CẬP NHẬT DỊCH 17/6: Hà Tĩnh thêm 3 ca mắc COVID-19, có cháu bé 6 tháng tuổi
Sáng 17/6, Hà Tĩnh ghi nhận thêm 3 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có cháu bé 6 tháng tuổi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) vừa ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh.
Ba bệnh nhân gồm: H.T.K.A (SN 1995), trú thôn Gia Phú, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Bệnh nhân là F1 của ca bệnh N.Đ.T (tại Công ty VPBank FC-42 Đinh Lễ, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An).
Trưa 16/6, bệnh nhân H.T.K.A đã được test nhanh cho kết quả dương tính. Sau đó được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh làm xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân L.T.D (SN 2017), trú tại địa chỉ Xóm Thọ, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 9683 và đã được cách ly trước đó. Sau 2 lần lấy mẫu xét nghiệm âm tính, đến lần thứ 3 phát hiện dương tính.
Bệnh nhân N.P.A (6 tháng tuổi), trú tại ngõ 3, đường Nguyễn Trung Thiên, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 10556. Trước đó đã được cách ly tập trung tại trường mầm non Tân Giang.
Hiện ngành y tế đang tiếp tục truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Như vậy, tính từ ngày 4/6 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 72 ca mắc COVID-19. (Hoài Nam)
Nghệ An ghi nhận thêm 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2
Ngày 17/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, Nghệ An vừa ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là F1 của BN 11634 ở huyện Diễn Châu.
Trường hợp mới được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là N.H.A. 28 tuổi, ở xã Nghi Phú, TP Vinh, công tác tại huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Trước đó, ngay khi sau khi BN 11634 được công bố, anh A. nghe thông tin mình là F1. nên đã chủ động sang Trạm Y tế xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) để khai báo y tế và cách ly y tế để điều tra dịch tễ.
Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên lúc 1h30 ngày 17/6/2021 (làm 2 lần) kết quả nghi ngờ (Dương tính), CDC Nghệ An tiếp tục xét nghiệm RT- PCR khẳng định và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện, ngành y tế Nghệ An đang khẩn trương điều tra, truy vết các trường hợp liên quan, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiến hành phun hóa chất khử khuẩn các địa điểm có bệnh nhân và các trường hợp F1.
Đến thời điểm này, Nghệ An đã ghi nhận 5 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. (Cảnh Huệ)
TPHCM cố gắng khống chế dịch trong 2-3 tuần
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp nhận vai trò Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 (lần 2) tại TPHCM từ ngày 13/6. Ông đang cùng thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt triển khai các giải pháp phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM để kiểm soát đợt dịch đang bùng phát.
Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí về tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM chiều ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, công tác phòng, chống dịch ở TPHCM có nhiều điểm mới, trong đó Thành phố đã kết hợp nhiều biện pháp.
Đầu tiên là xét nghiệm rRT-PCR để xác định tải lượng virus cao, thấp của từng người và từ đó đánh giá mức độ lây nhiễm. Thứ 2 là kết hợp thêm yếu tố điều tra dịch tễ, xác định thời điểm tiếp xúc thông qua công nghệ truy vết từ người khai báo. Thứ 3 là xét nghiệm nhanh kháng thể để biết người nào có thể nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Từ đó, truy tìm được người mang mầm bệnh qua xét nghiệm rRT-PCR khẳng định.
“Từ người có nồng độ virus cao, dễ dàng suy luận được họ mới lây nhiễm từ trường hợp mang mầm bệnh. Tôi đánh giá TPHCM thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến hiện tại” – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói và cho biết Tổ thường trực tại TPHCM đã trao đổi các vấn đề phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở thành phố; mục tiêu là cố gắng trong 2-3 tuần tới có thể khống chế được dịch COVID-19 trên địa bàn.
Sáng ngày 17/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, Thành phố ghi nhận thêm 45 ca nhiễm mới (BN11738-BN11739, BN11741-BN11783), đa phần đã được cách ly từ trước.
Theo HCDC, trong 45 trường hợp mới phát hiện thì có 43 trường hợp đã được cách ly từ trước. Trong 43 trường hợp đã được cách ly thì có đến 24 trường hợp đã từng có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Các chuỗi lây nhiễm đang được thành phố giám sát, kiểm soát chặt.
Cụ thể, 45 trường hợp nhiễm mới có 29 là các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được công bố trước đó; 14 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly và xét nghiệm lần thứ 4 mới có kết quả dương tính; 2 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc đang điều tra dịch tễ.
29 trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly bao gồm: chuỗi chung cư Ehome 3 (7) đã được cách ly và từng có kết quả âm tính lần 1; chuỗi nhà trọ trên đường Tô Ngọc Vân (18) đã được cách ly; liên quan BN8872 (1) đã được cách ly và kết quả xét nghiệm lần thứ 3 mới dương tính; liên quan BN10785 (1); liên quan BN11175 (2) đã được cách ly và kết quả xét nghiệm lần 2 mới dương tính.
