ và Israel là những nước đứng đầu nhóm chờ đợi giao vaccine từ các hãng bào chế, trong đó có hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh).

Tổng giám đốc WHO cho biết, trong những tuần gần đây, số ca nhiễm đã gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, người dân cần tuân thủ các biện pháp hạn chế và quy định giãn cách xã hội để chặn đà gia tăng lây lan của dịch bệnh.

* Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 8/1 đã chỉ trích công tác phân phối vaccine ngừa Covid-19 của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump như “trò đùa".

Phát biểu trước báo giới ở thành phố Wilmington, bang Delaware, ông Biden nêu rõ: “Vaccine mang lại cho chúng ta hy vọng, nhưng công tác phân phối lại là một trò đùa”. Theo Tổng thống đắc cử Mỹ, công tác này sẽ là “thách thức hành động lớn nhất mà chúng ta sẽ phải đối mặt từ trước đến nay với tư cách của một quốc gia”.

Bên cạnh đó, ông Biden cho rằng, báo cáo việc làm của Mỹ được công bố trong ngày 8/1 cho thấy người dân nước này hiện cần thêm sự hỗ trợ khẩn cấp và triển khai hành động ngay lập tức sẽ có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, thậm chí phải huy động các nguồn tài chính để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách.

Theo ông Biden, các hộ gia đình Mỹ hiện cần thêm gói cứu trợ trực tiếp, trong đó có khoản kích thích trị giá 2.000 USD/gia đình, để giúp họ đối mặt với đại dịch Covid-19.

* Tại Ấn Độ, Hãng thông tấn ANI đưa tin, Thủ tướng Narendra Modi sẽ thảo luận trực tuyến với thủ hiến của tất cả các bang và vùng lãnh thổ Ấn Độ trong ngày 11/1 để thống nhất kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân nước này.

Cuộc thảo luận diễn ra sau khi Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ tiến hành 2 chương trình thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc. Trong đó, chương trình thử nghiệm thứ 2 được tiến hành trong ngày 8/1 nhằm mục đích kiểm tra sự sẵn sàng của các bang và vùng lãnh thổ trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng chính thức cho người dân.

* Tại châu Mỹ, Quốc gia Nam Mỹ - Peru, Bộ Y tế nước này thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh. Bệnh nhân là một công dân nữ, trước đó đã tham gia vào các cuộc họp mặt gia đình trước ngày Giáng sinh. Giới chức y tế Peru cũng bắt đầu tiến hành xét nghiệm đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân này.

Bộ Y tế Peru cũng cho biết, trong vòng 10 ngày qua, nước này ghi nhận các ca mắc Covid-19 tăng trở lại với tốc độ chậm nhưng liên tiếp. Từ ngày 21/12/2020, Chính phủ Peru đã ra lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu và các chuyến kết nối với châu Âu qua nước này tới ngày 5/1, sau đó tiếp tục kéo dài lệnh cấm này thêm 15 ngày nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện của biến thể virus mới này. Tính đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 trên cả nước, trong đó có hơn 38.000 ca tử vong.

Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp tại Canada khi quốc gia Bắc Mỹ này đã có thêm 53.710 ca nhiễm mới trong 7 ngày qua, tăng 15% so với 7 ngày trước đó. Dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.600 người Canada trong tổng số khoảng 640.000 ca nhiễm ở nước này.

Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford cho biết tỉnh này đang ở trong “tình trạng nghiêm trọng nhất” kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát. Ontario ngày 8/1 ghi nhận 4.249 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục tính trong một ngày. Ông Ford cảnh báo hậu quả sẽ “thảm khốc hơn” nếu các biện pháp y tế công cộng bị người dân “phớt lờ” và lệnh phong tỏa trên toàn tỉnh có thể không kết thúc vào ngày 23/1 tới. Thủ hiến Ontario kêu gọi người dân phải tiếp tục ở nhà, tránh tụ tập với những người bên ngoài hộ gia đình của mình, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và rửa tay. Giới chức y tế Ontario cho biết, tại tỉnh này, số người phải nhập viện điều trị và số người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt đang có xu hướng tăng. Đáng chú ý là số ca nhiễm ở trẻ em đã tăng đáng kể trong nửa cuối của tháng 12/2020. Sáu ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được xác nhận ở tỉnh này.

* Tại châu Âu, ngoại trưởng của 13 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa gửi thư ngỏ tới Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi hỗ trợ 6 nước đối tác phía Đông gồm Ukraine, Gruzia, Belarus, Moldova, Azerbaijan và Armenia để đảm bảo tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19.

Litva cho biết đã khởi xướng việc viết thư gửi EC và nhận được sự đồng thuận của các ngoại trưởng của Bulgaria, Croatia, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Ba Lan, Romania, Slovakia và Thụy Điển. Bức thư nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng, biên giới của EU sẽ không an toàn nếu không mở rộng hỗ trợ cho các nước láng giềng gần kề của chúng tôi. Các đối tác phía Đông của chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự hỗ trợ liên quan đến Covid-19 của EU và đã đề nghị được tiếp cận với vaccine một cách thuận lợi”.