Riêng 2 trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện là BN1739, BN1741 cư trú tại Thị Trấn Hóc Môn đang được điều tra dịch tễ. (Uyên Phương)
24 tỉnh, thành qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới
Bản tin dịch COVID-19 sáng 17/6 của Bộ Y tế cho biết có thêm 159 ca mắc COVID-19 tại 8 tỉnh, thành phố; riêng TPHCM 45 trường hợp. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 11.794 bệnh nhân. Thế giới cũng đã có trên 177,7 triệu người mắc COVID-19.
Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 16/6 đến 6h ngày 17/6 có 159 ca mắc mới (BN11636-11794):
- 01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa.
- 158 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (87), TP. Hồ Chí Minh (45), Tiền Giang (11), Bình Dương (7), Bắc Ninh (6), Lạng Sơn (1), Hà Tĩnh (1); trong đó 156 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa
Tính đến 6h ngày 17/6:
- Việt Nam có tổng cộng 10.138 ca ghi nhận trong nước và 1.656 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 8.568 ca, trong đó có 1.816 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 24 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
- Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.249.313 mẫu cho 4.999.746 lượt người.
Số ca mắc COVID-19 trên thế giới tính đến sáng ngày 17/6
Cả thế giới có 177.738.597 ca mắc, trong đó 162.237.628 ca khỏi bệnh; 3.847.013 ca tử vong và 11.653.956 ca đang điều trị (83.116 ca diễn biến nặng).
Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 338.781 ca, tử vong tăng 7.978 ca.- Châu Âu tăng 40.668 ca; Bắc Mỹ tăng 20.917 ca; Nam Mỹ tăng 119.312 ca; châu Á tăng 147.636 ca; châu Phi tăng 20.112 ca; châu Đại Dương tăng 136 ca.
Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 23.564 ca, trong đó: Indonesia tăng 9.944 ca, Philippines tăng 5.414 ca, Malaysia tăng 5.150 ca, Thái Lan tăng 2.331 ca, Campuchia tăng 693 ca, Myanmar tăng 355 ca, Singapore tăng 24 ca, Lào tăng 8 ca. (Lê Vũ)
Đàm phán với Cu Ba về sản xuất loại vắc xin tiêm 3 mũi
Chiều tối ngày 16/6, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc trực tuyến với ông Jose Angel Portal Miranda, Bộ trưởng Bộ Y tế nước Cộng hòa Cuba; lãnh đạo của Trung tâm Kỹ thuật Gene và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB), Tập đoàn Dược – Sinh học Cuba (BIOCUBAFARMA) về vấn đề cung ứng vắc xin phòng COVID-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất, đóng ống vắc xin này tại Việt Nam.
Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn ủng hộ hợp tác này và giao cho Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) là đơn vị đầu mối trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin Abdala.Phía Cuba cho biết vắc xin phòng COVID-19 Abdala của Cuba đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1, thử nghiệm trên 123 người; giai đoạn 2 thử nghiệm trên 660 người và giai đoạn 3 là trên 48.000 người trong độ tuổi từ 19-80 tuổi. Các kết quả thử nghiệm giai đoạn này cho thấy vắc xin Abdala có khả năng ngăn chặn các loại biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên vắc xin này chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người ở bất kỳ quốc gia nào.
Về năng lực sản xuất vắc xin Abdala, Cuba cho biết có thể sản xuất khoảng 100 triệu liều/năm và Cuba chỉ sử dụng khoảng 30 triệu liều cho thị trường trong nước. Bộ trưởng Jose Angel Portal Miranda cho biết Bộ Y tế Cuba thường xuyên kiểm tra các giai đoạn, các bước và đã đánh giá tất cả các giai đoạn lâm sàng của quá trình thử nghiệm; đồng thời thường xuyên làm việc với các đơn vị sản xuất vắc xin để thúc đẩy tiến độ sản xuất, nhưng phải đảm bảo mọi công đoạn sản xuất tuân thủ đúng quy trình.
Phía Cuba bày tỏ sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vắc xin Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vắc xin lớn hơn số vắc xin hiện Cuba đang sản xuất, Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn thiện chí của Cuba trong hợp tác với Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn ủng hộ hợp tác này và giao cho Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) là đơn vị đầu mối trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin Abdala.
“Về khả năng mua vắc xin, trên cơ sở trao đổi và khả năng và nhu cầu, Bộ Y tế sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để quyết định số lượng cần mua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói tại buổi làm việc.
Đồng thời Bộ trưởng cũng thông tin về 2 ứng viên vắc xin phòng COVID-18 của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 3, trong đó vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3 có sự tương đồng về công nghệ với vắc xin Abdala.
Kết quả bước đầu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin Abdala có khả năng ngăn chặn được các loại biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tìm thấy ở châu Phi và Brazil, có độ an toàn cao, độ miễn dịch tốt.
Vắc xin sẽ được tiêm 3 mũi, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 14 ngày.
Có thể bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8 độ C. (Thái Hà)
Theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm 286 công dân Bắc Giang về Hà Nội
Ngày 17/6, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 286 công dân Hà Nội làm việc tại Bắc Giang đã được đón trở về Hà Nội an toàn trong ngày 15/6. Đây là các công dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đăng ký trở về. Đồng thời thuộc các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; người lao động đang ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã được sàng lọc, xét nghiệm RT-PCR âm tính nhiều lần.
Các công dân được đón về Hà Nội bao gồm các đối tượng công dân là các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; người lao động đang ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã được sàng lọc, xét nghiệm RT-PCR âm tính nhiều lần (có giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền).
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, sau khi đón công dân trở về, các công dân được chở đến các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã bằng phương tiện ô tô. Khi di chuyển, các công dân phải đảm bảo giãn cách theo quy định và trên mỗi xe để lại 1 hàng ghế cuối xe và được ngăn cách bởi tấm chắn ni lông để dự phòng cách ly công dân có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở,...
Trên mỗi xe đều để lại một hàng ghế cuối xe và được ngăn cách bởi tấm chắn ni long để dự phòng cách ly công dân có biểu hiện sốt, ho,… Trước và sau khi vận hành, các phương tiện đều được khử khuẩn. Quá trình vận hành đảm bảo tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch.
Đối với những người trong diện phải cách ly tập trung (do cơ quan y tế chỉ định) sẽ được đưa về khu vực cách ly tập trung (địa điểm các ly tập trung do ngành y tế đề xuất) để thực hiện cách ly theo quy định.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, Sở Y tế Hà Nội sẽ thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho 286 công dân này theo đúng như nghị quyết 21/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành. (Quảng An)
Bộ Y tế: Yêu cầu các địa phương tập trung toàn bộ lực lượng để chống dịch
Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tại các ổ dịch mới phát sinh trên các địa bàn thuộc các tỉnh thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An…và tiếp tục hỗ trợ công tác chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ, giám sát tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh.
Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, hỗ trợ người dân khai báo y tế qua tổng đài gọi điện tự động, đẩy mạnh triển khai bản đồ chung sống an toàn dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ trong giám sát cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, giám sát đối với người nhập cảnh; hoàn thiện nền tảng quản lý tiêm chủng, tích hợp quy trình khai báo điện tử và tiêm chủng vắc xin vào nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân sẵn có, đảm bảo tính tiện lợi, tinh gọn cho công tác kiểm soát tiêm chủng.
Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn cách ly trong tình hình mới. Xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm Hướng dẫn cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, theo hướng rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
Bộ Y tế phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cập nhật, ban hành các hướng dẫn, khuyến cáo về quản lý môi trường; tổ chức hoạt động giao thông vận tải tại các địa phương có dịch theo Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 05/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và qua các địa phương.
Tiếp tục truyền thông tập trung về thực hiện 5K, thực hiện “Mục tiêu kép”, tiến độ mua, sản xuất và tiêm vắc xin, cập nhật ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19. (Thuận Phương)
Phong tỏa 2 thôn ở Hà Tĩnh sau ca nhiễm COVID-19
Sau khi ghi nhận có một ca mắc COVID-19, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã phong tỏa 2 thôn với hơn 100 hộ dân tại xã Xuân Viên để triển khai các phương án phòng chống dịch.
Đêm 16/6, sau khi ghi nhận bệnh nhân nữ (SN 1995, trú tại thôn Gia Phú, xã Xuân Viên) mắc COVID-19, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã thiết lập 8 chốt phong tỏa 4 tổ liên gia thuộc 2 thôn Gia Phú và Mỹ Lộc.
Khu vực hai thôn bị phong tỏa có 106 hộ/321 nhân khẩu. Thời gian phong tỏa được thực hiện từ 0h ngày 17/6/2021 cho đến khi có quyết định tiếp theo.
Huyện Nghi Xuân yêu cầu người dân khu vực bị phong tỏa thực hiện cách ly theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn; người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại các cơ quan. Công sở, nhà máy không bị đóng cửa…..thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Bệnh nhân nữ vừa ghi nhận tại xã Xuân Viên là F1 của ca bệnh N.Đ.T (tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An). Ngày 16/6, bệnh nhân H.T.K.A đã được xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện, huyện Nghi Xuân đang khẩn trương rà soát, truy vết những người có liên quan với ca bệnh này để lấy mẫu xét nghiệm.
Sáng nay 17/6, Hà Tĩnh ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 nâng tổng số ca nhiễm đến nay là 72 người. (Hoài Nam)