Theo các bộ trưởng, các nước đối tác phía Đông sẽ nhận được sự hỗ trợ như đã cam kết với các nước Tây Balkan. Trước đó, ngày 28/12/2020, EC đã thông báo rằng, 6 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Tây Balkan gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia sẽ được tiếp cận sớm với vaccine ngừa Covid-19 nhờ gói viện trợ trị giá 70 triệu Euro.

Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Cơ quan y tế Hungary Cecília Müller cho biết, nước này sẽ nhận được hơn 1,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ công ty dược phẩm Moderna của Mỹ, đủ để tiêm cho 872.000 người. Bà Müller lưu ý rằng, vaccine Moderna đã được EC cấp phép tiếp thị và EU đã đặt hàng chung 160 triệu liều vaccine này. Đây là loại vaccine thứ hai được phép sử dụng ở châu Âu.

Ngày 25/12/2020, Hungary đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hợp tác phát triển, cho nhân viên y tế nước này.

* Tại châu Á, ngày 9/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong trong ngày 8/1.

Theo NHC, trong số 16 ca nhập cảnh có 7 ca ở Thượng Hải (Shanghai), 2 ca ở Quảng Đông (Guangdong), 4 ca ở Liêu Ninh (Liaoning) trong khi Giang Tô (Jiangsu), Phúc Kiến (Fujian) và Sơn Đông (Shandong), mỗi nơi 1 ca. Trong số 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 14 ca ở Hà Bắc (Hebei) và 3 ca ở Liêu Ninh.

Riêng tại tỉnh Hà Bắc, toàn bộ các ca nhiễm mới đều ở thành phố Thạch Gia Trang. Đến nay, tỉnh Hà Bắc có 137 ca nhiễm trong cộng đồng, 2 ca nhập cảnh, trong đó có 7 ca nguy kịch. Từ ngày 8/1, tỉnh Hà Bắc đã điều chỉnh mức độ cảnh báo rủi ro thêm 9 khu vực thành khu vực có nguy cơ trung bình. Quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang vẫn là khu vực có nguy cơ cao.

Chiều 8/1, lãnh đạo tỉnh Hà Bắc cho biết đã triển khai kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn tỉnh. Người dân ở Thạch Gia Trang và Hình Đài không được rời thành phố trừ trường hợp cần thiết. Tăng cường kiểm soát giao thông, tạm dừng các phương tiện vận tải đường dài tại Thạch Gia Trang và Hình Đài. Chỉ cho phép các xe ra vào để phục vụ phòng chống dịch bệnh, vận hành đô thị, phục vụ đời sống, vận chuyển trang thiết bị phòng chống dịch. Các khu dân cư thực hiện quản lý chặt chẽ, chỉ vào không được ra, trường hợp đặc biệt mới được ra. Đối với các khu vực dân cư có mức độ rủi ro cao phải áp dụng biện pháp phong tỏa kiểm soát; làm tốt công tác phối hợp đảm bảo nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày cho người dân; tăng cường kiểm tra giám sát thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung, đáp ứng kịp thời và giả cả ổn định.

Cùng ngày, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường triển khai các biện pháp quản lý đối với những người đến hoặc trở về từ những khu vực có nguy cơ trung bình và cao. Theo đó, tất cả những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao và trung bình hoặc từng đi qua các khu vực có nguy cơ cao và trung bình, sau khi đến Bắc Kinh phải khai báo với chính quyền; Thực hiện quan sát y tế tập trung "14 + 7" đối với tất cả các trường hợp F1, F2; Thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với những người đến, trở về hoặc từng đi qua các khu vực có nguy cơ cao; Thực hiện giám sát y tế tại nhà 14 ngày đối với tất cả những người đến, trở về hoặc từng đi qua khu vực có nguy cơ trung bình. Trường hợp không có điều kiện giám sát y tế tại nhà thì sẽ cách ly tập trung; Tiến hành xét nghiệm axit nucleic đối với tất cả các trường hợp cách ly tập trung, giám sát y tế tại nhà và những trường hợp tại Bắc Kinh có liên quan đến các trường hợp nhiễm hoặc khu vực nhiễm từ thời điểm ngày 10/12/2020.

Tính đến hết ngày 8/1, Trung Quốc có tổng cộng 87.364 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong. Cho đến nay, 82.195 ca đã được chữa khỏi và xuất viện.

Nhật Bản tuyên bố sẽ siết chặt hơn các quy định kiểm soát biên giới kể từ ngày 9/1 bằng cách yêu cầu tất cả những người nhập cảnh trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến Nhật Bản trong giai đoạn áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp mới nhất. Bên cạnh đó, khách nhập cảnh sẽ được xét nghiệm ngay khi đến Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, biện pháp trên sẽ được áp dụng đối với những người nhập cảnh vào nước này từ ngày 13/1 và sẽ có hiệu lực cho tới khi lệnh tình trạng khẩn cấp thứ 2, được công bố hôm 7/1, được dỡ bỏ. Theo tuyên bố của Chính phủ Nhật Bản, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực đến ngày 7/2.

(theo Reuters, AFP, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-91-dich-benh-tai-ha-bac-trung-quoc-dien-bien-phuc-tap-who-chua-duoc-dieu-tra-nguon-goc-virus-vaccine-kho-toi-nuoc-ngheo-133503.html